Đường số 7 năm 1975
Mùa xuân 1975, mùa xuân thứ tư Sư đoàn 320 chiến đấu liên tục trên chiến trường Tây Nguyên. Giải phóng Tây Nguyên, tiến về đồng bằng là nguyện vọng, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn.

Đầu tháng 12 năm 1974, đoàn cán bộ trinh sát chuẩn bị địa bàn do Sư đoàn trưởng Kim Tuấn dẫn đầu đã tiến hành nghiên cứu khu vực mang mật danh C9. Chưa bao giờ cuộc ra trận của Sư đoàn lại được chuẩn bị kỹ càng đến thế.

Ngày 28 tháng 1 năm 1975, quyết tâm chiến đấu khu vực C9 của Sư đoàn được Bộ Tư lệnh chiến dịch thông qua. Quyết tâm chiến đấu xác định: Khu vực tác chiến của sư đoàn nằm trên trục đường 14, đường 7, trong khu tam giác Phú Nhơn - Cheo Reo - Buôn Hồ, phía Bắc giáp Mỹ Thạch, phía Nam tới thị xã Buôn Ma Thuột, phía Đông tới thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo). Khu vực tác chiến có tính phức tạp cao, các khu vực mục tiêu không đồng nhất. Nhiệm vụ tác chiến trong từng giai đoạn của chiến dịch có tính cơ động.

Kỷ luật nghiêm-bí mật là sức mạnh

Đầu tháng 2-1975, đội hình Sư đoàn bắt đầu hành quân về phía nam cao nguyên. Pháo được bí mật kéo xuống phía nam theo những đường quân sự làm gấp; những tuyến đường ống xuyên rừng được xây dựng rất công phu. Hệ thống kho tàng, các mạng đường xá được thiết lập, theo hướng chú trọng tính cơ động, linh hoạt, phát triển không ngừng của chiến dịch; đáp ứng yêu cầu của quyết tâm chiến đấu.

Giữ bí mật ý định, tạo bất ngờ là điều quan trọng hàng đầu đối với chiến dịch; đồng thời là nhiệm vụ rất khó khăn đối với Sư đoàn. Một kế hoạch "tác chiến giả" khu vực Gia Lai - Plây Cu được xây dựng và thực hiện; hướng sự chú ý của địch vào khu vực Thanh An, Plây Cu, Đường số 4. Có trường hợp bị bom, pháo, gặp biệt kích, thám báo địch lùng sục, các phân đội vẫn kiên quyết giữ bí mật đến cùng; nếu bắt buộc đụng địch thì tổ chức đánh nhỏ lẻ; kiên quyết không tác chiến lớn, không bộc lộ đội hình.

Bên cạnh triển khai đội hình theo nhiệm vụ chủ yếu ở giai đoạn 1, đón sẵn hướng phát triển chiến dịch, Bộ tư lệnh Sư đoàn bố trí Tiểu đoàn 9, trung đoàn 64 dừng chân ở phía tây thị xã Cheo Reo 7 km, sẵn sàng đánh địch từ Cheo Reo lên chi viện khi ta tiến công quận lỵ Cẩm Ga và cắt đường số 4, đồng thời sẵn sàng làm mũi nhọn phát triển tiến công thị xã Cheo Reo khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn 2. Một con đường cơ động thuận lợi đã được chuẩn bị sẵn, bảo đảm thuận lợi cho việc tiếp cận Cheo Reo. Mạng thông tin hữu tuyến bí mật đã được triển khai để Bộ tư lệnh Sư đoàn có thể liên lạc trực tiếp với Tiểu đoàn 9.

Đến mồng 10 tháng 2, mọi việc triển khai đội hình của Sư đoàn về cơ bản đã hoàn thành. Sư đoàn đã sẵn sàng nổ súng mở màn chiến dịch với 5 nhiệm vụ do Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho:

- Tiêu diệt một bộ phận Quân đoàn 2 (ngụy), đánh chiếm đường 14, đường số 7, cắt đứt hoàn toàn đường 14 nam Plây Cu, thực hiện bằng được nhiệm vụ chia cắt chiến dịch.

- Giải phóng và làm chủ quận lỵ Thuần Mẫn (Cẩm Ga), giải phóng vùng nông thôn quanh Hậu Bổn (Cheo Reo), tạo thời cơ giải phóng thị xã Hậu Bổn và sẵn sàng tham gia tác chiến ở khu vực Buôn Ma Thuột với quy mô sư đoàn thiếu khi cần thiết.

- Qua tác chiến, rèn luyện và nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy đánh hiệp đồng quân binh chủng, đánh địch trong công sự vững chắc và đánh địch đang vận động, chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

- Giữ vững vùng mới mở, cùng địa phương đánh phá "bình định", diệt ác phá kìm, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, xây dựng cơ sở.

- Củng cố xây dựng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng tại chỗ, đánh bại mọi cuộc hành quân phản kích của địch.

Ngày 8 tháng 3, các chiến sĩ Sư đoàn mở đầu chiến dịch bằng trận tiến công quận lỵ Thuần Mẫn. Do giữ bí mật tốt, Sư đoàn đã triển khai lực lượng đúng ý định, đưa sơn pháo chiếm lĩnh điểm cao, ngắm bắn thẳng vào mục tiêu, cùng các loại hỏa lực của sư đoàn bất ngờ, đồng loạt phát hỏa. Các hướng, mũi vừa tiến công đánh chiếm chi khu quân sự quận lỵ Thuần Mẫn, vừa phát triển đánh thẳng vào khu vực hành chính quận; vừa đánh, vừa kêu gọi binh sĩ đầu hàng; hỗ trợ cho đồng bào phá "ấp chiến lược" của địch, tiêu diệt và bắt sống bọn ngụy quyền ác ôn; đồng thời chốt chặn đề phòng địch tháo chạy.

Chỉ sau 1 giờ 15 phút tiến công, Sư đoàn đã tiêu diệt gọn lực lượng địch ở chi khu quân sự; làm chủ hoàn toàn quận lỵ Thuần Mẫn; chặt đứt con đường 14 nối nam, bắc Tây Nguyên. Thế chia cắt chiến dịch đã hình thành. Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên mà Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho.

Trận Buôn Ma Thuột quá hiểm và quá mạnh đối với địch, tiếp theo là trận tiêu diệt quân viện Sư đoàn 23 ngụy cũng quá nhanh, quá gọn làm cho địch hốt hoảng, rối loạn. Từ sai lầm về chiến thuật, chiến dịch, địch đã đi đến sai lầm về chiến lược. Ngày 14 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh "triệt thoái" "tùy nghi di tản" những lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 (ngụy) khỏi chiến trường Tây Nguyên để "về giữ miền duyên hải Trung phần". Trong khi đó, mọi con đường từ cao nguyên về đồng bằng ven biển đều đã bị cắt đứt, chỉ còn đường số 7 nhưng cũng đã bị hư hỏng nặng; nay càng tồi tệ hơn vì chật ních, ken dày, ách tắc bởi người, đồ đạc, xe tải, xe du lịch, xe tăng, xe kéo pháo... Cuộc rút lui có chủ định, có kế hoạch của địch biến thành cuộc rút chạy hỗn loạn chưa từng có.

Đôi chân vượt rừng chặn địch

Sư đoàn 320 luôn dõi sát mọi phản ứng của địch. Căn cứ thông báo của Bộ Tư lệnh chiến dịch và những hoạt động khác thường; Sư đoàn dự kiến khả năng địch tháo chạy theo đường số 7. Bộ tư lệnh Sư đoàn lập tức rà lại các phương án và lệnh cho các đơn vị sẵn sàng cơ động.

Đến hết ngày 16 tháng 3, đội hình của Sư đoàn đã được bố trí như sau:

- Trung đoàn 64 (thiếu tiểu đoàn 9) tăng cường tiểu đoàn 3 (trung đoàn 48) đang đánh địch ở vùng Đạt Lý và Phước An.

- Trung đoàn 9 đang cơ động lên đánh địch ở phía Kênh Săn.

- Trung đoàn 48 (trừ tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 2) đang nằm ở Cẩm Ga.

Đây là đội hình hết sức phân tán, đòi hỏi một nỗ lực phi thường để liên kết lại trong một thời gian ngắn.

20 giờ 30 phút, ngày 16 tháng 3, Bộ Tư lệnh chiến dịch chính thức thông báo tin địch rút chạy khỏi Tây Nguyên và ra lệnh cho Sư đoàn khẩn trương hành động, truy kích thần tốc không để địch chạy thoát. Lệnh của Sư đoàn trưởng được ban hành:

- Tiểu đoàn 9 (trung đoàn 64) ngay lập tức, trong đêm phải cơ động (từ tây Cheo Reo) ra chặn địch ở nam Cheo Reo, ngày hôm sau phải tới vị trí và nổ súng chặn địch.

- Trung đoàn 48 (thiếu) lập tức cơ động áp sát Cheo Reo, chuẩn bị phương án tiến công thị xã này.

- Trung đoàn 64 (đang đánh địch ở hướng Phước An) trong ngày 17 tháng 3, bằng bất kỳ giá nào phải cơ động về nam Cheo Reo để cùng tiểu đoàn 9 hình thành tuyến chốt chặn địch, khóa chặt thung lũng Cheo Reo.

- Trung đoàn 9 nhanh chóng đánh chiếm vị trí Kênh Săn rồi phát triển lên quận lỵ Phú Nhơn, khu vực Mỹ Thạch; sau đó hình thành một mũi theo đường 7 từ hướng tây bắc qua Phú Thiện đánh xuống thị xã Cheo Reo.

- Trung đoàn 95B và tiểu đoàn xe tăng vừa được tăng cường về ngay đội hình Sư đoàn. Trung đoàn 95B ở tây Thuần Mẫn làm lực lượng dự bị, còn tiểu đoàn xe tăng lập tức cơ động lên tham gia chiến đấu với trung đoàn 48 ở khu vực Cheo Reo.

Cuộc truy kích thần tốc thực sự bắt đầu. Để tới cơ động đến vị trí chặn địch, các đơn vị của Sư đoàn phải vượt qua nhiều khó khăn.

Tiểu đoàn 9, chỉ 10 phút sau khi có lệnh, các phân đội đã sẵn sàng cơ động. Bỏ lại mọi thứ cồng kềnh, Tiểu đoàn hành quân thần tốc ngay trong đêm; cắt rừng mà đi, bất chấp nhiều khu vực còn thám báo địch. Để bảo đảm tốc độ, tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn đã đi đến một quyết định táo bạo: cho bộ đội đốt nứa, đốt quai dép dự trữ và tất cả những thứ có thể thắp sáng để soi đường. Bàn chân chạy bộ và nỗ lực phi thường đã đưa các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 đến vị trí tác chiến đúng thời gian. kịp thời đánh chặn kẻ địch đang tháo chạy bằng cơ giới.

Ngày 17 tháng 3, Trung đoàn 64 hành quân trên đường 14 vừa bằng ô tô, vừa bằng chạy bộ. Sư đoàn huy động mọi loại xe chạy hết tốc lực; liên tục đón quân, đổ quân xuống nơi quy định. Mọi nỗ lực đều nhằm tới một điểm đến: thung lũng Cheo Reo, nơi các chiến sĩ tiểu đoàn 9 đã nổ những phát súng đầu tiên vào đội hình đang rút chạy của địch.

Trên hướng Bắc, chỉ trong 30 phút, Trung đoàn 9 đã đánh chiếm xong vị trí Kênh Săn và lập tức tiến về đánh chiếm quận lỵ Phú Nhơn, hình thành mũi tiến công từ phía bắc xuống Cheo Reo.

Ngay trong đêm 16 tháng 3, Trung đoàn 48 đã đưa tiểu đoàn 2 áp sát phía tây thị xã Cheo Reo, đánh bật bộ phận chốt chặn của tiểu đoàn 23 liên đoàn 23 biệt động quân, tiêu diệt 2 đại đội địch, sau đó áp sát sân bay thị xã. Tiểu đoàn 1 cũng đã hành quân lên tới vị trí chiếm lĩnh và sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.

Các đơn vị pháo binh, cao xạ nhanh chóng kéo pháo vào vị trí chiếm lĩnh. Sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn cũng đã rời lên dãy điểm cao phía tây Cheo Reo để tiện chỉ huy chiến đấu.

Chưa bao giờ Sư đoàn triển khai đội hình chiến đấu nhanh, gọn đến như vậy. Tất cả các khó khăn về phương tiện, đường sá, thông tin liên lạc... đều được khắc phục nhanh chóng. Các đơn vị vừa hành tiến vừa triển khai phương án, thảo luận quyết tâm, gặp địch là nổ súng chiến đấu ngay để mở đường, tiến về phía trước, hướng về nhiệm vụ chủ yếu.

Đến chiều ngày 17 tháng 3, cánh cửa thép phía đông-nam thung lũng Cheo Reo đã được khóa chặt; nhốt gọn những lực lượng cơ bản của địch ở Tây Nguyên rút chạy về đây.

(Còn nữa)

NGUYỄN ĐỨC (lược thuật)