Sư đoàn 316 (phần 1)
QĐND Online - Khi những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc thì Đại đoàn 316 được lệnh trở về Thanh Hóa. Với khí thế mới của đoàn quân chiến thắng trở về, trong niềm vui chung của cả dân tộc đang bước vào một chặng đường mới của cách mạng, Đại đoàn ra sức xây dựng và củng cố đơn vị một cách toàn diện. Theo quyết định của Bộ, từ năm 1955 Đại đoàn 316 đổi tên thành Sư đoàn 316.
Nhưng những ngày hòa bình đối với dân tộc ta thật ngắn ngủi. Cùng với cả nước, Sư đoàn 316 lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiệm vụ đầu tiên mà Sư đoàn được Đảng, Bác Hồ và quân đội giao cho trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là: Xây dựng hậu phương căn cứ địa Tây Bắc để cùng cả miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Là những người từng góp phần giải phóng Tây Bắc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Sư đoàn lại trở về để xây dựng và phát triển mảnh đất đã từng thấm máu biết bao đồng chí, đồng đội, mỗi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đều nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mình. Những người lính trên các công trường, nông trường, cùng với những người lính trên thao trường, bãi tập đều thi đua, hăng hái trong lao động và luyện tập để góp phần làm thay đổi Tây Bắc-Điện Biên Phủ. Từ biên giới Tây Trang đến ngã ba Tuần Giáo, từ công trường Him Lam đến ngã ba Hồng Cúm, chỉ trong mấy tháng mà quang cảnh đã khác xưa. Màu xám lạnh, sự hoang tàn của chiến trường xưa đã được thay bằng màu xanh mơn mởn của lúa, ngô, màu tươi của ngói, màu trắng của những mẻ vôi mới ra lò. Trong mỗi sự đổi thay ấy đều có sự đóng góp của những người lính Sư đoàn 316.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Sư đoàn 316 đã nổ súng đánh hàng trăm trận, góp phần bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn Quân khu Tây Bắc, bắn rơi 34 máy bay; riêng tiểu đoàn 14 đã bắn rơi 28 chiếc.
Trong chiến công chung, Sư đoàn 316 tự hào đã góp sức mình cùng với quân và dân miền Bắc tạo dựng nên thế trận phòng không nhân dân, giăng lưới lửa bủa vây quân thù, đập tan và xóa đi cái huyền thoại về “sức mạnh của không lực Hoa Kỳ”.
Chi viện cho chiến trường miền Nam là nhiệm vụ mà mỗi cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn lúc nào cũng sẵn sàng. Thực hiện nhiệm vụ này, từ đầu năm 1961, đơn vị đã tập trung xây dựng 1 tiểu đoàn mạnh sẵn sàng lên đường vào chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn vinh dự mang tên “Tiểu đoàn Điện Biên Phủ”. Tháng 3/1961, tiểu đoàn lên đường vào chiến trường. Tháng 3/1967, Trung đoàn 174 mang truyền thống Trung đoàn Cao-Bắc-Lạng cũng vượt Trường Sơn vào hoạt động chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, ghi nhiều chiến công ở Đắc Pét, Đắc Siêng, Đắc Tô, Plây Cần, Đường số 14…
Tiếp đó, tháng 4/1967, Trung đoàn 673 được lệnh bổ sung 1 tiểu đoàn cho Bộ tư lệnh đặc công và 2 tiểu đoàn cho Quân khu 4 vào Nam chiến đấu. Đến năm 1968, sau khi từ Nậm Bạc trở về, Sư đoàn lại nhận lệnh đưa tiếp Trung đoàn 158 vào chiến trường miền Nam.
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao trong việc tổ chức cho các đơn vị lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Các đơn vị được vào miền Nam đều phát huy tốt truyền thống của Sư đoàn, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bền bỉ và lập công xuất sắc.
Đáp lời kêu gọi của chiến trường và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, một lần nữa Sư đoàn 316 nhận nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường 6 tỉnh Bắc Lào.
Trong chiến dịch Nậm Thà (1962), Sư đoàn 316 đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng các đơn vị bạn chiến đấu và chiến thắng, diệt 237 tên, bắt sống và gọi hàng 1.427 tên, giải phóng gần 8.000 ki-lô-mét vuông đất đai có vị trí chiến lược về mặt quân sự, kinh tế ở Thượng Lào với hơn 7.000 dân.
Chiến thắng Nậm Thà có ý nghĩa quân sự và chính trị rất lớn lao. Nó là nhân tố quan trọng, là “đòn xeo chiến lược” đẩy tới việc thành lập chính phủ liên hiệp theo phương hướng hòa bình dân chủ và tiến bộ, phù hợp với chủ trương đấu tranh của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đưa nước Lào vào con đường hòa bình, trung lập, thống nhất và độc lập dân tộc, trên cơ sở được quốc tế thừa nhận ở Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào.
Trong chiến dịch Nâm Bạc, Sư đoàn 316 phối hợp với các đơn vị bạn đã chiến đấu kiên cường, diệt và bắt 3.189 tên địch, phá hủy 12 máy bay cùng nhiều súng pháo các loại, thu hồi toàn bộ vùng lãnh thổ mà địch đã lấn chiếm trong năm 1967, toàn bộ vùng Nậm Bạc sạch bóng quân thù. Chiến dịch Nậm Bạc kết thúc nhanh, gọn, thắng lợi giòn giã. Các đơn vị tham gia chiến dịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương giao cho.
Trong chiến dịch mang mật danh “Chiến dịch 139” nhằm đánh bại cuộc hành quân “Cù Kiệt” của địch, Sư đoàn 316 tham gia trong đợt cuối của chiến dịch, đã đánh 175 trận, diệt và bắt 1.072 tên địch, thu, phá hủy 482 súng các loại, bắn rơi 9 máy bay, góp phần cùng các đơn vị bạn thu hồi 4.000 ki-lô-mét vuông vùng giải phóng và giải phóng thêm 2.000 ki-lô-mét vuông, đánh bại cuộc hành quân “Cù Kiệt”, cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ và tay sai lúc đó, mở ra cục diện mới cho cách mạng Lào.
Lần đầu tham gia chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, Sư đoàn đã linh hoạt, sáng tạo, tích cực và chủ động chiến đấu, có nhiều trận đạt hiệu quả cao, mang lại ý nghĩa lớn, đặc biệt là những trận then chốt như ở Phu Huội, Noọng Pẹt, Bản Ang, Cánh Đồng Chum, Sảm Thông… góp phần tích cực vào thắng lợi chung của mặt trận.
Tiếp đó, Sư đoàn lại tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Cánh đồng Chum (1971-1972). Trong chiến dịch này, Sư đoàn 316 đã diệt và bắt sống 2.287 tên địch, thu và phá hủy 703 súng các loại, bắn rơi 31 máy bay, thu hàng trăm tấn phương tiện chiến tranh khác của địch, góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn trên mặt trận Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, tạo nên cục diện mới về so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng ba nước Đông Dương, tạo nên bước ngoặt mới cho cách mạng Lào.
Chiến công nối tiếp chiến công, liền sau chiến dịch tiến công giải phóng Cánh đồng Chum trong mùa Khô 1971-1972, Sư đoàn 316 lại cùng với các đơn vị bạn bước vào chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum trong mùa Mưa năm 1972. Trải qua 200 ngày đêm chiến đấu, vượt qua nhiều hy sinh gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã cùng với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng Pa-thét Lào tiêu diệt 6.137 tên địch, đánh thiệt hại nặng nhiều binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của địch, bảo vệ thắng lợi địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum, làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng Lào và có tác dụng tích cực với cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam nước ta, cũng như chiến trường Cam-pu-chia, đánh bại thêm một bước “Học thuyết Ních-xơn” ở Lào.
Tổng cộng, từ khi làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào đến hết năm 1973, Sư đoàn 316 đã tham gia 10 chiến dịch và 5 đợt hoạt động lớn, đánh 700 trận, diệt và bắt 22.000 tên địch, bắn rơi 159 máy bay, bắn bị thương 108 chiếc, giải phóng 24.500 ki-lô-mét vuông đất đai cùng hàng vạn dân thuộc các tỉnh Nậm Thà, Nậm Bạc, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng.
Tạm biệt đất nước Triệu Voi, tạm biệt nhân dân các bộ tộc Lào đã từng nhường cơm, sẻ áo, tạm biệt các chiến sĩ bộ đội Pa-thét Lào đã từng chia lửa chiến đấu trong những ngày gian khổ, ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 trở về nước trong sự cảm phục tin yêu và để lại trong nhân dân các bộ tộc Lào, cùng quân đội bạn những ấn tượng tốt đẹp không thể phai mờ.
Với thành tích làm nghĩa vụ quốc tế, Sư đoàn 316 được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; Bộ chỉ huy Tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Nhiều đơn vị trong Sư đoàn đươc tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các đồng chí: Lương Sơn Tuyết (liệt sĩ), Đèo Văn Khổ, Hoàng Văn Vịnh, Đỗ Văn Trì, Vi Văn Pụn, Nguyễn Như Hành được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đơn vị và cá nhân được thưởng Huân chương, Huy chương các loại; nhiều đồng chí được bầu là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Từ chiến trường Lào trở về cùng với cả nước chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, sau những ngày trú quân và luyện quân ngắn ngủi ở vùng rừng núi phía tây Nghệ An và Hà Tĩnh, Sư đoàn nhận lệnh hành quân vào chiến trường, vượt qua hàng ngàn ki-lô-mét hành quân bằng cơ giới, Sư đoàn tới vị trí tập kết Đắc Đam làm công tác chuẩn bị tham gia chiến dịch Tây Nguyên.
Ngày 10/3/1975, trong trận đánh then chốt mở màn chiến dịch, các trung đoàn 148, 149, 174 của Sư đoàn đã xứng đáng là lực lượng chủ chốt trong cuộc tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, chiến đấu linh hoạt, ngoan cường, nhanh chóng làm chủ chiến trường, tiến công dũng mãnh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến dịch đề ra: giải phóng Buôn Ma Thuột và đập tan các cuộc phản kích của địch. Chiến thắng Buôn Ma Thuột có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở màn cho sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu một sự thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta đang đến gần.
Ngay sau chiến dịch Tây Nguyên, Quân đoàn 3 được thành lập. Sư đoàn 316 đứng trong đội hình Quân đoàn chuẩn bị cho những cuộc tiến công lớn.
Tây Nguyên giải phóng rồi đến Huế, Đà Nẵng sạch bóng quân thù. Tất cả các lực lượng của ta trên toàn chiến trường từ nhiều hướng tiến về Sài Gòn - Gia Định.
Trong 5 cánh quân thần tốc, ồ ạt tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 316 trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3 đánh vào hướng tây bắc Sài Gòn. Những căn cứ địch ở Trảng Bàng, Phước Mỹ, Phước Hiệp, Bầu Nâu, Trà Võ… là những địa danh gắn liền với những trận đánh quyết liệt làm nên những chiến công của Sư đoàn.
Tổng cộng, trong chiến dịch này Sư đoàn 316 đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.715 tên địch, hoàn thành nhiệm vụ giam chân và tiêu diệt hầu hết sư đoàn 25 ngụy, đánh tan lực lượng cảnh sát, bảo an dân vệ, giải phóng 2 quận Gò Dầu, Trảng Bàng và một phần quận Củ Chi cùng nhiều ấp, xã từ Tây Ninh đến Phước Mỹ, bắn rơi 4 máy bay, thu và phá hủy nhiều vũ khí và trang bị chiến tranh của địch.
Ngày 16/1/1976, Sư đoàn 316 vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhất.
Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 316 đã từng bước trưởng thành, liên tục chiến đấu và chiến thắng. Đây là giai đoạn khẳng định một cách vững chắc sức mạnh, khả năng cơ động chiến đấu và chiến thắng của Sư đoàn. Đồng thời đây cũng chính là những năm tháng gian khổ mà hào hùng, khẳng định lòng trung thành tuyệt đội của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự tin yêu của nhân dân. Trong lao động sản xuất góp phần làm thay đổi miền Tây Bắc Tổ quốc; trong chiến đấu làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Bắc Lào; trong các cuộc hành quân thần tốc, tham gia các chiến dịch từ Tây Nguyên đến thành phố Hồ Chí Minh, ở đâu và bất cứ lúc nào cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đều nêu cao tinh thần dũng cảm kiên cường, bền bỉ, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, xứng đáng là một đơn vị anh hùng.
Từ chiến trường miền Nam, Sư đoàn trở về với Việt Bắc, Tây Bắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sư đoàn làm nhiệm vụ phòng ngự trên hướng chủ yếu của Quân khu, đồng thời là lực lượng cơ động luôn có mặt ở những trận tuyến nóng bỏng nhất, góp phần cùng các đơn vị bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, là Sư đoàn tập trung cơ động của quân khu, bằng nỗ lực cố gắng của mình cộng với sự đầu tư chỉ đạo thường xuyên của Quân khu và của Bộ, Sư đoàn đã có những bước trưởng thành vững mạnh, là một trong những đơn vị đi đầu trên nhiều lĩnh vực xây dựng, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc và phản động, chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ.
Sinh ra và lớn lên trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, trải qua thử thách ác liệt, chiến đấu bền bỉ, kiên cường và anh dũng, có mặt trên khắp các chiến trường từ Đông Bắc, Việt Bắc, trung du, đồng bằng tới rừng núi Tây Bắc-Điện Biên Phủ, Thượng Lào, từ Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử rồi biên giới phía Bắc, Sư đoàn 316 tự hào đã góp phần cùng quân và dân cả nước giương cao lá Quân kỳ Quyết thắng, đánh tan mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu mà Sư đoàn đã đạt được trong 57 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành thật to lớn. Nguyên nhân và những bài học cơ bản mà Sư đoàn rút ra được để có những thành tựu trong chặng đường lịch sử 57 năm qua là: Mỗi bước đi, mỗi thắng lợi của Sư đoàn đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sự trưởng thành của sư đoàn gắn liền với sự thương yêu đùm bọc của đồng bào cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc và nhân dân địa phương nơi đơn vị chiến đấu, công tác; Mỗi chiến công của Sư đoàn trên suốt chặng đường lịch sử đều bắt nguồn từ ý chí quyết chiến quyết thắng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; Thắng lợi của Sư đoàn bắt nguồn từ tinh thần quốc tế vô sản; Trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngừng chăm lo xây dựng khối đoàn kết nhất trí, tạo nên sức mạnh của đơn vị từng bước trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng vẻ vang.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, Sư đoàn 316 tự hào đã góp phần cùng với cả dân tộc viết nên những trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, một thế hệ cầm súng mới của Sư đoàn đã xuất hiện, đang tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang đó để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho, xứng đáng với danh hiệu Sư đoàn 316 Anh hùng và truyền thống “Trung thành- Tự lực-Đoàn kết-Kiên cường-Sáng tạo-Chiến thắng”.
Đăng Vinh
(Theo cuốn”Lịch sử Sư đoàn 316”)