Khi vừa bước chân vào quân ngũ, mọi thứ đều trở nên xa lạ đối với Binh nhì Quách Công Linh, chiến sĩ Trung đội 7, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 395, Quân khu 3). Nhất là mỗi khi màn đêm buông xuống, nỗi nhớ nhà cứ bủa vây lấy Linh mà chẳng biết tâm sự cùng ai.
Nhưng rồi mọi chuyện đã khác, qua những buổi sinh hoạt với chủ đề “Tâm sự đồng đội”, Linh được nói về bản thân mình và nghe đồng đội nói về chính họ. Nhờ vậy, sau các buổi sinh hoạt, bầu không khí trong đơn vị cởi mở hơn, mọi người sống gần gũi và sẻ chia hơn. Nhớ lại những ngày đã qua, trong những dòng nhật ký của mình, Linh viết: “Ngày đầu tiên bước chân vào môi trường công tác mới, mình có cảm giác vui buồn lẫn lộn. Vui là mình vinh dự được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội. Buồn là phải xa gia đình, nỗi nhớ nhà đã chiếm hết tâm trí mình. Nhưng qua những buổi sinh hoạt “Tâm sự đồng đội”, mình cùng mọi người đã hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn, nỗi nhớ nhà cũng vơi đi…”.
Còn với Binh nhì Lò Văn Ngọc, chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 17) lại khác. Quê ở Hòa Bình, lên 5 tuổi bố mẹ đã ly hôn, từ đó Ngọc sống cùng bố và dì. Vì vậy, em luôn thiếu thốn tình cảm của mẹ. Vào quân ngũ, nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ mẹ càng cồn cào, mong ước giản dị của Ngọc là được nghe thấy tiếng nói ấm áp của mẹ mà như xa vời. Cũng vì vậy, em sống khép mình, giấu kín những tâm sự. Nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi, tại buổi sinh hoạt “Tâm sự đồng đội” của Trung đội 6, Ngọc mạnh dạn nói lên tâm trạng của bản thân và nghe đồng đội nói về họ. Sau buổi sinh hoạt đó, giữa Ngọc với chỉ huy và đồng đội như không còn khoảng cách. Cũng từ đó, nỗi nhớ nhà của Ngọc đã vơi đi nhiều. Ngọc bộc bạch: "Sau buổi sinh hoạt “Tâm sự đồng đội”, em và mọi người trong đơn vị đã hiểu, thông cảm với nhau hơn, biết quan tâm, sẻ chia với nhau. Theo suy nghĩ của em, trong môi trường quân ngũ, tình đồng đội là tình cảm thiêng liêng và cao cả. Giờ đây, em không đơn độc nữa, bởi xung quanh luôn có đồng chí, đồng đội”.
THANH SANG