QĐNĐ Online - Một ngày làm việc của DCI luôn khiến tôi cảm thấy mình như quả đạn bắn ra khỏi nòng khẩu đại bác. Mọi người luôn xếp hàng chờ gặp tôi, muốn tôi phải luôn chăm chú nghe họ trình bày những vụ việc. Tôi phải tham gia từ cuộc họp này tới hội nghị kia. Người ta hết ấn cho tôi những tập tài liệu dày cộp này, rồi hầu như ngay lập tức lại giật chúng khỏi tay tôi để đưa tập tài liệu khác, trước khi tôi kịp đọc hết trang đầu.

Ngày làm việc của tôi trên thực tế bắt đầu lúc 10 giờ đêm hôm trước. Đó là lúc máy in ở phòng chỉ huy an ninh dưới nhà bắt đầu in những trang đầu tiên của bản thảo tóm tắt tin tức tình báo cho Tổng thống. Báo cáo tin Tổng thống (PDB) mà chúng tôi thường gọi là “cuốn sách” là sản phẩm quan trọng nhất của chúng tôi. Hầu hết các đêm tôi phải mất khoảng một giờ để xem lại bản báo cáo, sau đó gọi cho biên tập viên chịu trách nhiệm về PDB của đêm đó gợi ý những thay đổi cần thiết và những vấn đề cần giải thích kỹ hơn. Đôi khi tôi cũng lược bỏ một số vấn đề được đưa ra chưa đúng thời điểm.

Cựu Giám đốc CIA George Tenet

Tôi thức dậy lúc 5 giờ 45 phút sáng và thường vào lúc 6 giờ 15 hoặc 6 rưỡi tôi đã phải ra khỏi nhà, lên chiếc xe SUV bọc thép đợi sẵn trước nhà. Chờ tôi trong xe không chỉ có tài xế mà còn có một nhân viên an ninh trang bị súng ngắn, một trợ lý đang chờ đưa cho tôi bản báo cáo hoàn chỉnh cùng hàng đống tài liệu tin tình báo chưa qua xử lý mà người trợ lý nhận được từ các nguồn suốt đêm hôm trước và một thứ làm tôi chán ngấy đó là một chồng dầy những tin tức từ các tờ báo buổi sáng – đó là những tin xảy ra trong đêm.

Hai chiếc điện thoại được bảo đảm an ninh thường xuyên được sử dụng để nhận những cuộc gọi từ trung tâm tác chiến của CIA, cung cấp những tin tức cập nhật nhất, từ những nhân viên văn phòng xin ý kiến tôi về các quyết định, những tin nhắn từ Nhà Trắng và những cuộc điện thoại cho tôi biết một số kế hoạch có sự thay đổi. Không thể nghe trộm điện thoại của tôi vì đã có những hệ thống an ninh bảo vệ các cuộc gọi của tôi, xe hộ tống phía sau và của đội an ninh đã được lắp đặt từ trước ở bất cứ địa điểm nào tôi dừng xe.

Khoảng 8 giờ sáng, tôi và người trợ lý đi đến khu phía Tây của Nhà Trắng và theo cầu thang phía sau đi lên Phòng Bầu dục. Thời gian trình bày báo cáo khoảng 30-45 phút, có khi là một tiếng nếu có nhiều vấn đề phức tạp. Phó Tổng thống Dick Cheney, Condoleezza Rice lúc đó đang là Cố vấn An ninh quốc gia, Andy Card - Chánh Văn phòng của Tổng thống đều có mặt tại đó trừ khi họ đi công cán khỏi Washington. Những vấn đề được viết trong báo cáo rất ngắn gọn và Tổng thống thường đọc rất cẩn thận. Thỉnh thoảng, ông cũng đặt một vài câu hỏi trước khi đi đến kết luận. Đó là cách khiến tất cả những thành viên tham dự phải làm việc tích cực. Tôi rất ủng hộ cách làm việc đó của Tổng thống.

Vai trò của tôi là đưa ra lời diễn giải trung thực và chiều hướng phát triển của vấn đề. Do trước đây tôi đã từng đi nhiều nơi, nên tôi thường có thể đưa ra những bối cảnh lịch sử để giải thích cho việc tại sao chính phủ các nước lại có những động thái này hay hành động kia. Sau sự kiện 11-9, các buổi kết luận báo cáo tin tổng thống còn có sự tham dự của Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft, Giám đốc FBI Robert Mueller và Bộ trưởng An ninh Nội địa Tom Ridge cùng nhau bàn thảo về ma trận của các nguy cơ khủng bố, đánh giá khả năng của chúng, thảo luận xem mỗi chúng tôi nên làm gì để đập tan những nguy cơ đó. Khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi kết thúc cuộc họp.

Nếu may mắn, 10 giờ sáng, tôi có thể về đến phòng làm việc. Trong suốt khoảng thời gian 20 phút trở về Tổng hành dinh CIA, tôi thường có tới 4-5 cuộc gọi trên các kênh điện đàm được bảo mật.

Khi tôi đến văn phòng, Dottie Hanson, nữ trợ lý đặc biệt trong nhiều năm của tôi, thường đã để sẵn trên bàn làm việc một danh sách các cuộc điện thoại gọi tới khi tôi vắng mặt. Dottie thường phải thay đổi lịch làm việc cho tôi 3 đến 4 lần mỗi ngày, hầu hết là vào buổi tối, đó là lúc mọi vấn đề ở các cơ quan trong thành phố bắt đầu lắng xuống.

Chỉ riêng công việc tại CIA cũng đủ nặng nề, nhưng là một DCI, tôi cũng có trách nhiệm với cả những cơ quan khác thuộc ngành tình báo. Điều đó có nghĩa phải theo dõi, lãnh đạo cùng lúc 15 cơ quan tình báo, trong đó có cả Cơ quan An ninh quốc gia, nơi mỗi tuần đưa ra hàng ngàn báo cáo tình báo về các vụ chặn các kênh thông tin liên lạc được gọi là “tình báo điện tín”. Tôi cũng phải quan tâm tới một cơ quan tình báo khác, nay được gọi là Cục Tình báo Không gian vũ trụ Quốc gia. Mỗi ngày cơ quan này thảo ra hàng nghìn thông điệp được giải mã từ những bức ảnh do vệ tinh do thám gửi về. Tôi cũng phải nắm được rằng bộ phận nào đó của CIA đang xử lý, tổng hợp những tin tình báo đó, có nghĩa là đưa ra bản “phân tích tổng hợp từ các nguồn” nhằm chắp ghép những chi tiết thành một bức tranh tổng hợp.

Một trách nhiệm quan trọng khác của DCI đó là thường xuyên giữ liên lạc với lãnh đạo các cơ quan tình báo nước ngoài. Tôi phải tiếp các quan chức an ninh cao cấp từ các nước viếng thăm, cả những nước không mấy quan trọng. Hầu hết các nước đều có những cơ quan tình báo khác nhau, vì vậy có khi tôi phải duy trì liên lạc với một loạt quan chức của từng nước. Chẳng hạn, tôi phải tiếp lãnh đạo của cả cơ quan Mossad và Shin Bet của Israel, hoặc cả MI-5 và MI-6 của Vương quốc Anh. Mossad là cơ quan tình báo có nhiệm vụ giống như CIA; Shin Bet là cơ quan an ninh nội địa của Israel[1]. Trong khi đó, MI-5 chịu trách nhiệm an ninh nội địa của Vương quốc Anh, còn MI-6 tiến hành hoạt động tình báo ở nước ngoài. Có khi chúng tôi tiếp đại diện hai cơ quan tình báo của một nước gần như cùng lúc; trong khi chúng tôi đang tiễn chân đoàn khách của cơ quan này thì ở một căn phòng khác đoàn kia đã ngồi chờ để được tiếp. Để họ chạm chán với nhau là điều tối kỵ, bằng mọi giá phải tránh trường hợp đó bằng mọi giá.

Đó không phải những cuộc gặp mang tính xã giao. Trước mỗi cuộc gặp đều phải nghiên cứu những tài liệu tóm tắt. Những tài liệu này cho tôi biết đoàn khách muốn gì ở chúng tôi và chúng tôi cần gì ở họ. Đôi khi, chúng tôi muốn hiểu hơn về những mối đe dọa trong khu vực của họ, trong khi các vị khách thường đòi hỏi rất chi tiết những trợ giúp của chúng tôi về tin tức, huấn luyện và tài chính.

Đáp ứng những yêu cầu (đôi khi là đòi hỏi) của Quốc hội là một phần quan trọng trong chức trách của DCI. Tôi đã tham dự hàng trăm cuộc điều trần và báo cáo trước cho các nhân vật chủ chốt của không chỉ hai Ủy ban Giám sát Tình báo mà còn của nhiều ủy ban khác, trong suốt thời gian làm DCI. Là một cựu nhân viên của Quốc hội, tôi hiểu cần phải có quan hệ tốt với Quốc hội. Đó là một công việc rất quan trọng.

Về tới Langley thì buổi chiều tối tôi cũng lại phải tham dự rất nhiều cuộc họp khác nhau. Các buổi họp có thể chỉ thông báo tình hình, nhưng đôi khi cũng bàn những đối sách cho các cuộc khủng hoảng mới xuất hiện.

Ít nhất 90% các chuyến công cán nước ngoài của tôi trong suốt 7 năm giữ chức DCI là tới Trung Đông hoặc các nước nằm giáp ranh khu vực Trung và Nam Á. Tôi đến đó thường xuyên để thiết lập các mối quan hệ cá nhân có thể sẽ đem lại lợi ích lớn một lúc nào đó.

Những chuyến đi như vậy không nằm trong khuôn khổ các cuộc thăm viếng ngoại giao đơn thuần theo kiểu Henry Kissinger mà chúng vừa mang tính ngoại giao vừa mang tính chất tình báo đặc thù.

Tôi đặc biệt nhớ tới chuyến công du tới Georgia, năm 2000. Chúng tôi đáp xuống Thủ đô của nước này vào buổi trưa, bắt tay ngay vào việc và sau đó được đưa tới một ngôi nhà kiểu thôn quê, nơi các quan chức địa phương tổ chức tiệc chiêu đãi chúng tôi.

Khoảng hai tiếng sau khi bữa tiệc bắt đầu, tôi nghe được những người Georgia ngồi phía đối diện phỉ báng người Nga. Lúc đó tôi đã say bí tỉ bởi vậy tôi dựa cả người vào người ngồi kế bên là Dave Carey, nhân vật số 3 của CIA ở thời điểm đó, và khẽ nói: “Tống bọn Nga xuống địa ngục!”. Thật không may, dù tôi chỉ phát ra tiếng thì thầm chứ không phải lớn tiếng hét nhưng cũng đủ làm những người Georgia ở đó sung sướng. Họ nhảy lên, hoan hô và bắt đầu lại chuốc tôi uống thêm.

Cũng từ lúc đó, những người Georgia quyết định dạy chúng tôi trò “nhảy ghế”, một tập quán địa phương đại loại là bạn xoay chiếc ghế ngược lại, ngồi xuống và theo nhịp nhạc, bạn cứ ngồi và nhấc chiếc ghế của bạn nhảy xung quanh bàn. Tôi chắc chắn, lúc đó nhân viên an ninh của CIA đang theo dõi cảnh này từ cửa sổ căn phòng kế bên sẽ nghĩ: “Chúng ta phải đưa DCI của chúng ta ra khỏi chỗ đó. Sẽ chẳng có gì tốt đẹp từ cái trò này”. Trên thực tế, trò chơi đã mang lại kết quả tốt đẹp. Ở nơi đây, mối quan hệ được gắn kết theo cách đó sẽ có giá trị như vàng.

Sáng hôm sau, dù phải ra sân bay đến Uzbekistan, nhưng tôi khó có thể nghĩ tới điều gì khác ngoài cái đầu đau như búa bổ. Tất cả những gì tôi nhớ được là có một quan chức cao cấp của Georgia đến thông báo: “Chúng tôi có tin xấu cho các ngài. Nga đã từ chối không cho máy bay các ngài quá cảnh ở sân bay của họ”. Lúc đó, chúng tôi cứ thắc mắc mãi không biết liệu có phải Nga đã gài máy nghe trộm ở căn nhà hôm trước của Georgia và cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời nói vô tình của tôi đêm đó.

Ít nhất người Georgia cũng cho chúng tôi những giờ phút vui vẻ. Mối quan hệ với Mátxcơva vẫn luôn căng thẳng. Có lẽ đó là hệ quả của thời kỳ Chiến tranh lạnh, hoặc sự bất lực của Nga trong việc chuyển đổi thành một xã hội dân chủ. Tôi đã từng trải nghiệm mối quan hệ lạnh nhạt như vậy trong chuyến công du đến Mátxcơva gặp lãnh đạo tổ chức FSB, Cơ quan An ninh quốc gia của Liên bang Nga. Chúng tôi được đưa tới trụ sở của FSB, trên nóc nhà tù nổi tiếng Lubyanka, hiện nay một phần của khu vực này đã được chuyển thành một viện bảo tàng của KGB. Những vấn đề rất quan trọng (vì lý do an ninh tôi không thể đề cập rõ) được nêu ra trong cuộc họp, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ có đồng quan điểm trong việc giải quyết chúng. Đầu tiên, những vị chủ nhà mời chúng tôi đi tham quan bảo tàng nhà tù của họ, nơi có khu trưng bày về Mỹ, trong đó có cả những đồ họ tự tạo, có cả khẩu súng ngắn được lắp ống giảm thanh và kim tẩm thuốc độc mà Gary Powers đã sử dụng khi chiếc máy bay do thám U2 của ông ta bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô cũ năm 1960.

Khi bạn là DCI, bạn không thể thoát khỏi công việc. Hoặc là bạn đồng hành với công việc hoặc công việc sẽ luôn đeo đuổi bạn. Trong bảy năm là DCI của tôi, tôi có tới 77 chuyến công du đến 33 quốc gia, trung bình khoảng một tháng một chuyến đi. Ảrập Xêút là nơi tôi tới nhiều nhất, chín lần. Đó cũng chính là dấu hiệu rõ ràng về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Ảrập Xêút.

Tháng 9 - 1997, tôi đưa vợ tôi, Staphanie và con trai John Michael đến bãi biển Bethany, bang Delaware nghỉ cuối tuần. Khi chúng tôi đang thư giãn ở bãi biển, thì nhân viên an ninh đi cùng thông báo có cú điện thoại khẩn của lãnh đạo ngành tình báo Jordany. Ông ta cho biết Jordany vừa bắt được một nhóm sĩ quan tình báo Israel khi nhóm này có âm mưu ám sát Khaled Mish’al, lãnh đạo cơ quan Damascus của Hamas, bằng việc tiêm thuốc độc vào tai ông ta. Âm mưu này được thực hiện ngay giữa ban ngày, tại trung tâm Amman, thủ đô của Jordany. Hai thành viên nhóm đặc nhiệm người Israel bị bắt, 6 tên khác được thông báo là đã xin tị nạn trong sứ quán Israel. Mạng sống của Mish’al đang ngàn cân treo sợi tóc. Vua Hussein, nhân vật có công rất lớn trong quá trình đàm phán hòa bình Trung Đông, đã rất tức giận. Trong khi đó, các quan chức Jordany đang lớn tiếng đòi Israel đưa thuốc giải độc để cứu ông Mish’al.

Lúc đó, tôi đã khá dày dạn kinh nghiệm, nhưng không có trường lớp nào dạy tôi phải làm gì khi đang ở bãi biển và có ai đó đến cho biết một bạn hữu vừa bị ám sát bằng cách đầu độc. Nhưng đây lại chính là một phần công việc của tôi – đầy những bất ngờ và rất ít các bất ngờ vui vẻ.

Aimal Kasi

Ngày 25-1-1993, Aimal Kasi, tay súng người Pakistan mang theo khẩu AK-47 đi tới cổng chính của trụ sở CIA và bắn năm phát vào những người đang đứng chờ qua cửa. Tiến sĩ Lansing Bennett, một chuyên gia vật lý 66 tuổi và Frank Darling, nhân viên thông tin liên lạc 28 tuổi là những người bị giết hại trong vụ này. Vợ của Darling, cô Judy Becker Darling lúc đó cũng là một nhân viên của CIA, ngồi ngay cạnh chồng và đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi Kasi lạnh lùng đi giữa hàng xe đang dừng làm thủ tục vào cổng, lựa chọn ngẫu nhiên các nạn nhân của hắn. Thật đáng ngạc nhiên, khi sau đó Kasi điềm tĩnh rời khỏi hiện trường đang trong tình trạng hỗn độn, hoảng loạn. Hắn trở lại nơi đỗ xe, lái xe quay về căn hộ của hắn, để vũ khí ở đó và sau đó đến sân bay quốc tế Dulles trở về Pakistan.

Với số tiền thưởng lớn, chúng tôi đã huy động được một đội ngũ chuyên gia quốc tế có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra bắt đầu truy tìm kẻ sát nhân. Cuối cùng, sau bốn năm rưỡi, Kasi – hoặc kẻ tình nghi là Kasi – đã bị lừa đến Dera Ghazi Khan, một thị trấn bụi bặm ở miền trung Pakistan cùng với lời hứa rằng hắn có thể mua được hàng hóa của Nga ở Afganistan để mang bán với số lãi rất lớn tại khu vực biên giới Pakistan. Trong khi chờ thỏa thuận hoàn tất, hắn ở trong một phòng trọ với giá 3 đôla một đêm. Chúng tôi đã bố trí bắt hắn trong chính ngôi nhà đó.

Tôi nhớ rất rõ dường như mới hôm qua thôi, tôi còn đang ở Trung tâm Phản ứng toàn cầu (GRC), trên tầng 6 của Tổng hành dinh, theo dõi từng chi tiết qua điện đàm khi nhóm hành động, gồm có cả nhân viên của FBI và CIA, cải trang thành dân địa phương, đột nhập vào nhà trọ lúc nửa đêm, đạp tung cửa, xông vào phòng, khống chế một người đàn ông đang hết sức bàng hoàng. Chúng tôi nóng lòng chờ đợi khi nhóm hành động còng tay hắn và lấy dấu vân tay. Sau đó, một thành viên của nhóm hành động hét to: “người Zulu đỏ, người Zulu đỏ” và một nhân viên đứng cạnh tôi cũng kêu lên: “Chúng ta đã bắt được kẻ sát nhân! Hắn chính là kẻ chúng ta cần tìm!”. Ở GRC, chúng tôi cũng bắt đầu hò reo, tung hô nhau, tôi cũng tự thưởng cho mình một điếu xì gà loại rất hiếm. Hình như sau đó, trong lúc rất hưng phấn, tôi đã làm rơi điếu xì gà cháy dở xuống sàn. Tôi biết điều đó vì GRC đã cắt miếng thảm cháy, cho vào khung kính treo lên tường trong nhiều năm sau.

Vài ngày sau, tôi và một số cộng sự cấp cao đến sân bay Dulles để chứng kiến việc áp tải Kasi về Mỹ xét xử. Từ một tòa nhà của FBI phía cuối đường băng, xe của chúng tôi đi theo chiếc máy bay chở tên khủng bố đang từ từ hạ cánh. Lúc đó, tôi không thể không tự hỏi Kasi đang nghĩ gì. Trước đó bốn năm rưỡi, cũng chính từ sân bay này, hắn nghĩ đã trốn được khỏi Mỹ với tội danh giết người. Nhưng hắn đã không thoát được. Đứng cạnh bốn nhân viên FBI là Kasi với khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm. Tôi có cảm giác như đang thay mặt cho hàng ngàn nhân viên CIA, trước đó ngày đêm phải làm việc vất vả và cầu nguyện để sớm được chứng kiến khoảnh khắc này.

Sau khi bị bắt, Kasi nói rằng hắn tiến hành vụ xả súng vì phẫn nộ với chính sách của Mỹ ở Trung Đông và Iraq. Trong bức thư gửi cho một phóng viên từ phòng giam, hắn cho biết ước vọng của hắn là có thể giết chết được DCI trong nhiệm kỳ của Jim Woodley hay người tiền nhiệm của ông ta, Bob Gates. Trên thực tế, chỉ ngay trước vụ tấn công bên ngoài trụ sở CIA vài tuần, người ta đã phát hiện một người đàn ông mang súng trường ở trong khu rừng sau nhà của Gates. Sau gần một thập kỷ gây ra vụ tấn công, cuối cùng Kasi đã bị tử hình tại nhà tù Jarratt, bang Virginia, ngày 14-11-2002.

Tôi đã có rất nhiều khoảnh khắc tuyệt vời như khi bắt được Kasi, đó là những thời điểm mà tất cả thời gian, công sức, các kế hoạch được đền đáp. Có một số sự việc tôi không được phép kể lại, nếu không, các kênh và nguồn đưa tin tình báo sẽ mất tác dụng, thậm chí nhiều người sẽ bị giết. Điều hành một tổ chức như CIA thật không may mắn vì đó là cơ quan luôn đứng trước búa rìu của dư luận và giới truyền thông.

Ngày 11-5-1998, Chính phủ Ấn Độ tiến hành các vụ thử ba thiết bị hạt nhân trong lòng đất. Vài ngày sau, họ tiếp tục thử hai thiết bị khác. Trong vòng hai tuần, Pakistan cũng đáp lại bằng các vụ thử tương tự. Chúng tôi biết rằng cả hai nước đều có tham vọng, kế hoạch và tiềm lực hạt nhân, và chúng tôi cũng hiểu nguy cơ của sự việc. Trên thực tế, chúng tôi bị bất ngờ về thời điểm thử hạt nhân của họ.

Tên lửa Agni-1 của Ấn Độ

Vào buổi sáng khi cả thế giới biết về đợt thử hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ, tôi nhận được một cú điện của Chủ tịch Ủy ban giám sát Thượng viện Richard Shelby. Không có gì ngạc nhiên khi ông ta hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra. Một trong những thói quen của tôi là nói thẳng, thậm chí tới mức khiếm nhã. Tôi trả lời ông ta: “Thưa ông, chúng tôi chẳng có tin tức gì”. Vài phút sau, Shelby xem sự kiện này trên CNN và coi đó là một “thất bại kinh khủng của ngành tình báo”. Đó có phải là một thất bại? Không nghi ngờ gì nữa. Nhưng “kinh khủng” thì chỉ là quan điểm của người ngoài cuộc gán cho.

Cùng ngày hôm đó, tôi cũng nhận một cuộc gọi từ Tổng thống Clinton. Ông ta nói: “George, tôi muốn ông biết rằng tôi hoàn toàn tin tưởng ông. Ông đang làm rất tốt công việc của mình, đừng quá lo lắng”. Đối với một người đàn ông ở tuổi 45 trên cương vị DCI, lần đầu tiên lâm vào khủng hoảng trầm trọng, được Tổng thống gọi điện, an ủi là sự cổ vũ tinh thần rất lớn. Sau đó, tôi tự nhủ, hãy quên đi những gì Shelby nói. Hãy tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thất bại và lên kế hoạch tránh những thiếu sót tương tự xảy ra trong tương lai. Tôi đã đề nghị cựu Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc David Jeremiah, chỉ huy một nhóm chuyên gia tìm hiểu tại sao chúng tôi không nắm được tin tức gì về vụ thử hạt nhân. Một tháng sau, chúng tôi đã có câu trả lời.

Nhóm công tác của Jeremiah khẳng định việc xác định hoạt động chuẩn bị thử hạt nhân của Ấn Độ rất khó đối với công tác phân tích và thu thập tình báo. Chương trình hạt nhân của Ấn Độ không bắt nguồn từ chương trình của Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Pháp mà theo cách riêng của họ, rất khó bị phát hiện. Ba năm trước, tức năm 1995, chúng tôi đã phát hiện công tác chuẩn bị thử hạt nhân của họ và ngay lập tức yêu cầu Ấn Độ chấm dứt. Họ đã chấm dứt và để ngăn chặn họ, chúng tôi đã gửi cho họ một lộ trình để rồi họ đã đánh lừa chúng tôi sau đó. Lúc đó, chỉ có rất ít các quan chức cao cấp Ấn Độ biết kế hoạch thử hạt nhân này.

Một kết luận quan trọng trong báo cáo của Jeremiah cho thấy rằng cả ngành tình báo Mỹ và giới chính trị gia đều tin chắc các quan chức của Chính phủ Ấn Độ sẽ hành xử như các quan chức Mỹ. Chúng tôi không thể ngờ các chính trị gia Ấn Độ lại có thể thực hiện lời hứa công khai của họ trước khi thắng cử, đó là tiến hành thử hạt nhân. Bài học được rút ra là, đôi khi người ta không giữ bí mật những kế hoạch của họ – họ công khai ý định cho tất cả mọi người biết. Những gì chúng tôi coi là phi lôgích thì thường được những người khác nền văn hóa thực hiện. Sau này, chúng tôi đã học được bài học này theo một cách khác trong trường hợp của Iraq.

Một năm sau, ghế của tôi lại một lần nữa lung lay và lần này là vì những lý do xác đáng hơn. Đầu tháng 5-1999, ngay trước chuyến đi tới Luân Đôn để tham dự một trong bốn cuộc họp thường niên giữa tình báo Mỹ và các đối tác thuộc Khối Thịnh vượng chung, trợ lý chính của tôi lúc đó, Michael Morell, gọi cho tôi lúc nửa đêm. Mike vừa được Trung tâm Tác chiến của CIA thông báo sau khi nhận được cú điện của Tướng Wesley Clark, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở khu vực Balkans. Clark hỏi: “Tại sao CIA lại bảo tôi ném bom sứ quán Trung Quốc ở Belgrade?”. Đáng lẽ tôi nên chỉ trích nguyên nhân những dữ liệu về các mục tiêu “không được tấn công” nằm trong phạm vi trách nhiệm của Clark không được cập nhật kịp thời theo yêu cầu. Nếu những dữ liệu đó được cập nhật, thì thảm họa đó đã không xảy ra. Nhưng lý do đó cũng không giảm đi trách nhiệm của chúng tôi trong vụ này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade bị không kích
Trong suốt quá trình diễn ra cuộc chiến ngắn ngủi bằng không quân ở khu vực Balkans, CIA đã cung cấp tin tức tình báo về những mục tiêu quân sự quan trọng có chọn lọc. Ngay trước khi tiến hành cuộc không kích quy mô lớn, Lầu Năm góc đã đề nghị CIA đưa ra đề xuất về các mục tiêu cần tiêu diệt. Mục tiêu đầu tiên được đề xuất là nơi chúng tôi cho là Tổng hành dinh của Cục Hậu cần và Trang bị của Liên bang Nam Tư (FDSP) là kho quân sự, có các bộ phận tên lửa đã từng được bán cho các quốc gia thù địch, như Iraq và Libya. Thật không may, khu vực kho này bị đánh dấu sai trên bản đồ. Trên thực tế, chúng tôi đã cung cấp cho Lầu Năm góc mục tiêu cần không kích là sứ quán Trung Quốc. Khu kho quân sự cách đó khoảng 300 m. Sau khi trao cho Lầu Năm góc tin tức sai lệch, thì một số mắt xích trong hệ thống lại bị đứt đoạn. Giới quân sự phải lập ra các cơ sở dữ liệu cập nhật nhất về những vị trí “cấm tấn công”, chẳng hạn: trường học, bệnh viện, nhà thờ và các địa điểm như sứ quán nước ngoài. Nhưng họ đã lờ đi cơ sở dữ liệu đó.

Khi máy bay của tôi hạ cánh xuống Anh một ngày sau vụ đánh bom, tôi nhận được điện thoại từ cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Bill Clinton, Sandy Berger. “Tốt hơn hết là anh nên quay lại đây ngay”, Sandy nói, “tôi đang cố cứu vãn sự nghiệp của anh đấy”. Nhận điện xong, tôi lập tức quay trở về để đối mặt với dư luận trong nước. Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng, câu chuyện “bản đồ tồi tệ” đã trở thành đề tài của nhiều chương trình hài hước buổi tối trên truyền hình và cả các phim hoạt hình. Chúng tôi không thấy gì đáng buồn cười trong chuyện đó vì ba nhân viên tình báo Trung Quốc đã thiệt mạng do sai lầm của chúng tôi và Lầu Năm góc.

Rõ ràng là Nhà Trắng phải đứng ra chịu sức ép rất lớn về vấn đề này, và tôi là một người phải gánh chịu sức ép đó. Nếu phải có ai đó bào chữa cho tôi, tôi rất muốn người đó là Sandy Berger. Tôi đã cùng làm việc với Sandy ở NSC trước khi trở thành Phó Giám đốc CIA. Sandy luôn có một mối quan tâm lớn đó là: bảo vệ Tổng thống.

Khi tôi đến Nhà Trắng sau khi từ London trở về, Sandy đã hành động đúng như con người ông. Ông thẳng thắn cho tôi biết ông không hài lòng về biểu hiện của CIA trong việc đại sứ quán trở thành mục tiêu tấn công, nhưng ông đã cứu sự nghiệp của tôi. Tôi thấy nhẹ nhàng khi biết Tổng thống Clinton đã từ chối những cuộc gọi yêu cầu cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm về sự việc này.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng John Hamre và tôi bị đưa ra trước Quốc hội để điều trần về sai lầm này đã xảy ra như thế nào. Hamre đã rất thật thà và sẵn sàng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, quan điểm chung của Lầu Năm góc là vụ đó xảy ra trong chiến tranh, và họ sẽ không bắt bất cứ ai trong Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về lỗi lầm này.

Gần một năm sau vụ đánh bom, Ban Giải trình của CIA xác định một số nhân viên CIA liên quan đến việc nhận định các mục tiêu đánh bom được đề xuất đã không thực hiện các bước cần thiết và thận trọng để bảo đảm rằng chính những địa điểm đó sẽ bị tấn công.

Ban Giải trình không phải là cơ quan cuối cùng mà chúng tôi phải nghe về vụ tai nạn đó. Vài ngày trước khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, tháng 3-2003, một trong các nhân viên cấp cao của tôi trong Ban chỉ huy Chiến dịch đến gặp tôi với nụ cười trên môi và nói: “Sếp ơi, sếp sẽ không thể tin được đâu. Chúng ta vừa nhận được một tin nhắn khẩn cấp qua kênh phụ từ một cơ quan tình báo Trung Quốc”. Anh dừng lại để gây ấn tượng khiến tôi chú ý.

“Thế họ nói gì?”, tôi hỏi.

“Họ gửi cho chúng ta tọa độ địa lý của đại sứ quán nước họ tại Baghdad và nói họ hy vọng nó sẽ được liệt kê chính xác trong tất cả các cơ sở dữ liệu của Lầu Năm góc”.

Vụ đánh bom vào đại sứ quán Trung Quốc không phải là điều tồi tệ nhất trong thời gian làm DCI của tôi trước vụ 11-9. Tối thứ sáu ngày 20-4-2001, tôi làm việc khá muộn thì nhận được các báo cáo tập trung vào sự việc xảy ra trước lúc đó một ngày ở một vùng hẻo lánh tại Peru. Chúng tôi đã vào khu vực này theo một chương trình tối mật để giúp lực lượng không quân Peru bắn phá những chuyến bay được nghi là chở ma tuý bất hợp pháp đến Mỹ.

Đối với tôi, đây là một nhiệm vụ quan trọng và là một ví dụ tốt cho thấy các nguồn lực của chúng tôi hoạt động ở phạm vi rộng lớn như thế nào trên toàn cầu. Thời kỳ giữa những năm 1990, hàng năm Mỹ đã ngăn chặn hơn 400 máy bay chở ma tuý từ Peru, mang theo khoảng 310 tấn cocaine nguyên chất. Trong 5 năm trước, chúng tôi đã đặt dấu ấn quan trọng trong hoạt động đó. Với sự giúp đỡ của chúng tôi, phía Peru đã bắt hạ cánh hoặc bắn rơi 38 máy bay nghi ngờ chở ma tuý và đã ngăn chặn được nhiều hơn thế. Tuy nhiên, ngày hôm đó, chương trình đã hoạt động vô cùng tồi tệ.

James Bowers và vợ, Veronica, là những người làm lễ rửa tội theo giáo phái Phúc Âm đã làm việc ở khu vực Amazon thuộc lãnh thổ Peru vài năm. Công việc của họ là giúp đỡ về giáo dục, y tế và nhiều thứ khác – đây thật sự là “công việc của Chúa”. Gia đình Bowers đang trên chuyến bay, chiếc máy bay riêng đi theo hành trình dọc sông Amazon, theo đúng quy định của địa phương. Vấn đề là ở chỗ đường bay của họ cũng khiến họ trông giống như “một chiếc máy bay bị để ý” đối với những máy bay Mỹ và Peru đang tìm kiếm những kẻ buôn lậu ma tuý, dù chiếc máy bay của họ không có hành động trốn tránh nào. Sau khi không tìm thấy kế hoạch bay nào của chiếc máy trong hồ sơ, những người quan sát đã nâng cấp chiếc máy bay có phao nhỏ này lên dạng “tình nghi”. Từ đây, thảm kịch cứ thế diễn ra. Đội bay của Peru đã không tuân thủ các thủ tục thỏa thuận. Khả năng tiếng Tây Ban Nha của những người Mỹ không đủ để liên lạc với các đối tác. Khi chiếc máy bay nhỏ không trả lời các cuộc gọi qua radio, phía Peru đã bắn vào họ. Veronica Bowers, 35 tuổi và cô bé Charity bảy tháng tuổi đã chết ngay trong vụ tai nạn này.

(Còn nữa)

Trích đăng: Thu Hùng

Photo: nndb, istockphoto, India Defence, contentreserve



[1] Còn được gọi là Shabak, là cơ quan an ninh chuyên phụ trách các vấn đề đối nội trong lãnh thổ Israel và những vùng đất chiếm đóng.