Để răn đe chiến lược và phô trương sức mạnh của cường quốc quân sự, tên lửa đường đạn chiến lược là một trong những phương thức hữu hiệu để thực hiện mục tiêu đó. Gần đây, trước sự xúc tiến xây dựng hệ thống “lá chắn tên lửa” (MMD) ở châu Âu của Mỹ và các nước trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), LB Nga đã liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa đường đạn hiện đại, cả ở trên đất liền và trên biển, từ các bệ phóng cố định đến các bệ phóng cơ động và trên tàu ngầm… Các nhà khoa học quân sự đánh giá, LB Nga đã ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học-công nghệ mới để phát triển công nghệ chế tạo tên lửa, đặc biệt trong đó là tên lửa đường đạn chiến lược.

Trong lịch sử 50 năm phát triển, tên lửa đường đạn chiến lược đã phát triển đến thế hệ thứ 5. Những tên lửa đường đạn của Nga (trước đây là Liên Xô) với các tên lửa thế hệ thứ nhất từ SS-5 đến SS-7, tên lửa thế hệ thứ hai từ SS-9 đến SS-11 và tên lửa trang bị cho chiến hạm SS-N-4. Các thế hệ tên lửa đường đạn thế hệ ba được ký hiệu từ SS-17 đến SS-19 và SS-N-18 cho tàu ngầm. Tên lửa đường đạn thế hệ thứ tư sản xuất trong những năm 80 của thế kỷ trước gồm các ký hiệu từ SS-20 đến SS-25 và SS-N-23, tiêu biểu nhất là tên lửa Topol (SS-25) đưa vào trang bị năm 1986. So với các tên lửa thế hệ đầu, tên lửa Topol hơn hẳn về tính năng kỹ thuật, chiến thuật như khả năng cơ động, tàng hình và khả năng “sống còn” tốt hơn trước các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Hơn nữa, tên lửa Topol có tính hệ thống rất hoàn thiện, độ chính xác cao, tầm bắn xa. Mỗi hệ thống Topol cơ động phóng trên mặt đất gồm xe phóng tên lửa, xe chỉ huy cơ động, xe duy tu bảo dưỡng, khả năng cơ động hàng trăm cây số mỗi ngày. Hệ thống điều khiển hỏa lực và xử lý số liệu phóng của Topol làm việc tin cậy, nhận lệnh phóng và chỉ thị mục tiêu từ vệ tinh hoặc đường truyền số liệu quân sự ở cả trạng thái tĩnh và cơ động. Tên lửa Topol có thể cơ động ẩn nấp trong rừng rậm, do vậy chúng tạo được sự bất ngờ và uy hiếp đối phương rất lớn.

Để duy trì khả năng răn đe của tên lửa đường đạn chiến lược, dưới thời Tổng thống Pu-tin, các chương trình nghiên cứu tên lửa đường đạn chiến lược thế hệ thứ năm được xúc tiến mạnh mẽ hơn, điển hình trong số đó là tên lửa đường đạn Topol RS-12M và tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm Bulava. Các tên lửa mới này đều do Viện Công nghệ nhiệt Mát-xcơ-va chủ trì thiết kế với tư tưởng đa năng, hiện đại, thông dụng hóa và xuyên thủng được bất cứ hàng rào lá chắn tên lửa nào. Tên lửa Topol RS-12M sử dụng hàng loạt công nghệ mới trong chế tạo và phát triển như: vật liệu mới, thiết bị động lực tiên tiến, vỏ ngoài động cơ làm bằng vật liệu composite, nhiên liệu rắn năng lượng cao. Để có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đường đạn đối phương, thời gian điểm hỏa của tên lửa được rút ngắn; giai đoạn tăng tốc nhanh chóng hoàn thành ở tầng khí quyển nên lẩn tránh hiệu quả sự phát hiện và đòn tiến công của đối phương. Tên lửa Topol RS-12M lắp phần chiến đấu kết hợp nhiều đầu đạn tự dẫn. Đầu đạn chiến đấu của tên lửa lắp đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, tầm bắn của tên lửa xa hơn 11.000km, sức công phá mỗi đầu đạn hạt nhân tới 550kT (1kT=1.000 tấn TNT). Tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm Bulava được thiết kế để trang bị cho các tàu ngầm thế hệ mới như Borey, Alkula và các tàu mới nâng cấp khác. Điều đáng chú ý nhất trong công nghệ chế tạo tên lửa Bulava là cải tiến từ công nghệ tên lửa Topol R-12M. Tên lửa có kích thước nhỏ hơn so với các tên lửa phóng từ tàu ngầm trước đây và được lắp đặt trên các tàu ngầm có kích thước nhỏ hơn, song hiệu quả tác chiến vượt xa hơn rất nhiều. Tên lửa Bulava có thiết kế kết cấu độc đáo, sử dụng tới hơn 70% vật liệu mới, trong đó có vật liệu composite, vật liệu hấp thụ sóng ra-đa, động cơ tên lửa và nhiên liệu rắn mới, tầm bắn đạt tới 8.000km. Cả hai loại tên lửa Topol RS-12M và Bulava đều được thiết kế, thử nghiệm và xử lý kỹ thuật trên hệ thống máy tính và các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại. Trước khi đưa ra mẫu chế tạo và thử nghiệm, các cơ sở nghiên cứu thiết kế và chế tạo thực hiện trên mô phỏng rất nhiều lần, lựa chọn các thông số tối ưu và điều chỉnh kịp thời về khí động học quá trình phóng, giai đoạn bay và tính toán khả năng tàng hình của tên lửa.

Những cuộc thử nghiệm tên lửa Topol RS-12M và Bulava vừa qua cho thấy, công nghệ chế tạo tên lửa đường đạn chiến lược của Nga vẫn đang dẫn đầu thế giới, đủ sức răn đe đối với những cường quốc uy hiếp an ninh quân sự với LB Nga.

HÀ DƯƠNG NAM