QĐND Online - Sau Hiệp ước sơ bộ (6-3-1946), thực dân Pháp thiết lập 5 đồn trú kiên cố ở thị xã (nay là thành phố) Hải Dương, trong đó có “trường con gái”. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì, nơi đây, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vốn là trường học dành riêng cho nữ sinh, theo Hiệp ước sơ bộ, Pháp được phép tạm thời dùng làm nơi trú quân.

Thế nhưng, với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, chúng âm mưu biến trường học thành thành “đồn binh” vững chắc. Để nhằm kiểm soát chặt chẽ đoạn Đường số 5 từ ngã 6 tới vườn hoa Bảo Đại, địch đã xây dựng 4 ụ súng nửa chìm nửa nổi, trong đó có một ụ súng máy (ụ số 1) nhô lên nhằm bảo vệ vành đai. Từ ụ súng này, chúng đào giao thông hào dích dắc nối với các ụ súng khác, thông với các phòng học. Hàng rào kẽm gai, cột bê tông, tấm tôn dày mọc ra tua tủa, xung quanh lại được ngụy trang bằng những tàu lá gồi. Thoáng nhìn qua, không ai nghĩ “trường con gái” lại có những ụ súng. Tại đây, địch thường xuyên duy trì một trung đội lính lê dương.

Ngay đêm đầu ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông Lê  Quốc Chấn được giao chỉ huy một lực lượng, gồm cảnh vệ chiến đấu, tự vệ thành, công an xung phong... có nhiệm vụ đánh chiếm “trường con gái”. Đêm ấy, quân ta áp sát vị trí địch, ném lựa đạn, hô xung phong đến “khản cổ” nhưng chỉ làm địch dao động chứ chưa áp đảo được chúng. Trong khi ta chưa có hỏa lực mạnh để tiêu diệt vị trí phòng ngự kiên cố của địch, thì đạn súng máy địch quét ra xối xả ở ụ số 1. Trời sắp sáng, ta phải lui quân khi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đêm thứ hai (20-12), với quyết tâm lớn, quân ta lại tiến công địch. Thế nhưng, kịch bản lại lặp lại như đêm hôm trước.

Hai đêm không hoàn thành nhiệm vụ đánh địch khiến cả phân đội của Lê Quốc Chấn bồn chồn, vì nếu không nhổ được vị trí này của địch thì khó mà giải tỏa được đường 5 để các lực lượng khác của ta cơ động chiến đấu với địch ở những địa điểm khác. Mà muốn tiêu diệt được vị trí “trường con gái” thì việc đầu tiên phải tiêu diệt được ụ súng số 1 của địch. Nhưng làm cách nào để đánh sập được ụ súng số 1 đây? Mải suy nghĩ, bỗng Lê Quốc Chấn chợt nhìn vào cái thúng đựng đầy các miếng nổ, đã lắp kíp và dây cháy chậm ta thu được của địch. Những miếng nổ này ta từng dùng để để hạ cây to làm chướng ngại vật trên đường phố. Lê Quốc Chấn nảy ra sáng kiến: nếu liên kết các miếng nổ này lại với nhau thành một khối thuốc lớn, rồi làm cho thuốc đen của dây cháy chậm bén lửa chuyển xuống kíp... như vậy, chỉ cần một miếng thuốc nổ sẽ kích cả khối thuốc to nổ. Khối thuốc to (do liên kết nhiều miếng nổ) sẽ đánh sập bất kì một công sự kiên cố nào. Bàn bạc, trao đổi kĩ với đồng đội, Lê Quốc Chấn và mấy đồng chí bắt tay ngay vào chế tạo khối thuốc nổ.

Khoảng 22 giờ ngày 22-12-1946, ta triển khai đội hình chiến đấu, tiến đến bức tường phía sau trường. Một đội viên lặng lẽ ôm khối thuốc nổ trườn qua bãi hoang, nhẹ nhàng áp sát ụ súng số 1. Đồng đội hồi hộp chờ đợi. Sau ánh lửa diêm lóe sáng là một tiếng nổ long trời, ụ súng số 1 của địch mới kịp xối một loạt đạn đã câm bặt. Tiếng hô xung phong vang dội, quân ta đồng loạt xông lên. Địch thất thủ hoàn toàn. Đoạn đường số 5 qua “trường con gái” được giải tỏa, các lực lượng khác của ta dễ dàng cơ động đánh địch trên khắp các vị trí khác trong và ngoài thị xã.

Thế Vỵ