QĐND - Nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi (1928-1968), tên thật là Nguyễn Hoàng Ca. Ông đi bộ đội, viết văn, làm thơ và lấy tên là Nguyễn Ngọc Tấn. Ông hy sinh tháng 9-1968 tại Sài Gòn. Năm 2000, Nguyễn Thi  được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Năm 2011, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ít người biết, ông còn có một chuyện tình rất cảm động… 

Ông quê ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Thuở nhỏ ông theo học ở quê, sau đó theo gia đình vào sống tại Sài Gòn. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Thi vào bộ đội và làm công tác tuyên huấn. Năm 1957, ông công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1962, ông vào miền Nam, công tác tại Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam, phụ trách Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng.

Nhà văn Nguyễn Thi đã hoạt động ở khắp các chiến trường, những nơi gian khổ và ác liệt như: Bến Tre, Đồng Tháp Mười… Năm 1965, tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của ông đoạt giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều tác phẩm văn học đặc sắc của ông đã được xuất bản.

Gia đình nhà văn Nguyễn Thi trước thời điểm ông trở lại chiến trường. (Ảnh gia đình cung cấp) 

Chuyện tình của nhà văn Nguyễn Thi khá éo le nhưng cũng rất lãng mạn. Bà Nguyễn Thị Xuân, vợ nhà văn Nguyễn Thi, nhà ở Khu tập thể Quân đội, phố Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Sau nhiều lần tôi kiên trì gợi chuyện, bà Xuân mới tiết lộ:

- Ở nhà, chúng tôi gọi tên ông là Tấn. Tôi quen và lấy ông Tấn do cái duyên mẹ tôi và mẹ ông Tấn từ trước đó đã có lần gán ghép, hứa gả con cho nhau. Thời trẻ, khi còn ở Nam Định hai bà mẹ chơi rất thân với nhau. Mẹ tôi nói với mẹ ông Tấn là anh trai tôi đã hy sinh ở mặt trận, bà muốn ông Tấn lấy tôi, rồi ở rể. Lúc ấy, tôi cũng chỉ biết ông Tấn là bộ đội vừa mới tập kết ra Bắc, tính tình ông ấy cũng hiền lành, dễ có cảm tình, chứ chưa biết ông ấy là nhà văn.  

Bà Xuân ngày ấy là cô thôn nữ tròn 17 tuổi, có nét đẹp kiêu sa của một thiếu nữ đồng quê. Trước khi yêu nhà văn cũng có nhiều đám dạm hỏi nhưng cô Xuân không đồng ý. Vậy mà, khi bà mẹ gợi ý về “anh Tấn” thì cô… im lặng.

Đến gần ngày cưới, bà Xuân mới “té ngửa” khi biết ông Tấn đã có một đời vợ và một cô con gái nhỏ ở miền Nam. Mặc dù ông giải thích với bà là hai người đã ly dị nhưng chuyện đó vẫn khiến bà Xuân khóc nhiều và không đồng ý tổ chức đám cưới! Nhà văn Hữu Mai hồi ấy là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến nhà thuyết phục và động viên bà Xuân, bà mới đồng ý lấy ông Tấn. Bà vẫn nhớ sau ngày cưới nhau, mỗi khi ông Tấn về làng chơi, đám con gái trong làng nhìn thấy thường nói: “Xuân ơi! Bố mày về làng đón mày kìa!” (ông Tấn lớn hơn bà Xuân 12 tuổi).

Cưới nhau được 2 năm, bà Xuân theo ông Tấn về Hà Nội. Mẹ bà phải bán mảnh vườn ở quê để mua cho vợ chồng bà Xuân chiếc xe đạp mang ra thành phố. Năm 1962, ông bà có một cậu con trai. Ông Tấn đặt tên cho con mình là Thi. Rồi ông có quyết định đi học ở Ba Lan, nhưng thời gian này đơn vị có đợt đi chiến trường B, nên ông Tấn lại xung phong đi.

Bà Xuân vẫn nhớ mãi ngày ông chuẩn bị lên đường. Ông đưa bà đi chơi nhiều phố ở Hà Nội. Ông mua tặng bà chiếc đồng hồ đeo tay do Liên Xô chế tạo. Ông dặn dò bà rất nhiều điều như: Ở nhà phải giữ bí mật, không được nói cho ai biết là ông nhận nhiệm vụ đi B, ở nhà nuôi con, phải làm việc tích cực, phải xin học thêm để nâng cao văn hóa…

Mấy năm sống xa nhau, ông Tấn ở chiến trường viết rất nhiều thư gửi cho bà Xuân. Trong thư bao giờ ông cũng dặn bà là phải tin tưởng vào ngày chiến thắng, nhất định Nam - Bắc sẽ thống nhất. Ông dặn bà ở nhà phải giữ gìn sức khỏe, nuôi dạy con ngoan và làm việc thật tốt, đừng để thua chị kém em, chờ ông đến ngày đất nước thống nhất, ông sẽ lành lặn và nguyên vẹn trở về.

Năm 1968, ông Tấn hy sinh ở mặt trận ven Sài Gòn. Cơ quan giấu chuyện này. Bà không còn nhận được thư ông, đã linh cảm thấy việc chẳng lành. Lại thêm chuyện bà Rạng, ở cùng cơ quan bà Xuân, là cán bộ phụ trách gia đình chính sách, cũng thường xuyên đến thăm hỏi bà Xuân. Một lần, bà Rạng đến nhà chơi, buột miệng nói câu: “Chị thương em lắm!”. Bà Xuân liền hỏi: “Chị biết chuyện gì về anh Tấn ở trong đó à?”. Nhưng bà Rạng lại lảng sang chuyện khác.

Một lần, ở Nhà máy Dệt 8-3 (nơi bà Xuân công tác), Hội phụ nữ Nhà máy phát động đợt học tập nhân vật chị Út Tịch trong tác phẩm văn học “Người mẹ cầm súng”. Một chị công nhân trong nhà máy đã cầm cuốn sách đến khoe với bà Xuân và nói, nhà văn Nguyễn Thi, tác giả cuốn sách đã hy sinh rồi. Lúc đó bà Xuân như chết lặng! Thì ra, chuyện ông hy sinh, nhiều người biết, chỉ mình bà vẫn bán tín, bán nghi. Năm 1970, bà Xuân chính thức nhận được thông báo ông Tấn đã hy sinh ở mặt trận. Mỗi lần nhớ đến ông, bà lại mang những lá thư của ông gửi từ chiến trường ra đọc. Bà đọc đi đọc lại đến thuộc lòng cuốn “Người mẹ cầm súng” của ông.

 Sau ngày đất nước thống nhất, tên của nhà văn Nguyễn Thi được đặt cho một đường phố ở Thành phố Hồ chí Minh và thành phố Nam Định. Năm 2000, bà Xuân được Nhà nước mời đến thay mặt cho liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Năm 2011, bà Xuân được mời vào Thành phố Hồ Chí Minh nhận Bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Thi (tức Nguyễn Ngọc Tấn).

Thời gian trôi đi theo năm tháng, hai mẹ con bà Xuân vất vả nuôi nhau. Đến nay, cháu Nguyễn Thi, kết quả mối tình của ông Tấn – bà Xuân đã có gia đình với một cháu trai và một cháu gái. Các cháu của bà cũng đã trưởng thành.

Bà Xuân và các con, cháu của ông Tấn chỉ có một ước muốn là mong sớm tìm được hài cốt của ông, đưa ông trở về quê hương để gia đình và con cháu đến thăm viếng ông thường xuyên. Cháu nội của ông Tấn nói: "Chúng cháu đã 5 lần vào miền Nam đi tìm ông. Dù chúng cháu có phải nhịn ăn, dù có đói khát, dù ông cháu ở xa bất cứ nơi nào, chúng cháu cũng sẽ đi hỏi thăm, đi tìm bằng được hài cốt của ông cháu và đưa được ông cháu trở về...".

Năm 2010, gia đình bà Xuân được Công ty Bia thương binh nặng Hòa Bình (Hà Nội) tài trợ xây căn nhà 3 tầng khang trang. Biết tin bà Xuân, vợ liệt sĩ nhà văn Nguyễn Thi được hỗ trợ xây nhà mới, nhiều người dân ở khắp nơi gửi tiền về giúp thêm. Có người gửi mấy trăm nghìn đồng, có người gửi mấy triệu đồng qua đường bưu điện, toàn là những người không quen. Bà Xuân xúc động lắm. Bà chỉ biết cảm tạ tất cả những tấm lòng tri ân của mọi người, bạn bè và đồng đội ông Tấn. Bà tâm sự: “Thời gian gần đây tôi hay mơ thấy ông Tấn hiện về. Ông ấy bảo, vậy là anh đã làm trọn lời thề với em rồi nhé”. 

Hoàng Nam