Chứng kiến những lưng áo ướt đẫm mồ hôi của người sĩ quan điều khiển trong cabin khí tài tên lửa hay những gương mặt sạm đen vì nắng gió thao trường của người pháo thủ, chúng tôi đã thấy được phần nào sức trẻ và khát khao cống hiến vươn lên.

Màn đón tiếp đặc biệt

Chúng tôi xuống trận địa Tiểu đoàn 118, Trung đoàn 274, đơn vị được trang bị khí tài mới, khi xe vừa dừng lại, cán bộ, đoàn viên thanh niên Liên chi đoàn 118 đón chúng tôi bằng một màn nhảy dân vũ với điệu “Trống cơm” và nhảy flashmob “Việt Nam ơi!” sôi động và đẹp mắt. Rất ngạc nhiên, trong đội hình nhảy dân vũ đó có đến gần một nửa là các sĩ quan trẻ tuổi đời dưới 30.

leftcenterrightdel
Sĩ quan trẻ tham gia nhảy flashmob “Việt Nam ơi!” sôi động và đẹp mắt. 

Là người tiên phong đưa hoạt động luyện tập nhảy dân vũ vào trong sinh hoạt của đơn vị, Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn cho tôi biết, với đặc thù của một đơn vị kỹ thuật, tỷ lệ đội ngũ sĩ quan trẻ dưới 30 tuổi chiếm tới 50,7% nhưng sức trẻ chưa được thể hiện.

Sau khi tìm hiểu, anh Đức thấy có biểu hiện sĩ quan trẻ tập trung vào các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính… Từ đây, anh trăn trở với ý tưởng kéo họ ra khỏi những thiết bị ấy. Sau nhiều lần bàn bạc, thống nhất, Phòng Chính trị Sư đoàn đã hướng dẫn các đơn vị triển khai học tập nhảy dân vũ, flashmob trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ, coi đây là một hoạt động thường xuyên.

Trong hội thi, công tác chuẩn bị, hội thao ra quân huấn luyện, nội dung nhảy này đều được đưa vào, do vậy phong trào nhảy dân vũ của đơn vị được duy trì đều, khắp, lôi cuốn được cán bộ trẻ và đoàn viên nhiệt tình tham gia.

Say mê sáng tạo và khát khao cống hiến

Đại úy Lê Văn Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 118 năm nay vừa tròn 30 tuổi, một người có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh với chuyên gia nước ngoài cho tôi biết: Cái khó nhất trong huấn luyện, làm chủ khí tài mới là phải biết ngoại ngữ để có thể học tập, giao tiếp với chuyên gia, nghiên cứu tài liệu, mà ngoại ngữ luôn là thế mạnh của tuổi trẻ, để khơi dậy sự đam mê học tập của cán bộ. Câu lạc bộ Tiếng Anh ra đời, ban đầu chỉ là các đồng chí đã được học, được bồi dưỡng trong quá trình huấn luyện chuyển loại, rồi người đi trước bồi dưỡng cho người đi sau, người biết nhiều bồi dưỡng cho người chưa biết, ngoài ra đơn vị còn mời giáo viên Trung tâm Anh ngữ Thế hệ mới Cam Ranh vào bồi dưỡng thêm các kỹ năng giao tiếp...

Tham dự một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Sáng tạo trẻ - Trung đoàn Tên lửa 274, Thiếu tá Nguyễn Công Thức - Bí thư Đoàn cơ sở, Chủ tịch câu lạc bộ cho chúng tôi biết, để thực hiện tốt phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, năm 2018, câu lạc bộ được thành lập.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, chỉ huy đơn vị, hoạt động của câu lạc bộ đã đi vào nền nếp. 5 năm qua, hoạt động sáng tạo trẻ của đơn vị đã thu được nhiều kết quả đáng tự hào, có 12 sản phẩm tham gia thi Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân đạt giải cao, nhiều sản phẩm đạt giải cấp quân chủng, nhiều đề tài có giá trị ứng dụng cao trong huấn luyện, như: Phần mềm phát và đi tiêu đồ tình báo 5x5; bộ điều khiển xa cho thiết bị vô tuyến VRU-812; mô hình panel điều khiển trạm nguồn điện TEKSAN xe chiến đấu…

Đặc biệt, với thành tích đó, nhiều đồng chí của câu lạc bộ như Nguyễn Xuân Tây, Bùi Xuân Hải, Hà Đình Đính, Hồ Sỹ Vinh được Bộ Quốc phòng thăng quân hàm trước hạn. Và mới nhất, đồng chí Trương Công Pháp, Chủ tịch đầu tiên của câu lạc bộ sáng tạo trẻ 274 tham gia thi báo cáo viên giỏi toàn quốc với chuyên đề “Chủ động, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” đã xuất sắc đạt giải Nhất. Những kết quả trên thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao để đội ngũ cán bộ trẻ đơn vị phấn đấu tiếp bước.

Quyết tâm khẳng định bản thân

"Em sẽ quyết tâm làm được", Trung úy Bùi Hải Nam, Đại đội trưởng Đại đội 2, Trung đoàn 591 bộc bạch. Ra trường mới được 4 năm, Bùi Hải Nam đã được Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 377 bổ nhiệm giữ cương vị Đại đội trưởng. Nhìn chàng sĩ quan trẻ, tôi hỏi: "Có quá sức không?". Nam cười hiền từ cho biết: "Lúc được bổ nhiệm em cũng run lắm, bản thân chưa lập gia đình, chưa bao giờ phải lo việc lớn, bây giờ trên cương vị chủ trì đơn vị, lo cho gần một trăm con người, phải làm sao đây?". Nhưng được sự quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện của chỉ huy các cấp, sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, Nam dần trưởng thành, khẳng định được bản thân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Không chỉ ở các Đại đội Pháo cao xạ, mà đi đến các Tiểu đoàn Tên lửa, các Trạm ra-đa của Sư đoàn 377, rất hiếm gặp cán bộ chủ trì mang quân hàm cấp tá. Đại úy Lê Văn Bằng, Chính trị viên Trạm Ra-đa 67, Trung đoàn 292 tâm sự: Đơn vị luôn tổ chức nhiều cuộc hội thi, hội thao, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trẻ, thông qua đó giúp đội ngũ sĩ quan trẻ trau dồi bản lĩnh chỉ huy, học tập kiến thức chuyên môn, rèn luyện tác phong công tác.

Những tâm tư về cuộc sống

Bên cạnh những nụ cười tôi cũng gặp nhiều nét ưu tư các các chàng sĩ quan trẻ nơi đây, đó là những trăn trở về cuộc sống, về tương lai của bản thân…

"Em không sợ gian khổ, em không sợ hy sinh, nhưng em lo mình không làm được vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình", Thượng úy Nguyễn Xuân Tây (quê Tuy Phong, Bình Thuận), trợ lý Ban kỹ thuật Trung đoàn 274, một hạt nhân của câu lạc bộ sáng tạo trẻ bộc bạch với tôi. Bố mất sớm, mẹ đang bị bệnh ung thư, gia đình anh trai lớn lại làm nông nghiệp, 2 năm nay do tác động của dịch Covid-19, vợ không có công ăn việc làm, tất cả thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương Thượng úy…

leftcenterrightdel
Hội thi kiến thức thanh niên. 

Tôi cay cay khóe mắt, đồng đội của tôi nhiều người vất vả quá. Đại úy Trần Quang Nhật, Chính trị viên Tiểu đoàn 114 lập gia đình đã 4 năm, nhưng vẫn phải để vợ con ở Đà Nẵng với ông bà ngoại, vì đưa vào Cam Ranh cũng rất khó tìm việc làm, 2-3 tháng mới đi tranh thủ một lần thăm vợ con…Nhật cười buồn: Mấy năm gần đây, giá đất ở Cam Ranh, Cam Lâm lên quá anh ạ, toàn 2-3 tỷ đồng một suất, biết bao giờ chúng em mới có điều kiện để an cư đây…?

Những giải pháp của đơn vị

"Sư đoàn 377 luôn là đơn vị khó khăn của Quân chủng Phòng không - Không quân về công tác cán bộ, ở đây chỉ có cán bộ xin chuyển đi chứ không có ai có nguyện vọng về sư đoàn nhận công tác", Đại tá Hàn Anh Truyền, Chính ủy Sư đoàn 377 trải lòng. Gắn bó với Cam Ranh từ năm 1988, là một một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Trạm Ra-đa 11 trên quần đảo Trường Sa ngay sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3, Đại tá Hàn Anh Truyền luôn thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả, tâm tư của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đơn vị.

leftcenterrightdel
Hoạt động bồi dưỡng pháp luật  cho chiến sĩ do sĩ quan trẻ trong đơn vị chủ trì thực hiện. 

Từ đây, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 377 đã đề ra nhiều giải pháp để góp phần khơi dậy sự khát khao cống hiến của tuổi trẻ như tăng cường công tác giáo dục truyền thống, giáo dục nhiệm vụ, đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn thanh niên như xây dựng “Kíp ban kiểu mẫu”, “câu lạc bộ sáng tạo trẻ”, “câu lạc bộ Tiếng Anh”, “chi đoàn không khói thuốc”… tin tưởng cán bộ trẻ, khuyến khích cán bộ trẻ khẳng định bản thân thông qua ghi nhận kết quả hội thi, hội thao để bổ nhiệm cán bộ, đề nghị đề bạt quân hàm trước hạn, xét đi học… Từ năm 2022, Đảng ủy sư đoàn đề ra chủ trương phân công cấp ủy viên giúp đỡ, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ rèn luyện và trưởng thành, tích cực đề nghị cấp trên và địa phương quan tâm giải quyết chính sách nhà ở, đất ở cho cán bộ đơn vị… Những việc làm thiết thực của đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã mang lại hiệu quả, góp phần để đội ngũ cán bộ sư đoàn yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Buổi chiều Cam Ranh nắng tắt sớm, gió từ biển thổi vào mát rượi. Ngay ở cổng Sư đoàn, khu nhà công vụ với 36 căn rộn rã tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng cười hạnh phúc của các gia đình nhỏ… Anh Truyền nói với tôi: Ước mỗi đơn vị của chúng tôi có được một tòa nhà công vụ như vậy để anh em sĩ quan trẻ không phải thuê nhà nữa, để họ yên tâm gắn bó với đơn vị hơn… Nỗi lòng ấy của người chỉ huy sư đoàn có lẽ cũng là lời muốn nói của đội ngũ sĩ quan trẻ nơi đây...!

Bài và ảnh: VŨ THIỆN