Đến các đơn vị công binh làm nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng công trình…chúng tôi thầm cảm phục tay nghề, tinh thần lao động sáng tạo của những người lính thợ. Tìm hiểu được biết, nhiều người trong số đó từng qua huấn luyện, học nghề, thi thợ giỏi…ở “chiếc nôi” Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh. 

45 năm trước, Đoàn Huấn luyện 1506 (tiền thân của nhà trường) được thành lập để huấn luyện, đào tạo những “đội quân thợ" về kỹ thuật, chiến thuật công binh, đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu; đánh phá giao thông, kho tàng, hậu cứ của địch… Hàng vạn cán bộ, giáo viên, học viên đã có mặt ở những chiến trường ác liệt, tham gia bảo đảm giao thông, bảo đảm kỹ thuật công binh, xử lý bom, mìn… 

Thi thực hành sửa chữa xe máy công binh của nhà trường.

Hơn 40 nghìn lượt học viên, chiến sĩ đã qua đào tạo, huấn luyện tại nhà trường, bổ sung cho các đơn vị công binh toàn quân. Những năm gần đây, nhà trường có bước phát triển vượt bậc, nhất là từ khi Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật (NVCMKT) công binh trình độ trung cấp; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo NVCMKT công binh trình độ sơ cấp, tiểu đội trưởng công binh; tập huấn nhân viên rà phá bom, mìn, tổ chức thi thợ bậc cao, thi nâng, giữ bậc thợ NVCMKT công binh toàn quân… Cơ ngơi của nhà trường thực sự “thay da đổi thịt”; cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp, mua sắm mới. Trường được cấp trên đánh giá là “điểm sáng” trong phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", xây dựng nhà trường chính quy mẫu mực.

Theo Đại tá, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Xương: Bước phát triển quan trọng của nhà trường không chỉ là nâng bậc đào tạo, mà còn nâng chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, giáo viên và chất lượng đào tạo. Hằng năm trường tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi cấp nhà trường và tham gia thi cấp binh chủng. Hiện hơn 86% cán bộ, giáo viên nhà trường có trình độ đại học và sau đại học; 3 giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân…

Giáo viên của nhà trường không đơn thuần truyền thụ kiến thức trên bục giảng, mà còn phải giỏi thực hành, yêu nghề, bám máy, bám xưởng…hướng dẫn, truyền nghề cho học viên. Tiêu biểu như Thiếu tá Nguyễn Đình Thể (giáo viên máy húc); Đại úy Nguyễn Văn Túy (Bộ môn Kỹ thuật công binh); Thượng úy Nguyễn Duy Phùng (giáo viên thực hành)… Trung úy Phạm Văn Thìn (Khoa Xe máy công binh) được tôn vinh là “cây sáng kiến” của nhà trường. Anh có hai sáng kiến đạt giải cấp binh chủng, 1 sáng kiến đạt giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân.

Nhà trường chủ động xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, phòng phương pháp, xưởng thực hành gia công cơ khí; củng cố bãi lái tổng hợp, thao trường kỹ thuật công binh… và là đơn vị xây dựng điểm về công tác kỹ thuật của binh chủng. Cơ sở hạ tầng khu kỹ thuật được xây dựng chính quy, bảo đảm trang thiết bị giảng dạy theo hướng đồng bộ, có chất lượng, từng bước hiện đại hóa; chú trọng hệ thống xưởng trường gắn với các phòng học thực hành. Trường còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tập huấn, chuyển giao công nghệ, trang bị khí tài mới cho các đơn vị công binh toàn quân.

Đại tá Đinh Văn Hợp, Chính ủy nhà trường cho biết: Hằng năm, học viên tốt nghiệp ra trường có hơn 75% khá, giỏi, đảm nhiệm được nhiệm vụ theo chức trách. Nhà trường từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, bám sát trang bị, khí tài, nhiệm vụ để giảng dạy chuyên sâu.

Nhiều năm liền trường đạt danh hiệu Quyết thắng, được Bộ Quốc phòng công nhận “Đơn vị khá nhất về dạy tốt, học tốt, rèn luyện thể lực”. Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng…trao tặng là sự ghi nhận thành tích, chiến công của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên 45 năm qua, góp phần tô thắm truyền thống "Mở đường thắng lợi" của Binh chủng Công binh anh hùng.

Bài và ảnh: Thành Đô