QĐND Online - Chức năng chính của pháo xe kéo dùng để bắn theo quỹ đạo cầu vồng, từ cự ly xa, tiêu diệt địch bằng hoả lực dữ dội, trùm lên mục tiêu, phá nát công sự, đè ép quân địch xuống, chia cắt địch không ứng cứu được cho nhau. Trong chiến thuật tiến công, “tiền pháo, hậu xung phong” vốn đã là cách đánh kinh điển.
Tuy vậy, trong những trận đánh cụ thể, địch có công sự vững chắc, ở độ cao lợi thế, ta sử dụng DKZ, hoả tiễn, hay bộc phá đánh không phát huy hiệu quả. Các đơn vị QĐND Việt Nam trong nhiều chiến dịch đã sử dụng pháo bắn thẳng ( bắn trực tiếp), phát huy cao độ lợi thế bắn thẳng của hoả khí.
Bắn thẳng là phương pháp mà pháo thủ ngắm qua miệng nòng pháo, (đường sinh) của pháo, áp dụng trong bắn gần, rất gần. Lúc này quỹ đạo của đạn nằm trên đường thẳng, sơ tốc đạn rất lớn, đường đạn căng, công tác chuẩn bị ngắn, sử dụng số đạn ít nhất, trực tiếp pháo thủ sửa bắn nhanh, xác suất trúng rất cao, ít tản mát .
Bắn thẳng rất lợi hại, khi ngắm bắn các công sự nổi, xe cơ giới, hoả điểm, pháo độc lập, xe tăng đang cơ động hoặc đứng yên… Tuy nhiên khi chiếm lĩnh trận địa phải công phu, bí mật, gian nan, cấu trúc công sự chắc, nguỵ trang tốt. Nhiều khi phải tháo pháo ra, “cõng” trên vai lên cao điểm cạnh địch, bí mật triển khai. Bắn trực tiếp phải chắc thắng ngay trong những phát đầu. Vì khi bị lộ, địch ở gần đó có thể tổ chức phản kích dữ dội, có khi gọi pháo ở xung quanh, máy bay bay tới áp sát tuyến mà bắn phá. Do đó chỉ huy và pháo thủ bắn thẳng phải dũng cảm, can trường, bình tĩnh cương quyết sáng tạo. Bù lại, đich bị tiêu diệt nhanh, bộ đội rất phấn khích.
Bắn trực tiếp được bộ đội ta ứng dụng ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp trên sông Lô, tiêu diệt tàu chiến ở Đoan Hùng, Phan Lương…Trong hoàn cảnh ta khi đó còn ít pháo, ít đạn, pháo cũ, có khẩu hỏng kính ngắm, nứt nòng…Khi đó trận địa pháo bí mật đặt ngay ven sông. Đường đạn rất căng, khiến tàu địch kinh hoàng.
Trận Đông Khê 1950, trung đoàn 174 kéo sơn pháo lên núi cao, tương đương với độ cao của đồn Đông Khê, bắn thẳng, khiến công sự kiên cố bằng đất và những súc gỗ nghiến rất lớn tan tành, tạo điều kiện cho bộ binh xông lên tiêu diệt địch còn lại trong các hầm ngầm.
Từ năm 1972, tại mặt trận Tây Nguyên, bộ đội pháo binh đã đi đầu trong việc đưa pháo cơ giới vào bắn thẳng, tạo uy lực lớn khi mở đột phá căn cứ địch.
Trận tấn công cứ điểm Thượng Đức 7/1974, lúc đầu ta chỉ dùng pháo có xe kéo kết hợp với DKB bắn cầu vồng nên không tiêu diệt hỏa điểm lô cốt địch chiến dịch không thành công. Sau đó ta chuẩn bị lại, làm đường đưa hai khẩu 85mm nòng dài vào cự ly 2km ngắm bắn trực tiếp đã lần lượt tiêu diệt tất cả các lô cốt trên hướng cửa mở.
Trận tiến công Chư Nghé 22-9-1973 ta đưa pháo D74 vào bắn thẳng ở cự ly 4,5km, lựu pháo 105mm bắn ở cự ly 1.1km, pháo 85 nòng dài bắn ở cự ly 1 km, tiêu diệt toàn bộ hỏa điểm và công sự của địch.
Trận Đắc Pét, 16-5-1974 là trận ta dùng nhiều loại pháo bắn thẳng nhất gồm D74 bắn ở cự ly 5km, lựu pháo 122mm bắn ở cự ly 2,5km, lựu pháo 105mm bắn ở cự ly 1,6km, căn cứ địch hầu như bị san phẳng.
Trận tiến công Đồng Xoài 26-12-1974 ta đưa pháo 85 nòng dài bắn thẳng ở cự ly 500m và lựu pháo 105 bắng thẳng ở cự ly 600m đã hủy diệt toàn bộ lô cốt trên hướng cửa mở.
Không chỉ có pháo đất, pháo cao xạ 37mm và 57mm, trong tình huống cụ thể, sử dụng bắn thẳng cũng tạo nên hiệu quả rất lớn. Pháo cao xạ 37 mm 2 nòng bắn loạt, tạo màn đạn căng và hoả lực liên tiếp. Địch rất sợ hoả khí cao xạ 37 hạ nòng. Bộ đội phòng không trong đội hình bộ binh, khi cần đánh bộ binh là lực lượng hoả lực rất đáng nể.