Nghị quyết xây dựng qua thư và điện tín

 

Chúng tôi đến đơn vị công binh M31 (Quân chủng Hải quân) để tìm hiểu kinh nghiệm bước đầu thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị. Vừa bày tỏ ý định, thượng tá Vũ Tiến Quỳnh, trung đoàn trưởng "quảng cáo" luôn:

- Mời các anh xuống tiểu đoàn 881, một đơn vị được giao nhiều nhiệm vụ nặng nề nhưng họ đều hoàn thành rất tốt. Điểm thú vị là phân đội này đã xây dựng được các "cặp bài trùng", có thể nói là rất mẫu mực. Có điều, sẽ khó gặp được đông đủ cán bộ, vì dịp này bộ đội phân tán làm nhiều nhiệm vụ.

Vậy là chúng tôi xuống luôn phân đội 881. Thật may, thiếu tá Vũ Quang Khoát, chính trị viên tiểu đoàn, có mặt ở nhà. Còn trung tá Dương Xuân Quý, tiểu đoàn trưởng đang đi kiểm tra tiến độ thi công công trình tận Quảng Ninh.

Anh Khoát cũng vừa có chuyến công tác ở Trường Sa dài ngày, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 8-2006 mới vào đất liền. Tôi buột miệng hỏi:

- Thế anh nhận quyết định chính trị viên ở đâu, vào lúc nào?

Thì ra, anh Khoát nhận quyết định bổ nhiệm chính trị viên trong trường hợp "hơi đặc biệt". Có quyết định chính thức từ 19-5, nhưng mãi đến giữa tháng 6-2006, trung tá Nguyễn Viết Nhất, chủ nhiệm chính trị đơn vị mới mang quyết định ra và tổ chức riêng một lễ trao quyết định cho anh tại đảo Trường Sa Lớn. Vừa xong buổi lễ thì nhận được điện trao đổi công việc của tiểu đoàn trưởng Dương Xuân Quý (đang chỉ huy một mũi làm công trình ở đảo Nam Yết). Anh Quý không quên chúc mừng anh Khoát được bổ nhiệm chính trị viên.

Thực ra đã từ lâu, hai anh vẫn thường xuyên chia sẻ trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Đặc điểm của đơn vị là quân số phân tán nhiều nơi để xây dựng các công trình. Đợt vừa rồi, anh Quý chỉ huy bên đảo Nam Yết, anh Khoát chỉ huy bên đảo Trường Sa Lớn. Để thống nhất trong đánh giá tình hình, ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hằng tháng, họ phải thông qua điện tín. Những khi cần trao đổi chi tiết, họ lại viết thư, vừa thăm hỏi nhau, vừa là giãi bày cho kỹ từng vấn đề, nhờ tàu của các đoàn đi từ đảo nọ sang đảo kia để chuyển thư, thường một ngày là thư đến.

Những lần đảng ủy họp mặt đông đủ trong năm không nhiều, đó là cơ hội quý hiếm. Cho nên, "hội nghị" đảng ủy ra nghị quyết chuyên đề, nghị quyết hằng tháng chủ yếu vẫn tiến hành bằng cách trao đổi thông tin qua điện tín và thư. Vì vậy, mỗi dự thảo nghị quyết của bí thư đảng uỷ tiểu đoàn Vũ Quang Khoát thường rất ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm và tính khả thi cao.

Tâm đầu ý hợp

Trong cuộc sống đời thường, anh Khoát và anh Quý đều có chung sở thích là chơi bóng chuyền. Anh Khoát chơi chuyền hai, anh Quý lại là một tay công khá cừ. Có lúc, họ chia đôi đội hình thi đấu rất quyết liệt nhưng nụ cười và tình bạn của họ đã làm cho không khí đơn vị luôn vui vẻ, đầm ấm.

Theo lời kể của anh Khoát thì tình thân giữa họ không phải tự nhiên mà có. Từ năm 1994, anh Quý khi ấy là đại đội trưởng, anh Khoát là phó đại đội trưởng về chính trị ở cùng một đơn vị, họ phối hợp với nhau rất tốt trong công việc nên anh em đã rất hiểu nhau. Hai anh coi đó là vốn quý để thường xuyên nêu gương, nhắc nhở cấp dưới nhận thức đúng, thực hiện đúng Nghị quyết 51, bởi vấn đề cơ bản, quan trọng nhất khi thực hiện chính là việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa người chỉ huy với chính trị viên.

Anh Khoát cho tôi xem một tập bài thu hoạch của các đồng chí đi công tác xa về, được dự lớp học bù về Nghị quyết 51. Học bù nhưng không qua loa, đại khái, điều ấy thì tôi có thể cảm nhận được qua cách trình bày cẩn thận và liên hệ chi tiết đến cương vị, chức trách của họ qua mỗi bài viết. Đại úy Đỗ Mạnh Hùng, đại đội trưởng đại đội 9, đã liên hệ: "Là chỉ huy một đại đội kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp chiếm số đông, việc thực hiện chế độ chính trị viên càng có ý nghĩa và rất cần thiết. Chính trị viên là nhân tố đoàn kết trong đơn vị, tạo điều kiện và là chỗ dựa tin cậy để người chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ…". Còn anh Khoát, trong phần liên hệ của mình, khẳng định: "… việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa người chỉ huy và người chính trị viên vừa là yêu cầu, vừa là một biện pháp để thực hiện tốt Nghị quyết 51".

Phân đội 881 được đánh giá là đơn vị vững mạnh toàn diện, mấy năm gần đây đều được cấp trên tặng bằng khen. Nhưng điều khiến đơn vị được nhắc đến nhiều hơn, chính là tình cảm gắn bó khăng khít, chân thành giữa người chỉ huy và chính trị viên. Không chỉ có "cặp bài trùng" Dương Xuân Quý - Vũ Quang Khoát ở tiểu đoàn, mà cả 3 cặp chỉ huy - chính trị viên ở 3 đại đội trong tiểu đoàn đều xây dựng được mối quan hệ rất gắn bó. Đó là đại úy Nguyễn Đăng Toán và thượng úy Nguyễn Văn My (đại đội 1); thượng úy Vũ Quốc Tuấn và trung úy Trần Hải Âu (đại đội 2); thượng úy Nguyễn Đình Tiến và thượng úy Cao Xuân Quận (đại đội 3)…

Thượng tá Nguyễn Kiều Kinh, chính ủy đơn vị cho biết: Để thực hiện tốt Nghị quyết 51, chúng tôi đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao việc nhận thức đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Không chỉ ở tiểu đoàn 881 mà thực tế ở đại đội 7 (tiểu đoàn 883) với bộ đôi là đại đội trưởng Nguyễn Đức Huấn - chính trị viên Nguyễn Trường Giang, ở đại đội xe máy với đại đội trưởng Phan Đức Xuân - chính trị viên Nguyễn Công Tiện đều cho thấy, khi người chỉ huy và chính trị viên tâm đầu ý hợp, thực sự nêu gương cho cấp dưới thì sức mạnh trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị được nâng lên rất cao. Từ các phân đội này, Đảng ủy rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng cán bộ, tìm cho được các cặp chỉ huy - chính trị viên có tính cách, trình độ, thói quen… dễ hòa hợp, có thể bổ trợ cho nhau khi cần thiết.

Bài và ảnh: HỒNG HẢI - ĐOÀN ĐỨC