QĐND - Thất bại của quân đội Pháp và quân đội Mỹ hùng mạnh ở Việt Nam đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà quân sự trên thế giới, trong đó có các nhà quân sự của nước Pháp, bao gồm cả những cựu chỉ huy quân đội đã trực tiếp tác chiến với quân và dân ta, nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại ấy. Xin trích giới thiệu với độc giả những nhận định về sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam của Đại tướng Ra-un Sa-lăng, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương năm 1952-1953.
Quân đội gắn với nhân dân
Mục đích chính của Việt Minh tổ chức ra quân đội là để thực hiện mục tiêu giành độc lập. Vì vậy tinh thần và ý chí chiến đấu của họ rất cao. Họ tạo được niềm tin, sự ủng hộ và giúp đỡ của dân chúng. Bên cạnh đó các nhà lãnh đạo còn sáng tạo để tìm ra cách thức tổ chức và xây dựng lực lượng. Họ tổ chức lực lượng vũ trang “theo hình tháp”. Bên dưới là lực lượng dân quân và du kích, được tổ chức rộng khắp ở các bản làng và thôn xã trên cả nước. Ở giữa là bộ đội địa phương, được xây dựng ở các quận, huyện và tỉnh, thành phố. Bên trên là quân chủ lực của các khu và Tổng hành dinh. Đội quân đầu tiên “là một cơ cấu tuyên truyền”, để vận động nhân dân và xây dựng chính quyền cơ sở. Mô hình tổ chức đó đã kế thừa truyền thống đánh giặc lâu đời, lại phù hợp với nguyên lý của Chủ nghĩa Mác, luôn gắn liền quân đội với nhân dân, có cả lực lượng tại chỗ và cơ động. “Cơ cấu đó còn cho họ luôn có lực lượng bổ sung kịp thời, theo phương pháp đôn từ dưới lên”, đáp ứng nhiệm vụ tác chiến liên tục và kháng chiến lâu dài. Thành phần xuất thân, quân đội từ nhân dân mà ra, sống với dân, giúp đỡ, tôn trọng nhân dân, dựa vào dân để chiến đấu. Đồng thời “quân đội cũng thúc đẩy nhân dân dấn thân hết mình vào cuộc chiến”. Theo quan điểm Mác-xít: “Phải dồn mọi nỗ lực vào cuộc chiến tranh”. Quân đội gắn bó với nhân dân, điều kiện để Việt Minh động viên sức mạnh nhân dân và Chính phủ dốc sức cho cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có nhân dân, chúng ta chẳng làm được gì hết”.
Rèn luyện chính trị đi đôi với huấn luyện quân sự
Trong xây dựng quân đội, Việt Minh đã tổ chức các nhà trường để đào tạo cán bộ, cơ sở để huấn luyện quân đội. Họ huấn luyện cho bộ đội đào hầm, đặt mìn, sử dụng các loại vũ khí, chiến thuật phục kích, tập kích, công kích trận địa và vận động chiến. “Họ luôn mong muốn và đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải đạt được một trình độ kỹ thuật và chiến thuật thật hoàn hảo”. Trước hết phải dành và ưu tiên cho giáo dục chính trị, “phải tiến hành trước và luôn đi đôi với huấn luyện quân sự”. Việc huấn luyện chính trị là mối quan tâm thường xuyên của các cấp. Nhờ đó mà mệnh lệnh được thi hành, sự đoàn kết được gắn bó, cơ sở để mọi cán bộ và chiến sĩ vượt qua mọi hy sinh, thử thách, lòng tin vào Đảng và tình yêu đối với Tổ quốc. Quân đội Việt Minh cũng coi trọng rèn luyện kỷ luật. “Tính kỷ luật được xây dựng trên nền tảng dân chủ”, lấy tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là chính, “trong đó giáo dục chính trị giữ vai trò quyết định”.
Liên tiếp những chiến công
Từ mô hình và cách thức tổ chức đó, lực lượng vũ trang của họ phát triển một cách nhanh chóng. Khởi nghĩa tháng 8-1945, họ có 5 nghìn đến 6 nghìn người, năm 1946 đã có 95 nghìn người, năm 1947-1948 có các trung đoàn bộ binh, đến năm 1950-1951 có các đại đoàn chủ lực. Hoạt động tác chiến, từ các trận đánh tiến công, phục kích, tập kích nhỏ, theo cách đánh du kích, sau đó mở các đợt hoạt động tác chiến riêng biệt trên từng mặt trận năm 1945-1946. Tiến lên mở các chiến dịch phản công, tiến công, tác chiến hiệp đồng binh chủng năm 1947-1950. “Họ tiến công vào quân Pháp trên Đường số 4, làm cả đoàn quân viễn chinh, cũng như người Pháp ở Đông Dương phải bàng hoàng”. “Những ai bình thản nhất cũng phải ngây ngất, những ai kiên trì cũng phải ngả lòng”. Thắng lợi đó đã củng cố lòng tin, tích lũy kinh nghiệm, tăng thêm sức mạnh, Việt Minh tiến công vào căn cứ lớn Nà Sản năm 1953. Giành được lợi thế họ mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn Đông Dương năm 1953-1954, đánh vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Việt Minh có tài chỉ huy và điều động quân rất tuyệt vời”.
Người Mỹ thay thế người Pháp ở Đông Dương, mô hình và cách thức tổ chức lực lượng vũ trang của Việt Nam ít thay đổi. “Khi Việt Cộng kiểm soát được khu vực nào, thì các thôn ấp đều lập ra dân quân tự vệ”. Lực lượng này hướng dẫn người già, đàn bà và trẻ em cùng tham gia vào công cuộc phòng thủ. Họ đào hầm hào, canh gác, làm liên lạc, đi dân công. Có hậu phương miền Bắc chi viện, quân giải phóng phát triển nhanh chóng. Được các nước cộng sản viện trợ vũ khí, sức mạnh chiến đấu cao hơn. Chiến thuật công kích trận địa và vận động chiến vẫn được phát huy. Họ đánh thắng quân Mỹ ở Plây-me và Khe Sanh-Đường số 9. Quân giải phóng còn có cách đánh mới: “Thọc sâu đánh thẳng vào sứ quán Mỹ cùng các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế quan trọng bên trong các thành phố”, những nơi được coi là hậu phương an toàn nhất, của người Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Với những thắng lợi đó, “quân đội Việt Nam trở thành giỏi nhất thế giới, được rèn luyện trong 30 năm kháng chiến, một bộ máy chiến tranh khó sánh kịp”.
Thiếu tướng, PGS, TS BÙI THANH SƠN