Kinh nghiệm cao trào cách mạng 1930-1931 cho thấy, Đảng phải tổ chức đội quân công nông cách mạng, phải vũ trang cho quần chúng và huấn luyện quân sự cho quần chúng. Ngày 28-3-1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng (họp tại Ma Cao, Trung Quốc), đại hội đã ra Nghị quyết về Đội tự vệ và ngày 28-3 trở thành Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ (DQTV) Việt Nam.
Trải qua gần 82 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, DQTV Việt Nam luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, lập nhiều chiến công to lớn, có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
Khối nữ dân quân tự vệ trong sơ duyệt diễu binh thực hiện nhiệm vụ A70. Ảnh minh họa/nguồn internet.
Trong thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 đến nay, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và kết quả xây dựng, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách đối với DQTV đã có những phát triển toàn diện trên một số vấn đề cơ bản sau: Sự phát triển về quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng đối với DQTV đã được xác định trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng xác định: "…Tiếp tục phát triển DQTV với số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới...". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII: "…Xây dựng lực lượng DQTV rộng khắp, lấy chất lượng làm chính...". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: "…Coi trọng xây dựng thế trận trên các địa bàn chiến lược trọng yếu; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và công an, bảo vệ cơ sở…". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: "…Quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) hùng hậu, DQTV rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống...". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: “Chú trọng xây dựng lực lượng DQTV và DBĐV”.
Ngày 22-9-1989, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 55/CT-TW về tăng cường lãnh đạo lực lượng DBĐV và DQTV trong tình hình mới. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành: Chỉ thị số 16/CT-TW ngày 5-10-2002, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV trong tình hình mới; Kết luận số 41 KL/TW ngày 31-3-2009, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 5-10-2002.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về DQTV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về DQTV năm 1996, Pháp lệnh DQTV năm 2004. Ngày 23-11-2009, Quốc hội thông qua Luật DQTV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. Để triển khai, thi hành Luật DQTV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ có liên quan ban hành 37 văn bản quy phạm pháp luật (2 nghị định của Chính phủ, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư liên tịch của các bộ, 25 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các bộ liên quan). Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thi hành, do sự phát triển của tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, pháp luật về DQTV đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần phải điều chỉnh. Vì vậy, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ, Bộ Quốc phòng tiếp tục ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật về DQTV (2 nghị định của Chính phủ, 13 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) để thay thế một số văn bản pháp luật về DQTV không còn phù hợp. Đến nay, hệ thống pháp luật về DQTV gồm 30 văn bản (1 luật, 2 nghị định của Chính phủ; 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 4 thông tư liên tịch; 22 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Hệ thống pháp luật về DQTV đã được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở xây dựng DQTV và các cơ quan, ban, ngành liên quan góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về DQTV, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở cơ sở trong tình hình mới.
Theo xác định của pháp luật, DQTV là một thành phần quan trọng của LLVT nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013, Điều 12 Luật Quốc phòng năm 2005; Điều 3 Luật DQTV năm 2009. DQTV được tổ chức vững mạnh, rộng khắp; dân quân được tổ chức ở xã, phường, thị trấn; tự vệ được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế. DQTV đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương. Thành phần DQTV gồm: DQTV cơ động; dân quân thường trực, DQTV tại chỗ; DQTV biển; DQTV phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế; được tổ chức, biên chế thành các đơn vị tổ, tiểu đội, khẩu đội, trung đội, đại đội, hải đội, tiểu đoàn, hải đoàn DQTV. Tổ chức chỉ huy quân sự (CHQS) cơ sở gồm: Thôn đội; ban CHQS cấp xã, ban CHQS cơ quan, tổ chức ở cơ sở. Ban CHQS bộ, ngành Trung ương thuộc tổ chức DQTV.
Dân quân tự vệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh - “Bức tường sắt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguồn: mod.gov.vn.
Trong những năm qua, thực hiện đổi mới về công tác quân sự, quốc phòng và pháp luật về DQTV, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; hằng năm, cấp ủy địa phương đã đưa nội dung công tác DQTV vào trong nghị quyết lãnh đạo về công tác quân sự, quốc phòng; nhiều địa phương có nghị quyết chuyên đề về công tác DQTV; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành đề án hoặc kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho DQTV, trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Các địa phương, cơ quan, tổ chức đã rà soát, điều chỉnh tinh gọn số lượng DQTV; đến tháng 6-2016, tổng số DQTV toàn quốc là 1.319.835 người, đạt l,44% so với dân số (giảm 0,97% so với năm 2008). Tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 20,l% (tăng 2,6% so với năm 2008); đã thành lập được 5.441 chi bộ quân sự ở cấp xã, phường, thị trấn, 527 tổ đảng quân sự cấp xã. Đặc biệt các địa phương của các quân khu 5, 7, 9 có gần 100% xã, phường, thị trấn thành lập chi bộ quân sự cấp xã. Cấp ủy các địa phương đánh giá cao vai trò và hiệu quả của chi bộ quân sự cấp xã. Cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quân đội đã tổ chức DQTV đúng quy định của pháp luật; đã thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn 67 ban CHQS bộ, ngành Trung ương; 7.428 ban CHQS cơ quan, tổ chức ở cơ sở; 11.162 ban CHQS cấp xã; 6.719 ban CHQS cấp xã được bố trí phòng làm việc trong trụ sở UBND cấp xã; xây dựng được 4.443 trụ sở ban CHQS cấp xã, đạt 39,8%, chủ yếu trên địa bàn quân khu 5, 7, 9.
Từ năm 2002 đến tháng 6-2016 đã và đang đào tạo 33.369 chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở (đã đào tạo 26.982, đang đào tạo 6.387); tổ chức 11.233 lớp, với 1.165.260 cán bộ DQTV tham gia tập huấn; tổ chức huấn luyện cho 7.808.742 DQTV.
Hoạt động của DQTV ngày càng đi vào nền nếp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của dân quân thường trực, DQTV cơ động được nâng lên; hoạt động phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các lực lượng khác đã ngăn chặn nhiều vụ xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới đất liền, tham gia tích cực bảo vệ biên giới biển, đảo; thường xuyên phối hợp với công an cấp xã giữ vững an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, nhất là trong các dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và địa phương; tham gia tích cực trong phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng và làm công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng, chương trình phát triển nông thôn mới, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đạt hiệu quả thiết thực, tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở phát triển kinh tế-xã hội. Từ năm 2010 đến nay đã huy động 7.619.132 lượt DQTV với 34.179.602 ngày công lao động tham gia phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng và các nhiệm vụ được giao khác.
Chế độ, chính sách đối với DQTV đã được triển khai và thực hiện cơ bản đúng quy định của pháp luật; bảo đảm trang phục DQTV tương đối thống nhất; chi trả đúng, đủ phụ cấp, công tác phí, trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn và các chế độ, chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ DQTV; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã vận động có định mức chi trả trên mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.
Từ kết quả về xây dựng, phát triển DQTV trong 30 năm đổi mới, bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau: Thường xuyên coi trọng quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về công tác DQTV. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và toàn dân, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị. Xây dựng chi bộ quân sự cấp xã là cần thiết, cùng với công tác phát triển Đảng trong DQTV có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với DQTV. Thực tế đã chứng minh rằng ở đâu, nơi nào thường xuyên duy trì hoạt động chi bộ quân sự cấp xã có nền nếp thì ở đó, nơi đó chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của dân quân được nâng cao, hoạt động có hiệu quả; công tác quốc phòng, quân sự ở cấp xã đạt kết quả thiết thực. Phát huy vai trò chủ trì, phối hợp của cơ quan quân sự địa phương, ban CHQS cấp xã, ban CHQS cơ quan, tổ chức ở cơ sở trong tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác DQTV. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ quân sự ban CHQS cấp xã; thường xuyên kiện toàn, củng cố ban CHQS cơ quan, tổ chức ở cơ sở; tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy, trình độ huấn luyện của cán bộ đơn vị DQTV. Coi trọng xây dựng DQTV biển, DQTV trên các địa bàn chiến lược, địa bàn biên giới, tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nâng cao chất lượng dự báo tình hình, chủ động phối hợp trao đổi, thống nhất giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công an và bộ, ngành liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn DQTV phối hợp với các lực lượng khác trong bảo vệ biên giới biển, đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng thủ dân sự. Coi trọng tổng kết, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, gắn với bổ sung, điều chỉnh kịp thời chính sách, pháp luật về DQTV bảo đảm sự liên thông với pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Làm tốt công tác bảo đảm ngân sách, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với DQTV và DBĐV. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích thực hiện tốt pháp luật về DQTV.
DQTV có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng DQTV vững mạnh, rộng khắp để luôn có sự phát triển là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DQTV, phải nắm vững sự nghiệp đổi mới của đất nước để điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật về DQTV, nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các chỉ thị, mệnh lệnh, các quy định cụ thể của cấp trên, đồng thời phải căn cứ vào thực tiễn của mỗi địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức, đơn vị để tổ chức, xây dựng DQTV vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch ở cơ sở; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc địa phương cơ sở, cơ quan, tổ chức, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng NGUYỄN DUY NGUYÊN - Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu)