QĐND - Cùng với việc quản lý, bảo vệ tuyến biên giới đất liền, những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền và luôn sát cánh cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với đồng chí Thiếu tướng Lê Văn Thạo, Phó tham mưu trưởng BĐBP về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhận thức của ngư dân về việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc là rất quan trọng, BĐBP đã làm gì để giúp ngư dân trong lĩnh vực này?

Thiếu tướng Lê Văn Thạo: Nước ta sở hữu bờ biển dài 3.260km, vùng biển rộng hơn một triệu km2, với những giá trị to lớn không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và hàng hải. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thiếu tướng Lê Văn Thạo.

Năm 2014, BĐBP đã tiến hành tuyên truyền tập trung được 3.125 buổi với hơn 815.000 lượt ngư dân tham gia; in ấn, phát hành hàng nghìn tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, băng hình, phim ký sự về biển, đảo... Thông qua tuyên truyền, đã từng bước giúp ngư dân nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm; tăng cường xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo.

PV: Để ngư dân thực sự yên tâm vươn khơi, bám biển, BĐBP đã có những cách làm như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Thạo: Để xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của ngư dân, trên tuyến biển, BĐBP đã bố trí 85 đài canh, trạm thông tin cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ. Các đồn, trạm biên phòng đăng ký tần số liên lạc của các tàu cá, kịp thời thông tin tình hình liên quan đến tàu, thuyền của ngư dân hoạt động trên biển và thông báo sâu rộng để ngư dân biết tần số các đài canh tìm kiếm, cứu nạn của BĐBP, chủ động liên lạc khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, BĐBP chủ động hướng dẫn phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, để phòng tránh. Chúng tôi cũng điều động cán bộ, chiến sĩ và các phương tiện tham gia ứng cứu, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra. Năm 2014, BĐBP đã thông báo, hướng dẫn cho 347.183 phương tiện/1.378.650 người trú, tránh bão, áp thấp nhiệt đới an toàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng 325 (BĐBP TP Đà Nẵng) phối hợp với lực lượng Dân quân biển tuần tra kiểm soát trên bờ biển quận Sơn Trà. Ảnh: Tiến Đạt.

Mặt khác, BĐBP đã phối hợp thành lập và duy trì hoạt động 3.466 “Tổ tàu, thuyền an toàn” với 21.400 tàu/136.000 ngư dân. Đây là mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, vừa giúp ngư dân kịp thời hỗ trợ an toàn cho nhau, vừa bảo đảm an ninh trật tự trên biển. Các tổ tàu, thuyền này còn là lực lượng trực tiếp cùng với BĐBP, Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư đấu tranh, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên các vùng biển.

PV: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, theo đồng chí, BĐBP cần triển khai thực hiện những nội dung, biện pháp nào?

Thiếu tướng Lê Văn Thạo: Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi BĐBP phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhưng linh hoạt. Trước hết là tập trung nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; ý thức cảnh giác, trách nhiệm trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, lựa chọn đúng nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn; chủ động tiếp nhận thông tin, đối thoại, trao đổi, giải quyết những vấn đề ngư dân quan tâm.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển. Kịp thời trao đổi thông tin về tàu, thuyền và khu vực hoạt động của ngư dân, vận động ngư dân thực hiện đúng đối sách trên biển, chấp hành pháp luật của Việt Nam và các quốc gia lân cận; kiên quyết bám biển, vừa lao động sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của ta; thận trọng và vận dụng đúng đối sách trong các vùng biển còn tranh chấp phức tạp. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho các hoạt động. Duy trì nền nếp chế độ công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, nắm chắc số lượng, chất lượng cơ sở vật chất, tài liệu hiện có; đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường ở từng cấp nhằm tạo thêm nguồn kinh phí, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác tuyên truyền đạt hiệu quả và luôn sát cánh cùng ngư dân trong mọi tình huống.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HỮU KHIẾT (thực hiện)