QĐND - Năm 2007, thanh kiếm nạm vàng của Hoàng đế Na-pô-lê-ông từng được sử dụng trong trận chiến ở I-ta-li-a cách đây hơn 200 năm được bán với giá bất ngờ 6,4 triệu USD.
 |
Thanh trường kiếm Na-pô-lê-ông tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga. Ảnh: ruvr
|
Năm 1799, Na-pô-lê-ông Bô-na-pác đã trở thành lãnh đạo quân sự và chính trị của nước Pháp sau khi dàn dựng một cuộc đảo chính. 5 năm sau, Thượng viện Pháp tôn ông làm Hoàng đế Pháp. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XIX, Na-pô-lê-ông và đế quốc Pháp đã tham gia xung đột và chiến tranh với tất cả các cường quốc lớn ở châu Âu. Cuối cùng, chuỗi chiến thắng mang lại cho Pháp địa vị thống trị ở lục địa châu Âu, nhưng giống như lịch sử sau này sẽ lặp lại, năm 1812, Pháp bắt đầu xâm lược nước Nga. Quyết định xâm lăng nước Nga đã đánh dấu bước ngoặt trong số phận của Na-pô-lê-ông. Năm 1814, Liên minh thứ sáu-liên minh chống Na-pô-lê-ông (1812-1814) gồm các nước: Áo, Phổ, Nga, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Tây Ban Nha và một số tiểu quốc Đức tiến quân vào Pháp, Na-pô-lê-ông bị bắt và bị đày đến đảo En-ba. Sau đó, ông trốn thoát khỏi đảo, nhưng cuối cùng đã chết khi bị giam giữ trên đảo Xanh Hê-len. Các nhà sử học coi Na-pô-lê-ông là một thiên tài quân sự và là một người đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật quân sự. Khi ra trận, Na-pô-lê-ông thường mang một khẩu súng ngắn và một thanh kiếm. Ông sở hữu một bộ sưu tập lớn các loại súng và pháo. Các vũ khí của ông đều là loại tốt và sử dụng những vật liệu tốt nhất.
Thanh kiếm đấu giá năm 2007 từng được Na-pô-lê-ông sử dụng trong chiến đấu. Đầu năm 1800, Na-pô-lê-ông đã tặng thanh gươm này cho em trai của mình làm quà cưới. Thanh kiếm đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không bao giờ rời khỏi gia tộc Bô-na-pác. Năm 1978, thanh kiếm đã được tuyên bố là một báu vật quốc gia Pháp. Theo luật của Pháp, báu vật quốc gia thì có thể được bán cho người nước ngoài nhưng mỗi năm báu vật đó phải được đưa tới nước Pháp để trưng bày ít nhất trong 5 tháng.
Thanh kiếm này dài hơn 0,8m, lưỡi gươm được làm hơi cong lấy cảm hứng từ chiến dịch của Na-pô-lê-ông đi chinh phục Ai Cập. Na-pô-lê-ông đã sử dụng thanh gươm này từ khi chưa trở thành hoàng đế trong trận Ma-ren-go hồi tháng 6-1800. Trận này, Na-pô-lê-ông đã mở đợt tấn công bất ngờ vào quân Áo đang chiếm giữ I-ta-li-a giúp Pháp giành thắng lợi.
Ngoài thanh kiếm đã được đấu giá, trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga còn có thanh trường kiếm của Na-pô-lê-ông. Đó là một tác phẩm tuyệt diệu của nghệ thuật sản xuất vũ khí, được chế tác theo phong cách empire đặc trưng của thời đế chế Na-pô-lê-ông. Chuôi kiếm bằng đồng mạ vàng, tay cầm xà cừ bọc lớp chỉ đồng thau mỏng mảnh đan bện tinh xảo. Phía cuối chuôi kiếm là hình đầu sư tử cách điệu với một chiếc vòng ngậm trong hàm. Lưỡi kiếm bằng thứ thép luyện, mà đôi khi người ta còn gọi là “nghệ thuật Damask”, có khắc dòng lạc khoản sắc nét được thực hiện bằng kỹ thuật rèn tinh tế. Bao quanh bề mặt lưỡi kiếm sắc là những hình trang trí biểu tượng của quyền lực và trật tự, nổi danh từ thời Đế chế La Mã thần thánh. Thanh trường kiếm được chế tạo tại xưởng Véc-sai theo bản phác thảo của nghệ nhân bậc thầy Ni-cô Noa Bu-xê và sau đó dâng lên Na-pô-lê-ông Bô-na-pác.
Đáng tiếc là phần chuôi kiếm tuyệt đẹp đã có mấy chỗ hư hại nghiêm trọng. Phần giao với chỗ đệm tay ban đầu vốn cong được theo các hướng ngược nhau về phía vai kiếm, nhưng nay chỉ còn lại một phần, kết thúc bằng cái đầu của mãnh thú đang cầm giữ một con rắn giữa hai hàm răng. Cũng có giả thiết rằng, thanh trường kiếm Na-pô-lê-ông đã bị hư hại một phần chính trong thời gian đội quân Pháp hối hả tháo lui khỏi nước Nga. Tuy nhiên, các cán bộ Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nga tin chắc rằng, chuyện đó xảy ra muộn hơn nhiều về sau, không phải trong thế kỷ XIX mà là vào thế kỷ XX. Thanh kiếm Na-pô-lê-ông đã từng trải qua chiến trận trong đội ngũ Hồng quân.
Theo một số nguồn sử liệu, thanh trường kiếm này do đích thân Na-pô-lê-ông tặng cho phái viên Nga, người đã hộ tống vị hoàng đế thất thế đến nơi cầm tù trên đảo En-ba. Phái viên Nga tháp tùng Na-pô-lê-ông là bá tước Pa-ven Su-va-lốp. Nhiệm vụ của vị bá tước Nga là bảo đảm an toàn cho vị hoàng đế đã bị phế truất của nước Pháp. Có tiếng đồn rằng, người ta muốn mật phái thích khách tới ám hại Na-pô-lê-ông. Khi đó, bá tước Su-va-lốp đã đề nghị tráo đổi trang phục cho Na-pô-lê-ông. Nhà quý tộc Nga đã nói với vị cựu hoàng Pháp rằng: “Thưa ngài, chúng ta có khổ người như nhau, nếu ngài đưa cho tôi chiếc áo choàng của ngài, thì khi kẻ gian phi xuất hiện, hắn sẽ nhằm vào tôi mà động thủ”. Na-pô-lê-ông đã hết sức sửng sốt và không thể hiểu nổi, vì sao viên tướng Nga lại đưa ra đề nghị như vậy? Bá tước Su-va-lốp trả lời: “Sa hoàng A-lếch-xan-đơ ủy thác cho tôi đưa ngài tới nơi đi đày an toàn và nguyên lành. Tôi có nghĩa vụ thực hiện sắc chỉ của hoàng đế nước mình”.
Để tỏ lòng cảm tạ nghĩa khí của nhà quý tộc Nga, Na-pô-lê-ông đã tặng cho ông thanh bảo kiếm.
HOÀNG NGỌC LƯU (lược dịch)