QĐND - Tác chiến không gian mạng (tác chiến mạng) là hành vi các bên tham chiến sử dụng mạng Internet hoặc các mạng khác để thu thập, phá hoại thông tin trong hệ thống tổ chức, chỉ huy, điều khiển, hệ thống vũ khí… của nhau. Đây là phương thức tác chiến “không tiếng súng” trên cơ sở công nghệ thông tin mà các bên có thể tác chiến trong điều kiện không nhìn thấy nhau.
Đặc điểm nổi bật của tác chiến mạng là rất linh hoạt với “vũ khí” đơn giản chỉ là những chiếc máy tính, nhưng hậu quả mà nó gây ra là rất lớn. Điển hình như trong những năm 2007-2008, mã độc Stuxnet-một sâu máy tính đã xâm nhập vào hệ thống máy tính điều khiển chương trình làm giàu Uranium của I-ran và đã để lại hậu quả nặng nề: Hơn 980 máy ly tâm cao tốc phục vụ chương trình hạt nhân tại Nhà máy Natanz bị ngừng hoạt động. Chương trình hạt nhân của I-ran bị chậm lại ít nhất 2 năm... Bên cạnh đó, tác chiến mạng hầu như không chịu ảnh hưởng của bất kỳ điều kiện tự nhiên nào. Khái niệm không gian cũng trở nên vô nghĩa trong tác chiến mạng.
Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của tác chiến mạng, nhất là trong chiến tranh hiện đại, quân đội các nước rất chú trọng đầu tư nghiên cứu, phát triển lực lượng tác chiến mạng của mình. Mỹ là nước đi tiên phong trong lĩnh vực tác chiến mạng. Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Bộ tư lệnh tác chiến mạng (tác chiến trong không gian điều khiển-CYBERCOM). Nền tảng của CYBERCOM là các đơn vị đặc trách an ninh mạng của các lực lượng hải quân, lục quân, không quân và hải quân đánh bộ. Theo đó, Không quân Mỹ có Bộ tư lệnh điều khiển học không quân (AFCYBER). Hải quân Mỹ có Bộ tư lệnh điều khiển học hải quân. Lực lượng Hải quân đánh bộ Mỹ có lữ đoàn tác chiến mạng với biên chế hàng trăm quân...
 |
Cán bộ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự giới thiệu sản phẩm an toàn thông tin. Ảnh: Trung Kiên. |
Theo một số nguồn tin, tổng quân số của lực lượng tác chiến mạng của Mỹ có thể lên đến hơn 80.000. Mỹ cũng đã nghiên cứu tạo ra hàng nghìn loại “vũ khí” vi rút máy tính chuyên dùng cho tác chiến mạng và trở thành quốc gia có thực lực tác chiến mạng mạnh nhất thế giới. Theo kế hoạch, đến trước năm 2030, quân đội Mỹ sẽ xây dựng hoàn chỉnh lực lượng tác chiến mạng nhằm thực hiện nhiệm vụ tiến công và phòng thủ mạng. Vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Chiến lược hành động trong không gian mạng”, khẳng định tầm quan trọng của cuộc chiến không gian mạng tương đương với những cuộc chiến trên không, trên bộ, hoặc trên biển. Việc tăng cường an ninh và phòng, chống hiệu quả các cuộc tấn công mạng sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong việc định hình sức mạnh quân sự của Mỹ trong tương lai.
Thời gian qua, quân đội Ấn Độ không những có sự đầu tư lớn về phần cứng mà còn phát huy tối đa ưu thế trong khai thác, phát triển phần mềm, nhằm không ngừng nâng cao năng lực tác chiến mạng. Quân đội Ấn Độ đã xây dựng lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh mạng. Năm 2005, mạng dải rộng chiến lược tiên tiến nhất của quân đội Ấn Độ đã chính thức được đưa vào sử dụng. Theo một số nguồn tin, hệ thống mạng này có thể cung cấp các dịch vụ thông tin, số liệu, ngôn ngữ... tin cậy và an toàn phục vụ các mục đích quân sự. Hải quân Ấn Độ cũng phát triển, khai thác thành công mạng truyền thu thông tin bảo mật số liệu mang tên "con mắt thứ 3". Ngoài ra, để thực hiện việc vận hành liên kết mạng giữa các hệ thống, các lực lượng hải quân, lục quân và không quân Ấn Độ đang cùng nhau phát triển mạng liên quân chủng sử dụng trong chiến tranh tương lai.
Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chính thức thành lập lực lượng đặc nhiệm mạng gồm các chuyên gia có phẩm chất chính trị tốt, giỏi công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Đây là lực lượng tác chiến mạng chuyên trách của quân đội Trung Quốc. PLA cũng đã phát triển chiến lược "Tác chiến điện tử mạng tích hợp-INEW"- một học thuyết quân sự tích hợp tác chiến điện tử và hoạt động mạng máy tính. Ngoài ra quân đội Trung Quốc cũng thành lập các đơn vị dân quân tại các quân khu có chức năng tiến hành chiến tranh thông tin, trong đó có thực hiện nhiệm vụ tác chiến mạng.
Đầu năm 2010, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thành lập Trung tâm Tác chiến điều khiển học và có kế hoạch năm 2012 sẽ thành lập một bộ tư lệnh tác chiến mạng độc lập để đối phó với mối đe dọa tấn công mạng máy tính quốc phòng ngày một tăng cao từ bên ngoài. Năm 2010, quân đội Anh đã công bố Chiến lược an ninh điều khiển học. Anh cũng đã thành lập Trung tâm Các hoạt động an ninh điều khiển học với nhiệm vụ giám sát, nhận biết, phân tích các xu hướng và các cuộc tiến công điều khiển học. Nga đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ mạng bảo đảm khả năng chống lại tất cả các cuộc tấn công của hacker. NATO cũng lên kế hoạch lập đơn vị phản ứng nhanh mang tên Cyber Red Team...
Duy Hùng (tổng hợp)