Trung tướng PHẠM TUÂN, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng Không quân: Vừa nâng cao trình độ chiến đấu, vừa bảo đảm an toàn
Vừa qua, chúng tôi cũng đã theo dõi rất sát sao tình hình huấn luyện, rèn luyện của Bộ đội Phòng không-Không quân nói chung, Bộ đội Không quân nói riêng. Mọi thông tin về Bộ đội Không quân đều được chúng tôi tiếp thu và phân tích khá cặn kẽ. Những kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm làm phi công chiến đấu, rồi lại làm chỉ huy của Bộ đội Không quân cũng được chúng tôi truyền lại cho đội ngũ kế cận. Cũng mong là anh em sẽ tiếp nhận, vận dụng phù hợp vào công tác lãnh đạo, chỉ huy hiện nay để xây dựng Bộ đội Không quân ngày càng hiện đại. Qua Báo Quân đội nhân dân, tôi xin có ý kiến ngắn gọn thế này:
Bộ đội Không quân tác chiến trong điều kiện có tính độc lập cao, vì vậy anh em phải vừa có bản lĩnh, ý chí, trình độ chiến thuật cao, vừa phải có trình độ kỹ thuật tốt thì khi đưa máy bay cất cánh mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỗi lần chúng tôi cất cánh là quyết tâm tiêu diệt kẻ thù lại dâng lên cao độ. Nhưng cũng nhờ được rèn luyện và cọ xát với thực tế chiến đấu, nên đội ngũ phi công ngày đó trưởng thành khá nhanh. Nhiều đồng chí cũng đã gặp sự cố trên không, nhưng vẫn bình tĩnh xử lý, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và đưa máy bay về an toàn. Có nhiều phi công lập được những thành tích xuất sắc đã được ghi danh trong sử sách mà các đồng chí đã biết.
Hiện nay, vũ khí trang bị của ta khá hiện đại, trình độ, khả năng tiếp thu công nghệ của anh em cũng tốt. Vì thế việc làm chủ vũ khí trang bị phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Bộ đội Không quân tuy rất phức tạp, nhưng không phải anh em không làm được. Thực tế cho thấy, mục tiêu cao nhất của mỗi chuyến bay không phải là để bảo đảm an toàn mà là để nâng cao trình độ trong huấn luyện, nâng cao sức chiến đấu của Bộ đội Không quân. Tuy nhiên giữa bảo đảm an toàn và nâng cao trình độ chiến đấu là hai vấn đề luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, vì vậy chúng ta phải tiến hành song song, có chất lượng cả hai việc. Với kinh nghiệm của người đi trước, chúng tôi mong muốn anh em phi công phải được rèn luyện thật kỹ về bản lĩnh và kỹ thuật, để khi cất cánh là anh em đã vững vàng về tâm lý và thực sự tin tưởng vào chính bản thân mình, đó chính là cơ sở để anh em có thể khắc phục được các sự cố, không ngừng nâng cao trình độ chiến đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. TRẦN VŨ (ghi)
Đại tá, phi công BÙI ĐỨC THÀNH, Chính ủy Sư đoàn 370 (Quân chủng PK-KQ): Rèn luyện bản lĩnh, tích cực bảo đảm an toàn bay
Đại tá, phi công Bùi Đức Thành.
Tôi được tham dự cuộc tọa đàm của Quân chủng PK-KQ, được nghe ý kiến tâm huyết của các tướng lĩnh, cựu phi công lão luyện chia sẻ về truyền thống anh hùng, sáng tạo, vượt khó của Bộ đội Không quân. Ngay sau đó, Báo Quân đội nhân dân khởi đăng loạt bài “Quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc”. Tôi đã đọc rất kỹ, chỉ đạo cho đơn vị tổ chức đọc cả 4 bài để học tập, rút kinh nghiệm và tăng cường huấn luyện, rèn luyện bản lĩnh cho đội ngũ phi công, làm tốt hơn nữa công tác an toàn bay.
Từ nhiều năm nay, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 370 luôn quan tâm đến chất lượng huấn luyện và công tác bảo đảm an toàn bay. Thời gian gần đây, sau những sự cố xảy ra với Bộ đội Không quân, công tác bảo đảm an toàn càng được sư đoàn đặc biệt coi trọng, chỉ đạo các đơn vị từ cấp đại đội trở lên phải có kế hoạch khắc phục khuyết điểm trong huấn luyện, bảo đảm an toàn bay; tổ chức rà soát chặt chẽ quy chế huấn luyện, hiệp đồng, nâng cao trình độ, kỹ năng xử lý tình huống cho phi công; đồng thời, nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, nhiệm vụ bảo đảm an toàn bay của Đảng ủy sư đoàn được cụ thể hóa, chi tiết hóa, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân phụ trách để chủ động, liên tục kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm ở từng khâu, từng bộ phận. Quá trình huấn luyện, chúng tôi kết hợp tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ phi công truyền thống anh hùng của Không quân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù máy bay, vũ khí, khí tài không hiện đại bằng đối phương, nhưng các thế hệ Bộ đội Không quân Việt Nam vẫn lập nên những chiến công lừng lẫy, khiến kẻ thù khiếp đảm. Đó là nhờ bản lĩnh, tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của thế hệ cha anh. Bởi vậy, truyền thống anh hùng của Bộ đội Không quân chính là điểm tựa để lớp lớp thế hệ phi công hôm nay học tập, phát huy, nỗ lực phấn đấu không ngừng để trưởng thành, tiến bộ.
Tôi cho rằng, những bài viết về Quân chủng PK-KQ đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra từ ngày 7 đến 10-11 thực sự bổ ích, kịp thời động viên, khích lệ phi công thêm yên tâm công tác. Đây cũng là tình cảm, sự chia sẻ của Báo Quân đội nhân dân đối với những khó khăn, gian khổ của Bộ đội Không quân, khích lệ chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh huấn luyện, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn bay, xứng đáng với niềm tin của Đảng, quân đội và nhân dân. BÌNH THÀNH (ghi)
Đại tá BÙI THIÊN THAU, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn 371: Chúng tôi tìm được những kinh nghiệm quý trong huấn luyện bay
Vừa qua, Báo Quân đội nhân dân đăng loạt 4 bài “Quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc” và một số tin, phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình trên Báo Quân đội nhân dân điện tử. Các tác phẩm báo chí nói trên được cán bộ, phi công, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và hạ sĩ quan, chiến sĩ Trung đoàn 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ) đặc biệt quan tâm theo dõi.
Qua đọc và nghiên cứu chúng tôi thấy, các bài báo đã phản ánh cô đọng, xúc tích về quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Các bài báo cũng đã phần nào làm rõ hoạt động bay là hoạt động đặc biệt, vì đó là hoạt động trên không. Hoạt động bay quân sự lại càng đặc biệt hơn, bởi phi công, tổ bay phải điều khiển các loại máy bay chiến đấu có tính năng cơ động nhanh, tốc độ lớn, thực hiện các bài bay, khoa mục bay phức tạp như nhào lộn, không chiến, sử dụng vũ khí… Mọi động tác phải diễn ra đồng thời, đòi hỏi nhanh và chính xác. Ngoài ra, hoạt động bay còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác như: Thời tiết, khí tượng, tâm lý… Những yếu tố đó tác động trực tiếp đến nhiệm vụ SSCĐ, kết quả, chất lượng huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay.
Trong thời gian qua, Trung đoàn 923 đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt coi trong nhân tố con người. Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác huấn luyện chuyển loại ở cả nước ngoài và trong nước cho các thành phần, chú trọng đến đội ngũ phi công và nhân viên kỹ thuật, nhằm quản lý, khai thác hiệu quả máy bay, trang bị khí tài có trong biên chế. Trong quá trình huấn luyện luôn chấp hành nghiêm các quy định trong các giai đoạn bay, điều lệ bay, giáo trình huấn luyện chiến đấu; chú trọng huấn luyện xử lý các tình huống bất trắc trên không. Một trong những nội dung khác được đơn vị hết sức chú trọng là không ngừng xây dựng ý chí quyết tâm để các thành phần, đặc biệt là đội ngũ phi công tin tưởng vào máy bay, khí tài trang bị; tin tưởng vào công tác tổ chức, chỉ huy; tin tưởng vào đồng đội dưới mặt đất, làm cơ sở để thực hiện có chất lượng, hiệu quả từng chuyến bay.
Những vấn đề được đề cập trong các bài viết của Báo Quân đội nhân dân trong thời gian qua, đặc biệt là những nội dung liên quan đến kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy trong huấn luyện và bảo đảm an toàn bay, sẽ được chúng tôi tiếp thu nghiêm túc, làm cơ sở để đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. HOÀNG HÀ (ghi)
Đại tá NGUYỄN MINH TUẤN, Phó chính ủy Sư đoàn Không quân 372: Động lực để chúng tôi tiếp tục cất cánh
Chúng tôi vừa đọc loạt bài viết "Quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc" đăng trên Báo Quân đội nhân dân và thấy, đây là sự động viên rất lớn đối với Bộ đội Không quân. Sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và đồng chí, đồng đội chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cất cánh làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Xuất phát từ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, quân đội và hậu phương gia đình, tình yêu, trách nhiệm và khát vọng bảo vệ bầu trời luôn thôi thúc những người lính không quân, dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng luôn sẵn sàng xuất kích thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc, sẵn sàng cất cánh để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ SSCĐ, trong những năm qua, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn thường xuyên coi trọng, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ; tổ chức huấn luyện toàn diện, đồng bộ, chú trọng huấn luyện chuyên sâu theo nhiệm vụ, phương án chiến đấu, trong đó trung tâm là huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay. Trong quá trình huấn luyện, sư đoàn chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang thiết bị hiện có, huấn luyện có mũi nhọn, ưu tiên các phi công trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu và phi công mới tốt nghiệp đưa vào trực ban chiến đấu. Trước mỗi chuyến bay, ban bay, chỉ huy các cấp tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị; làm tốt việc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng; động viên tinh thần, chăm sóc sức khỏe phi công, tạo điều kiện thuận lợi để ban bay thực hiện theo đúng kế hoạch và bảo đảm an toàn. Sau huấn luyện, đơn vị kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của từng thành phần để có biện pháp khắc phục. Thành công nổi bật trong tổ chức huấn luyện bay của sư đoàn là thực hiện thành công mục tiêu “ba giảm, hai không” và các mục tiêu đột phá của Quân chủng PK-KQ.
Với tinh thần “cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, trong những năm qua, Sư đoàn Không quân 372 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực hiện hơn 400 chuyến bay cứu trợ, cứu nạn, vận chuyển hơn 90 lượt người và gần 200 tấn hàng hóa, lương thực, thuốc men cứu trợ nhân dân vùng lũ bị cô lập tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và nước bạn Cam-pu-chia. Thời gian tới, sư đoàn tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo trong phạm vi đảm nhiệm. Các đơn vị thuộc sư đoàn cũng sẽ không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công tác ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nhân dân trong vùng thiên tai bão lũ. TÙNG LÂM (ghi)
Già làng ĐINH VĂN TRÍ, xã Canh Liên, huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định): “Lòng dân Vân Canh nhớ ơn Bộ đội Không quân”
Trong chuyến công tác đến tỉnh Bình Định, chúng tôi gặp già làng Đinh Văn Trí ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Khi nhắc đến Bộ đội Không quân, già làng Đinh Văn Trí kể: “Cơn bão số 11 năm 2009 khiến đồng bào huyện Vân Canh của bà con ta thiệt hại nhiều lắm. Cái tai ta nghe đài thông báo hơn 2.000 người dân có nguy cơ thiếu ăn; hơn 500 học sinh thiếu sách vở. Toàn bộ hệ thống giao thông sạt lở nghiêm trọng, tình hình bà con các bản Cà Bưng, Cà Bông, Canh Tiến rất nguy cấp... Tận mắt ta chứng kiến cảnh rừng núi như bãi chiến trường, lũ cuốn từng mảng nham nhở, cây cối gãy đổ chồng lên nhau. Những mái nhà tranh xơ xác, những cánh tay bà con ta vẫy khăn cứu trợ… Gió thổi mạnh, khu vực núi Ông mây mù vây kín, thế mà các chú Bộ đội Không quân Trung đoàn 930 vẫn cưỡi tàu bay từ từ hạ cánh xuống bãi đỗ. Hôm đó, khi tàu bay vừa tiếp đất, thì các chú Bộ đội Không quân đã kịp thời trao những bao gạo, những thùng mì ăn liền, nước mắm cứu trợ cho hàng nghìn người dân đồng bào Ba Na ta ở huyện Vân Canh. Lũ về làm cho bản ta đổ sập nhà cửa, đồ đạc trôi ra sông ra suối hết. Mấy ngày liền cái bụng bà con chỉ biết ăn củ mì (sắn) trộn lẫn rau rừng. Nếu không có các chú Bộ đội Không quân cưỡi tàu bay lên cứu trợ thì rất nguy. Ơn này lòng dân đồng bào Ba Na nhớ mãi.
Ta sống chừng này tuổi đầu, chứng kiến bao cuộc đổi thay, qua bao biến cố, nhưng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ dầm mình cứu dân trong lũ, bất chấp hiểm nguy cưỡi tàu bay cứu nạn, cứu trợ đồng bào thoát khỏi cái chết, cái đói mãi in sâu trong cái bụng của bà con ta. Ta biết Bộ đội Cụ Hồ luôn có tấm lòng lo cho dân và thương dân, thế nên bà con Vân Canh ta cảm ơn lắm lắm”. VĨNH LỘC (ghi)
Ngư dân PHAN VĂN THÉP, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang: Nhờ các chú bộ đội, con tôi đã được cứu kịp thời
Hôm nay, con trai tôi (Phan Hoàng Dương, 35 tuổi, bệnh nhân đang điều trị tại Khoa A4, Bệnh viện Quân y 175-Bộ Quốc phòng) đã đi lại, nói chuyện và ăn uống được. Sức khỏe của cháu tiến triển tốt khiến gia đình tôi rất mừng. Nhớ lại hôm nó phát bệnh, ôm bụng đau quằn quại, la hét rồi hôn mê bất tỉnh trên tàu đánh cá giữa mênh mông biển nước, tôi đã nghĩ mình sắp mất con rồi. Chúng tôi chỉ biết thở dài, lo lắng, cho tàu chạy thật nhanh để sớm vào kịp Bệnh xá đảo Song Tử Tây. Đến nơi, con tôi được các bác sĩ quân y cấp cứu ban đầu, tiếp máu để cầm cự chờ đợi đưa vào đất liền. Dù đã tạm ổn nhưng con tôi vẫn trong cơn nguy kịch, nếu chuyển vào đất liền bằng tàu trong nhiều ngày thì sẽ khó mà cầm cự.
Đang hoang mang, lo lắng thì tôi nghe chỉ huy đảo thông báo, bố con tôi sẽ được đưa vào bờ bằng máy bay trực thăng của Quân chủng Phòng không-Không quân. Lúc đầu, tôi không dám tin đó là sự thật, bởi bố con tôi chỉ là những ngư dân bình thường, làm thuê trên tàu đánh cá BĐ 96886TS, chưa làm được gì cho quân đội, cho Tổ quốc. Hơn nữa, bố con tôi cũng chưa một ngày phục vụ tại ngũ. Trong khi đó, mỗi chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra đảo tốn kém hàng tỷ đồng, lại còn công sức của tổ bay, ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175… Bởi vậy, tôi vừa mừng, vừa lo, rồi thấp thỏm chờ đợi. Đến khi máy bay trực thăng đáp xuống đảo Song Tử Tây, tôi vô cùng cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Trong suốt hành trình hơn 4 giờ đồng hồ trên máy bay, chúng tôi được tổ bay và các bác sĩ chăm sóc chu đáo, tận tình. Trong điều kiện thời tiết nhiều mây mù, gió khá mạnh, nên tôi rất sợ, nhưng các anh phi công đã làm việc nghiêm túc, hiệp đồng nhịp nhàng, điều khiển trực thăng bay ổn định, hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Gia đình tôi mãi mãi khắc ghi tình cảm, tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của Bộ Quốc phòng và các anh-những phi công, bác sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”.
YẾN LONG (ghi)