Chốt cứng lợi hại
Phía nam Cheo Reo, hướng vị trí chốt chặn của tiểu đoàn 9. Đối tượng chính của tiểu đoàn là đội hình xe tăng, xe thiết giáp của địch đang tìm mọi cách tràn qua khu vực chốt chặn.
Sau hơn một đêm hành quân xuyên rừng, nhịn đói nhịn khát, cả tiểu đoàn đã mệt lử. Nhưng kẻ địch đang ùn ùn tháo chạy trước mặt. Không thể dừng lại nghỉ ngơi, theo mệnh lệnh của chỉ huy tiểu đoàn, đại đội 9, đại đội 10 triển khai đội hình ngay trên mặt đường, xông thẳng vào đội hình xe tăng, thiết giáp dày đặc của địch, vừa đánh vừa chiếm vị trí có lợi, hình thành những điểm chốt chặn. Đại đội 11 bố trí phía sau để sẵn sàng cơ động chi viện cho cả hai hướng.
Những trận đánh diễn ra rất ác liệt giữa bên ta kiên quyết chốt chặn và quân địch đường cùng, tìm mọi cách tháo thân. Địch lợi dụng vỏ thép dày, khả năng cơ động cao, cùng đường "dũi" bừa vào tất cả mọi nơi, mọi lúc hòng tràn qua đội hình chốt chặn của ta. Trong đêm, chúng phối hợp với trực thăng rọi đèn pha, C130 thả pháo sáng, tung mọi lực lượng, sử dụng hỏa lực tối đa, mở đường máu. Tất cả các bộ phận của tiểu đoàn 9 từ cán bộ chỉ huy đến nuôi quân, y tá, thông tin, trinh sát... đều trực tiếp đối mặt với xe tăng địch. Trên toàn tuyến, các tổ đánh xe đều hăm hở lập công.
Đến sáng 18 tháng 3, không một chiếc xe tăng, xe thiết giáp nào của địch lọt qua tuyến chốt chặn của tiểu đoàn 9. Xe địch bị bắn cháy nằm bẹp trên đường, trên cầu, có chiếc bị bắt sống, đường tháo chạy của đoàn quân địch hoàn toàn tắc nghẽn. Một số lượng lớn quân địch vẫn còn bị nhốt chặt ở thung lũng Cheo Reo.
Cũng trong đêm 17 tháng 3, toàn bộ đội hình trung đoàn 64 đã về đến nam Cheo Reo, cùng với tiểu đoàn 9 đánh địch. Ngày 18 tháng 3, khi trung đoàn 48 tiến công vào thị xã, toàn bộ đội hình lớn của địch bị vỡ bung, nhưng vẫn không tên địch nào thoát qua được tuyến chốt chặn của trung đoàn 64.
Chiều 18 tháng 3, xe tăng và ô tô địch đậu ken dày bên nhau trong thung lũng Cheo Reo, khu vực thị xã và sân bay. Những đoàn xe hàng ngàn chiếc đang nối đuôi nhau, ùn tắc trên bãi sông, trên những đoạn đường phía nam thị xã. Những cột khói bốc cao từ những chiếc xe M113, M48 đang cháy, suốt dọc con đường số 7, kéo dài đến tận chân đèo Tu Na.
Đánh chiếm thị xã khi địch còn hoảng loạn
Pháo binh của Sư đoàn đã triển khai xong, nhưng đạn chưa đến được nhiều. Sư đoàn vẫn quyết định khai hỏa. Ngay từ quả đạn đầu tiên, pháo ta đã đánh trúng khu vực sân bay khiến quân địch vô cùng hoảng loạn.
16 giờ 30 phút, ngày 18 tháng 3, phát hiện dấu hiệu địch bỏ cả xe, pháo bung ra rừng tháo chạy; Bộ tư lệnh sư đoàn lệnh cho trung đoàn 48 sử dụng tiểu đoàn 2 đánh thẳng vào khu sân bay, tiểu đoàn 1 từ hướng tây bắc đánh vào trại Ngô Quyền; sau đó hợp vây lần lượt đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Đồng thời ra lệnh cho trung đoàn 64 chú ý đón đánh địch trong thị xã bung ra và lưu ý có thể sẽ phải chiến đấu ác liệt với địch khi chúng mở đường máu tháo chạy.
Tại khu vực sân bay và trung tâm thị xã, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48 chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành đột phá và phát triển chiến đấu, làm chủ sân bay. Tiểu đoàn 2 được lệnh phát triển vào thị xã. Lực lượng địch tuy hỗn loạn, hoang mang nhưng rất đông. Đêm ập xuống, thị xã hoàn toàn mất điện. Liên lạc giữa các mũi, hướng, giữa cấp trên và cấp dưới chỉ thực hiện được bằng vô tuyến điện. Trong đêm, các phân đội vừa đánh, vừa bắt tù binh, vừa trinh sát nắm địch, lần từng bước vào khu trung tâm. Trung đoàn 48 bắt được số tù binh gấp nhiều lần quân số của mình; tới mức không còn lực lượng để đưa tù binh về phía sau, phải tạm trói và nhốt chúng trong các khu nhà, chờ sáng sẽ giải quyết.
Đến 24 giờ ngày 18 tháng 3, do tình hình ngày một phức tạp, bắt liên lạc trong đêm ngày một khó khăn; sư đoàn lệnh cho trung đoàn 48 tạm dừng củng cố để ngày mai tiếp tục đánh. Đó cũng là lúc các chiến sĩ ta đã làm chủ hoàn toàn những khu vực chính của thị xã.
Sang ngày 19 tháng 3, trên hướng trung đoàn 64, cuộc chiến đấu lại bước vào giai đoạn quyết liệt. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, quân địch điên cuồng bung ra tìm đường thoát thân. Tất cả các mũi, các hướng trên tuyến chốt chặn của trung đoàn 64 đều đối mặt với những toán địch càn rừng tháo chạy. Ở đâu, bộ đội ta cũng phải chiến đấu với quân địch đông gấp bội, vốn là những lực lượng thiện chiến, có xe tăng, xe bọc thép và đầy đủ trang bị vũ khí. Ở đâu, chiến sĩ ta cũng diệt nhiều địch, bắt nhiều tù binh, bắn cháy và bắt sống xe tăng, xe bọc thép của địch. Tàn quân địch tản ra khắp núi, khắp rừng. Suốt ngày, các chiến sĩ trung đoàn 64, trung đoàn 48 tiếp tục truy quét, lôi ra từng dây các loại lính chính quy, lính địa phương của Quân đoàn 2 ngụy.
Đêm 19 tháng 3, Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn nhận định: ta đã cơ bản tiêu diệt quân ngụy tháo chạy ở Tây Nguyên (trừ liên đoàn 6 biệt động quân và một bộ phận thiết đoàn 19 vượt qua trước), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4000 tên địch, bắt sống 3000 tên, có nhiều sĩ quan, thu và phá hủy hầu hết trang bị và phương tiện của quân đoàn 2 ngụy. Tuy vậy, còn một bộ phận khá lớn bộ binh, cơ giới địch tháo chạy trước do ta ra cắt đường muộn. Hành động tiếp theo của Sư đoàn là dùng trung đoàn 64 và lực lượng thiết giáp tăng cường nhanh chóng vượt lên tổ chức tiến công chặn địch lại. Nếu chúng co cụm chống cự thì bao vây chặt, tích cực tiêu hao địch chờ lực lượng cơ động của sư đoàn đến cùng tiến công tiêu diệt. Sư đoàn chỉ để lại trung đoàn 95B tăng cường ở lại Cheo Reo thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả, còn trung đoàn 48 và trung đoàn 9 phải lập tức cơ động ngay sau trung đoàn 64 để kịp thời phối hợp hành động.
Trong thời gian đó, một bộ phận địch đã vượt qua Cheo Reo (do ta không kịp cắt đường), nhưng bị bộ đội địa phương đánh chặn, đã dừng lại, hình thành thế co cụm lớn ở Củng Sơn. Chúng đưa lực lượng về phía Tây và dùng phi pháo ngăn chặn ta. Sư đoàn nhận địch: địch có thể còn tháo chạy tiếp hoặc có thể co cụm phòng ngự ở Củng Sơn để bảo vệ thị xã Tuy Hòa.
Trận then chốt thứ ba thắng lợi
Về phía ta, ngay trong đêm 19 tháng 3, một bộ phận của tiểu đoàn 8, trung đoàn 64, được hỗ trợ của một đại đội xe bọc thép K.63, đã kịp thời cơ động đến Củng Sơn, triển khai đội hình, nắm địch. Ngày 21 tháng 3, trung đoàn 64 tiến công trong hành tiến, giải phóng quận lý Phú Túc. Ngày 22 tháng 3, trung đoàn tiến đến sông Ca Lúi, tiêu diệt bộ phận địch chốt ở khu vực này. Ngày 23, toàn bộ đội hình trung đoàn đã đến Củng Sơn, bắt liên lạc với bộ phận đi trước của tiểu đoàn 8 và bộ đội địa phương; hình thành ngay thế bao vây quân địch ở Củng Sơn. Sư đoàn triển khai sở chỉ huy cơ bản, bám sát đội hình trung đoàn 64. Tuy nhiên, các trung đoàn khác và pháo binh vẫn còn đang cơ động trên đường. 10 giờ ngày 24 tháng 3, lực lượng tăng cường cho trung đoàn 24 vẫn chỉ có hai khẩu cối 120 đi cùng và 6 xe bọc thép K.63.
Sư đoàn dự kiến hai tình huống diệt địch ở Củng Sơn:
- Nếu địch co cụm thì trước mắt, trung đoàn 64 kết hợp với bộ đội địa phương tiếp tục bao vây và xúc tiến công tác chuẩn bị. Sư đoàn sẽ điều thêm trung đoàn 48 và binh khí kỹ thuật lên để cùng trung đoàn 64 tiêu diệt địch.
- Nếu quá trình bao vây, phát hiện địch chuẩn bị tháo chạy thì trung đoàn 64 phải tổ chức tiến công ngay, dù pháo binh và các phương tiện kỹ thuật chưa lên kịp.
11 giờ, địch ở Củng Sơn có hiện tượng chuẩn bị tháo chạy. Trung đoàn 64 đề nghị xin đánh theo phương án 2 và được sư đoàn trưởng chấp nhận. Lệnh nổ súng phát ra đúng vào lúc địch vừa thoát ly khỏi công sự, chuẩn bị tháo chạy. Ngay từ quả đạn đầu tiên, súng cối của ta đã bắn trúng, áp đảo hoàn toàn quân địch, tạo thuận lợi cho bộ binh xung phong.
Cầu phao bắc tạm của địch bị đánh sập, xe bị bắn cháy làm tắc đường, bộ binh địch ào cả xuống sông hòng thoát thân. Từ bờ nam, một đại đội bộ đội địa phương đã đón lõng; số lớn địch bơi sang bờ bên kia bị bắt gọn.
Tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 cùng xe bọc thép lao thẳng vào trung tâm quận lỵ, đánh chiếm khu hành chính và trại huấn luyện biệt kích ngụy. Một đại đội bộ đội địa phương Phú Yên lợi dụng bờ sông, tiếp cận nổ súng, phối hợp với chủ lực xung phong chiếm toàn bộ cao điểm Hòn Một, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch đang co cụm tại đó.
Cụm quân địch ở Củng Sơn, lực lượng cuối cùng của tập đoàn rút chạy của quân đoàn 2 ngụy hoàn toàn bị tiêu diệt. Trận then chốt thứ ba trên chiến trường Tây Nguyên thắng lợi. Hơn 2000 tên địch bị diệt và bị bắt, toàn bộ trang bị, vũ khí lọt vào tay quân ta, trong đó có 400 xe các loại và hơn chục khẩu pháo lớn.
Thắng lợi này đã đánh bại hoàn toàn âm mưu co cụm về đồng bằng để giữ vùng duyên hải đông dân và trù phú của Mỹ - ngụy; là cú "choáng" thứ hai sau đòn đánh Buôn Ma Thuột, gây nên chấn động lớn cho chính quyền ngụy Sài Gòn và binh lính của chúng; tạo điều kiện cho sự xuất hiện thời cơ lớn của cách mạng miền Nam.
(Còn nữa)
NGUYỄN ĐỨC (lược thuật)