QĐND - Ngay sau Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 19-12-1946, quân, dân Hà Nội nổ súng tiến công quân địch, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay đêm 19 và ngày 20-12, nhiều trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Trận đánh lớn, kéo dài và thắng lợi oanh liệt nhất là trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ phủ.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định chiến tranh sớm muộn cũng xảy ra, nên đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân cả nước, đặc biệt là thủ đô Hà Nội khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu như: Xây dựng trận địa, hầm hào, đục tường thông các nhà để tiện cơ động… Khu vực phòng thủ bảo vệ Bắc Bộ phủ được tổ chức 3 cụm chốt tạo thành “thế chân vạc”, để tiện cơ động, yểm trợ nhau trong chiến đấu: Cụm chốt 1 ở phố Ngô Quyền, hạt nhân là nhà Bắc Bộ phủ; cụm chốt thứ 2 ở phố Đinh Tiên Hoàng, hạt nhân là nhà Bưu điện Bờ Hồ; cụm chốt 3 ở phố Tràng Tiền, hạt nhân là khách sạn “Gà trống vàng” (nay là khách sạn Dân Chủ). Lực lượng phòng thủ toàn khu vực là Đại đội 1, thuộc Tiểu đoàn 101 (sau là Trung đoàn Thủ đô), do Đại đội trưởng Mộng Hùng và Chính trị viên Lê Gia Định chỉ huy. Ngoài vũ khí cá nhân và 3 khẩu trung liên, còn có các tổ đánh bom ba càng và các loại vũ khí tự chế tạo khác như chai cháy, mìn, bom…

Chiến sĩ Thủ đô đào hào trong Bắc Bộ phủ chuẩn bị chiến đấu. Ảnh tư liệu.

Đêm 19-12-1946, một cánh quân Pháp phối hợp với bọn lính đã ém sẵn ở khách sạn Mê-tơ-rô-pôn đồng loạt tiến công vào Bắc Bộ phủ. Đợt tiến công thứ nhất, chúng huy động một đại đội bộ binh, có xe tăng yểm trợ tiến công chính diện Bắc Bộ phủ. Bộ đội ta từ các trận địa, vị trí ụ súng bảo vệ vòng ngoài, hỏa điểm trên tầng gác cao đánh trả quyết liệt, diệt hàng chục tên địch, buộc chúng phải tháo chạy vào khách sạn Mê-tơ-rô-pôn. Đợt thứ hai, địch sử dụng hai xe tăng hạ nòng pháo yểm trợ cho bộ binh xung phong. Đại đội trưởng Mộng Hùng chỉ huy tổ đánh bom ba càng chiến đấu dũng cảm, hai chiến sĩ dùng bom ba càng diệt hai xe tăng địch và anh dũng hy sinh, bộ binh địch hoảng loạn tháo chạy, cuộc tiến công của địch không thành.

Sáng 20-12, quân Pháp tiếp tục tiến công Bắc Bộ phủ. Mũi thứ nhất sử dụng khoảng một đại đội kết hợp với xe tăng từ khu Nhà băng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tiến công vào Bắc Bộ phủ; mũi thứ hai tiến công vào Bộ Lao động, (nay là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Bộ Nội vụ; mũi thứ ba, tiến công vu hồi vào nhà Thương mại (nay là nhà Bưu điện quốc tế trên phố Đinh Lễ). Trên các hướng địch tiến công, quân và dân ta dũng cảm chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt xung phong của địch, nhưng xe tăng địch đã húc đổ hàng rào sắt trước cổng Bắc Bộ phủ, bộ binh của chúng tràn vào. Trước tình thế bất lợi, có nguy cơ bị địch tiêu diệt, Chính trị viên Lê Gia Định lệnh cho bộ đội rút theo đường hầm sang cụm chốt Bưu điện Bờ Hồ; địch tràn vào nhà Bắc Bộ phủ. Tại cụm chốt Bưu điện Bờ Hồ, bộ đội cùng tự vệ tiến công địch liên tục, đến chiều tối buộc chúng phải ngừng tiến công. Theo lệnh cấp trên, quân ta rút khỏi Bắc Bộ phủ về Liên khu 1, củng cố lực lượng tiếp tục chiến đấu.

Trận chiến đấu phòng ngự bảo vệ Bắc Bộ phủ là một chiến công sáng chói trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Trận chiến đấu thể hiện tinh thần dũng cảm, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và nghệ thuật tổ chức chỉ huy một trận đánh phòng ngự cấp phân đội trong thành phố, để lại những bài học kinh nghiệm qúy. Trong tác chiến phòng ngự, chống địch tiến công có vũ khí hiện đại, ta phải quán triệt tư tưởng phòng ngự tích cực, chủ động tiến công địch, tiến công liên tục. Trận đánh thể hiện sự sáng tạo về nghệ thuật tổ chức “thế trận chân kiềng” đánh địch trên các hướng ở địa bàn thành phố, nhà cửa dày đặc; vận dụng sáng tạo chiến thuật “cài then cửa”, với từng tốp nhỏ tự vệ chiến đấu, du kích với súng trường, lựu đạn và chai “xăng-crếp”, bom ba càng... nấp ở vị trí kín đáo gần “then cửa” để đánh địch; bám nắm địch và đánh gần để tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đó là sự sáng tạo, sáng kiến đục thông tường giữa các nhà, đào đường hầm qua đường phố để cơ động khi chiến đấu. Trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ phủ thể hiện trí thông minh, sáng tạo của bộ đội ta, sử dụng hiệu quả vũ khí hiện có, nhất là vũ khí thô sơ, tự tạo để tiêu diệt địch.

Đại tá Đào Văn Đệ