Ngay sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, Nam bộ đứng lên kháng chiến, hàng loạt các cơ sở sản xuất vũ khí của quân và dân miền Nam thành lập, nghiên cứu chế tạo vũ khí để đánh giặc, phục vụ kháng chiến.

Ngoài các cơ sở sửa chữa, sản xuất vũ khí ở Sài Gòn-Gia Định, còn có các cơ sở xung quanh ngoại thành và ở các tỉnh như Rừng Sác, Bình Hòa, Bà Rịa, Tây Ninh... Các chi đội Giải phóng quân ở miền Nam đều thành lập các binh công xưởng để thu hồi, cải tiến, sửa chữa vũ khí của địch, chế tạo vũ khí phục vụ cho bộ đội đánh giặc. Các lực lượng vũ trang, du kích và công an cũng thành lập các dân quân xưởng, công đoàn xưởng, công an xưởng để sửa chữa và chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến, tiễu trừ việt gian, phản động. Mặc dù các cơ sở sửa chữa, sản xuất vũ khí gặp rất nhiều khó khăn như thiếu phương tiện, máy công cụ, nguyên vật liệu, nhưng các binh công xưởng, công an xưởng, dân quân xưởng, công đoàn xưởng đã phát huy tinh thần sáng tạo, thu lượm vũ khí, bom, đạn của địch để cải tiến, tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có để chế tạo vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang đánh địch.
Công binh xưởng miền Nam chế tạo vũ khí từ các loại bom, đạn lép của địch (Ảnh tư liệu).

Vào năm 1946, tại Bà Rịa, binh công xưởng chi đội 16 đã nghiên cứu chế tạo được loại đạn có sức công phá và sát thương lớn, đặt trên miệng nòng súng cối 81mm và phóng đi bằng khối thuốc phóng tự tạo. Cùng năm, binh công xưởng chi đội 10 thu được 20 quả đạn cối 81mm còn mới của địch. Để sử dụng đạn, công nhân đã nghiên cứu chế tạo súng bằng cách dùng ống nước đường kính 80mm, đem tiện bên trong cho vừa kích cỡ viên đạn, gia công thêm vòng đai sắt bên ngoài để tăng cường độ chịu lực cho nòng súng, cắt đe làm giá súng. Súng tự tạo đã bắn được đạn cối 81mm để tiêu diệt địch.

Trên chiến trường, binh công xưởng chi đội 12 chế tạo thành công súng cối 65mm và gia công thêm đai đạn cối 61mm để bắn trên súng cối 65mm. Ở Mỹ Tho, thợ của xưởng Ba Son mò được khẩu pháo cao xạ 24mm loại hai nòng, đã nghiên cứu cưa tách và gia công làm hai pháo lắp đặt trên hai thuyền, trang bị cho chi đội 3 cơ động đánh địch trên sông Gò Công. Các binh công xưởng của các chi đội chiến đấu miền Nam trong hai năm 1945-1946 đã sản xuất hàng vạn lựu đạn các loại, địa lôi, thủy lôi, mìn lõm, bộc phá... để đánh địch. Đặc biệt sau này, các binh công xưởng, công an xưởng đã nghiên cứu chế tạo súng tiểu liên, súng ngắn theo mẫu súng của Mỹ, Pháp đưa vào trang bị, điển hình có tiểu liên Sten, súng ngắn CA-9 theo mẫu súng ngắn Col 9mm của Mỹ...

Trên chiến trường Khu 5 và Nam Trung bộ, từ khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945), các đơn vị lực lượng vũ trang đã chủ trương tự trang, tự chế, cải tiến bom đạn của địch làm vũ khí đưa vào trang bị. 5 tháng sau ngày Toàn quốc kháng chiến, trên 7 tỉnh miền Nam Trung bộ đã thành lập 13 xưởng sửa chữa, sản xuất vũ khí. Các xưởng đã tự chế tạo lựu đạn, đạn chì, súng tiểu liên Sten, cải tiến vũ khí địch sử dụng theo cách đánh của ta. Các đơn vị lực lượng vũ trang còn lập các tổ lò rèn, rèn khí giới, sản xuất vũ khí tự tạo để đánh địch. Cơ sở Chu Lễ của miền Trung đã lập các xưởng sản xuất lựu đạn, mìn, súng kíp, súng phóng lựu, súng cối 60mm, 81mm đáp ứng cho chiến trường Bình Trị Thiên, Trung Lào.

Ở các cơ sở sản xuất vũ khí, công nhân khắc phục khó khăn bằng nhiều cách. Chẳng hạn, không có thép ống, thép tròn đường kính lớn, công nhân lấy sắt đường ray nung đỏ, rồi khoan thành các hình ống, hình vành khăn, chế tạo nòng súng cối 60mm. Khi không có thép lò xo để chế tạo chi tiết cho lựu đạn, công nhân dùng thép 1,6mm từ đường dây cáp, rồi gia công lắp cho lựu đạn. Ở công binh xưởng 13 miền Nam, khi sản xuất súng tiểu liên, một số chi tiết phải chế tạo trong các cơ sở bí mật trong nội thành, rồi đem ra căn cứ. Sau này, các binh công xưởng Khu 5, miền Nam được quân giới từ Việt Bắc, Khu 3, Khu 4 vào giúp sức, đã sản xuất được các loại vũ khí có uy lực cao như Badoka, SKZ, SS và nhiều loại vũ khí cơ bản khác để đánh địch.

Để chủ động cải tiến, sửa chữa và sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến lâu dài, ngay sau khi lệnh Toàn quốc kháng chiến phát ra, quân và dân ta đã làm một cuộc di chuyển lớn cơ sở vật chất, máy thiết bị, vật tư kỹ thuật lên các căn cứ an toàn khu. Đến đầu năm 1947, trong các căn cứ địa của ta đã có hàng trăm công xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí ra đời, cùng với việc hình thành Nha nghiên cứu kỹ thuật tại Việt Bắc. Để thay thế bom ba càng, tại xưởng Giang Tiên (Thái Nguyên) các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công súng Badoka theo mẫu súng của Mỹ để tiêu diệt xe tăng, xe cơ giới, phá các mục tiêu kiên cố của địch.

Để phá boong-ke, lô cốt địch, Nha nghiên cứu kỹ thuật nghiên cứu thành công súng SKZ-60, xuyên thủng thép dày 100mm, xuyên phá bê-tông cốt thép dày từ 600mm đến 1.000mm. Trên cơ sở nguyên lý súng SKZ-60, quân giới ta đã phát triển, chế tạo các loại SKZ cỡ 81mm, 120mm, 51mm và 175mm lắp các loại đầu đạn khác nhau, cự ly bắn tới 1.000m. Các vũ khí do ta nghiên cứu chế tạo không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm mà còn khẳng định trí thông minh, sáng tạo, vượt mọi khó khăn để sáng chế các sản phẩm khiến địch phải khiếp sợ và thất bại.

PHẠM TIẾN ĐỨC