QĐND Online - Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc liên quan đến say nắng, say nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội. Vậy đâu là nguyên nhân và cần làm gì để phòng, chống say nắng, say nóng hiệu quả?
“Thời điểm vàng” cấp cứu say nắng, say nóng
Say nắng, say nóng (SN, SN) thường xảy ra với cán bộ, chiến sĩ huấn luyện, diễn tập với cường độ cao trên thao trường hoặc trong xe tăng, thiết giáp, mang mặc quần áo phòng hóa…trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao, thiếu thông gió, đặc biệt thường gặp ở các chiến sĩ trẻ, chưa được rèn luyện đầy đủ, cơ thể chưa thích ứng với điều kiện nắng nóng. SN, SN thể hiện theo 3 mức độ bệnh lý: Nhẹ (choáng váng, chuột rút); vừa (kiệt sức) và nặng (đột quỵ). Trong trường hợp đột quỵ, nhiệt độ lõi cơ thể thường tăng trên 40 độ C, kèm biểu hiện rối loạn thần kinh trung ương, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
 |
Thử nghiệm lều chống say nắng, say nóng
|
Theo Đại tá, TS Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Vệ sinh phòng dịch, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị SN, SN ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu, bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì 100% nạn nhân sẽ tử vong. Chính vì thế, trong cấp cứu SN, SN phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Bằng mọi biện pháp phải hạ nhanh nhiệt độ cơ thể trong “thời điểm vàng”. Đây là điều kiện tiên quyết để bệnh nhân thoát khỏi tử vong do SN, SN. Chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến sau hoặc chuyển tới cơ sở hồi sức cấp cứu gần nhất nếu các biện pháp cấp cứu ban đầu không hiệu quả, không cải thiện nhanh về lâm sàng. Chú ý trên đường vận chuyển vẫn phải duy trì các biện pháp cấp cứu cơ bản, trong đó lưu ý các biện pháp hạ thân nhiệt.
Qua phân tích của Cục Quân y về các vụ việc tử vong do SN, SN, có thể thấy hầu hết là do bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời tại tuyến quân y cơ sở trong “thời điểm vàng”. Điển hình như trường hợp chiến sĩ của một đơn vị bị SN, SN trong quá trình huấn luyện, nhưng do trạm quân y bố trí chưa hợp lý nên khi xảy ra tình huống, không kịp đưa về trạm, đồng chí quân y sĩ đi theo không kịp xử lý do không có đủ phương tiện, nên bệnh nhân đã tử vong… Hay một trường hợp khác, khi chiến sĩ bị SN, SN, quân y tiểu đoàn không áp dụng các biện pháp hạ nhiệt ngay mà vận chuyển bệnh nhân lên bệnh xá. Tại bệnh xá, nhờ áp dụng các biện pháp hạ nhiệt, nhiệt độ lõi của bệnh nhân từ 42 độ C đã được giảm xuống, bệnh nhân tỉnh và uống được nước. Lẽ ra nếu tiếp tục hạ nhiệt độ thì bệnh nhân sẽ hồi phục, nhưng đơn vị vội vàng vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nên bệnh nhân nhanh chóng bị hôn mê sâu. Rất may bệnh nhân này đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu kịp thời…
Thực hiện đồng bộ các biện pháp
Để phòng, chống SN, SN đạt hiệu quả, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự tích cực, chủ động của tuyến quân y cơ sở. Trong những ngày hè nắng nóng, các đơn vị cần chủ động điều chỉnh thời gian và lịch huấn luyện; bố trí hợp lý thời gian luyện tập và nghỉ ngơi; chọn nơi luyện tập có bóng mát hoặc gần bóng mát để thuận tiện lúc nghỉ. Khi huấn luyện phải tạo cho bộ đội thích nghi dần với nắng nóng. Quá trình huấn luyện, diễn tập cần bảo đảm đầy đủ nước uống và hướng dẫn bộ đội cách uống nước khoa học. Không để bộ đội nhịn khát, đồng thời cần bù đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện, lao động. Chỉ bắt đầu bước vào huấn luyện khi cơ thể ở trạng thái cân bằng nước (nước tiểu màu trắng-trong, hết cảm giác khát). Trong khi huấn luyện có thể cho bộ đội uống một lượng nhỏ nước (100 -150ml), cách 15 - 20 phút/lần. Có thể sử dụng nước lọc thường hoặc nước có chứa điện giải như oresol, nước bổ dưỡng (chè sâm, viên vitamin C dạng sủi…).
Ngoài các biện pháp trên, cần thực hiện các biện pháp chống nóng tại nơi làm việc và sinh hoạt; hướng dẫn bộ đội ăn, uống các chất mát, dễ tiêu, hợp vệ sinh, không uống rượu và các chất gây kích thích. Khi huấn luyện, lao động ngoài trời, phải đội nón mũ rộng vành, mặc quần áo rộng, màu sáng. Không lạm dụng nước đá và các loại nước có ga. Các đơn vị cũng nên trồng các loại cây có tác dụng giải nhiệt và chống mất nước nhanh để chế biến làm nước uống như: Mướp đắng, bí đao, dưa chuột, đậu xanh... Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bộ đội cách phòng, chống SN, SN. Tăng cường theo dõi sức khỏe bộ đội, phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh cấp hoặc mãn tính để đề xuất chỉ huy giao việc phù hợp…
Thiếu tướng, TS Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y cho biết, hiện nay các trung đoàn bộ binh đủ quân trong toàn quân đã được trang bị lều cấp cứu SN, SN; các đơn vị thực hiện nhiệm vụ A70 cũng đã được tăng cường lều cấp cứu SN, SN. Cục quân y đã cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng lều, tổ chức tập huấn phòng, chống SN, SN. Các đơn vị cần chủ động sử dụng lều, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống để hạn chế các sự việc đáng tiếc liên quan đến SN, SN.
Các biện pháp thông thường điều trị say nắng say nóng:
1. Đưa bệnh nhân đến vị trí thoáng mát.
2. Khơi thông đường thở, hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực và cấp cứu hồi sinh.
3. Đo thân nhiệt.
4. Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ lõi của cơ thể.
5. Sử dụng thuốc cấp cứu ban đầu.
6. Chuyển về tuyến sau (nếu cần thiết).
|
Bài và ảnh: ANH KIÊN