Trong các cuộc chiến tranh thế giới và tác chiến chống ngầm hiện đại, sô-na đã trở thành “tai mắt” không thể thiếu của lực lượng hải quân trong việc trinh sát, phát hiện tàu ngầm và các phương tiện trên mặt nước, dưới biển...
Kỹ thuật sô-na (kỹ thuật sử dụng các trang thiết bị thủy âm) đã ra đời, phát triển hàng trăm năm nay. Trong các cuộc chiến tranh thế giới và tác chiến chống ngầm hiện đại, sô-na đã trở thành “tai mắt” không thể thiếu của lực lượng hải quân trong việc trinh sát, phát hiện tàu ngầm và các phương tiện trên mặt nước, dưới biển.
Những thành tựu tiến bộ của khoa học-công nghệ, sự phát triển của các ngành kỹ thuật vi điện tử, xử lý tín hiệu, tự động hóa và vật liệu mới… đưa vào ứng dụng làm cho kỹ thuật sô-na phát triển mang tính nhảy vọt, nhiều loại thiết bị sô-na mới ra đời, bảo đảm mạng truyền tin, trinh sát thủy âm ngày càng hoàn thiện. Kỹ thuật xử lý tín hiệu tiên tiến ứng dụng vào sô-na, giúp không chỉ trinh sát, giám sát tàu ngầm, các phương tiện trên biển, mà còn thực hiện liên lạc thủy âm cự ly xa. Thông qua kỹ thuật mã hóa và ứng dụng công nghệ số cho thiết bị sô-na, việc liên lạc thủy âm bằng truyền tải hình ảnh, trao đổi dữ liệu đang hướng đến tốc độ 1.000 bit/giây (hiện nay mới được khoảng 100 bit/giây). Hải quân các nước có trình độ công nghiệp quốc phòng tiên tiến đang nghiên cứu mạnh và sâu về kỹ thuật mạng sô-na tự động. Các nước Mỹ và NATO đã xây dựng, phát triển mạng sô-na trinh sát, phát hiện tàu ngầm và chống ngầm SOSUS. Đây là mạng có khả năng trinh sát tầm xa, báo động sớm các mối đe dọa để trung tâm chỉ huy kịp thời ra quyết định xử lý phòng tránh hoặc tiến công đối phương.
Trong hệ thống mạng sô-na hiện đại, hải quân các nước chú ý đến sự kết hợp giữa các kỹ thuật sô-na thụ động, chủ động, ra-đa và kỹ thuật định vị thu hồi sóng âm. Sô-na thụ động sử dụng dưới dạng kéo theo hoặc thả phao, trinh sát, phát hiện tàu ngầm nhờ tiếng động và tín hiệu phản hồi. Các ra-đa thụ động hiện đại phát triển chậm, nhưng vẫn giữ vai trò không thể thiếu trên các tàu ngầm, tàu chiến đấu và hệ thống mạng lưới trinh sát thủy âm. Sô-na tự động dựa trên kỹ thuật phát xung tín hiệu để trinh sát, phát hiện, định vị mục tiêu. Sô-na chủ động thường bố trí trên mạn tàu hoặc kéo theo, trang bị trên máy bay trực thăng, máy bay chuyên dùng trinh sát trên biển. Các loại sô-na chủ động mạn tàu tiên tiến hiện có trong trang bị của hải quân Mỹ đều sử dụng kỹ thuật nén xung. Tuy nhiên, các sô-na chủ động có nhược điểm dễ bị lộ và bị tiêu diệt, dải xung mà sô-na sử dụng càng dài, cự ly trinh sát càng xa thì mức độ bị ảnh hưởng bởi nhiễu càng lớn.
HIẾU GIANG