QĐND - Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ. Để đào tạo nguồn nhân lực cho binh chủng, phải xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng đặc biệt tinh nhuệ. Trường Sĩ quan Đặc công hiện nay đang phấn đấu xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đó.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Đặc công, cho biết: Là trung tâm đào tạo cán bộ cho lực lượng đặc công của Quân đội ta, nhiệm vụ nhà trường ngày càng phát triển, nặng nề hơn. Đối tượng đào tạo đa dạng, từ đào tạo sơ cấp, trung cấp đến sĩ quan chỉ huy tham mưu đặc công bậc cao đẳng và đại học, các lớp chỉ huy tham mưu trung cấp đặc công, đào tạo hoàn thiện trình độ cho cán bộ và chuyển loại cán bộ chính trị. Ngoài cung cấp cán bộ cho binh chủng và các đơn vị đặc công toàn quân, nhà trường còn đào tạo cán bộ cho Bộ Công an, quân đội các nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đặt lên hàng đầu việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
 |
Giảng viên Trường Sĩ quan Đặc công giảng dạy thực hành xử lý vật cản cho học viên. Ảnh: Đức Giang
|
Đại tá Vũ Hùng Quyết, Trưởng khoa Biệt động, dẫn chứng: Cũng cùng một thầy, một môn học, nhưng giảng dạy cho đối tượng trình độ đại học, chúng tôi phải định hướng nghiên cứu, phát huy tư duy và đặt ra yêu cầu rất cao với người học, như việc nghiên cứu tình hình địch, ta; tổ chức, sử dụng lực lượng đến cách đánh... Còn với đối tượng là học viên trung cấp hay chuyên môn kỹ thuật, chúng tôi phải giảng cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, tăng cường thị phạm cho học viên quan sát, nắm nội dung bài học. Căn cứ vào từng đối tượng đào tạo, trước mỗi nội dung lên lớp, các khoa giáo viên đều tổ chức chặt chẽ việc thông qua giáo án, bài giảng của giảng viên, tránh việc sử dụng một giáo án cho nhiều đối tượng.
Nhà trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá chất lượng cán bộ là học viên của trường sau khi tốt nghiệp về công tác ở đơn vị; đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế, giữ chức vụ ở đơn vị. Từ đó, cán bộ, giảng viên trực tiếp đánh giá, nhìn nhận các “sản phẩm” của mình trong thực tiễn và những yêu cầu đặt ra từ cơ sở. Những nội dung, kỹ năng cần đạt được trong quá trình công tác, huấn luyện, SSCĐ của người cán bộ ở đơn vị cơ sở được nhà trường bổ sung, xây dựng giáo trình tài liệu giảng dạy, huấn luyện sát từng đối tượng đào tạo.
Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm cả về số lượng, chất lượng. Ngoài nguồn cán bộ được trên điều động về, nhà trường lựa chọn học viên tốt nghiệp loại giỏi, cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, khả năng sư phạm, kết hợp với nguồn thi tuyển cả trong và ngoài quân đội để bồi dưỡng, bổ sung vào đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thực hiện quy hoạch, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên theo đúng tiêu chuẩn, chức danh, nhà trường chủ động, tích cực cử giảng viên đi đào tạo nâng cao, đào tạo sau đại học và đào tạo cấp chiến thuật, chiến dịch ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm chăm lo, bảo đảm tốt chế độ, chính sách, điều kiện làm việc, sinh hoạt, nên yên tâm công tác, tích cực phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhờ có sự chủ động trong công tác tạo nguồn và bồi dưỡng, đến nay đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường 100% có trình độ đại học và sau đại học, trong đó thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 38,95%.
Nhà trường được Binh chủng Đặc công giao chủ trì huấn luyện, trình diễn kỹ thuật, chiến thuật cho các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế tham quan, học tập; tham mưu đề xuất với Binh chủng Đặc công về xây dựng và phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công, nhất là nhiệm vụ A2, chống khủng bố, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Có những nội dung, hình thức tác chiến mới chưa có trong chiến lệ để đưa vào huấn luyện, giảng dạy, đội ngũ giảng viên nhà trường tập trung nghiên cứu, giải quyết được những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra.
Dù tốt nghiệp ra trường đã lâu nhưng những bài học, tình cảm, trách nhiệm trong cách “truyền lửa” của đội ngũ giảng viên Trường Sĩ quan Đặc công luôn là hành trang quý để Đại úy Đàm Đình Đồng, Chính trị viên Liên đội 27 (Lữ đoàn Đặc công 113) áp dụng vào thực tiễn huấn luyện, chỉ huy và quản lý bộ đội. Anh tâm sự: "Mỗi lần nhớ lại những năm tháng học tập dưới mái trường, chúng tôi thực sự ấn tượng về phương pháp sư phạm, tình cảm của các thầy dành cho học trò. Về đơn vị, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn vị trí, vai trò của những người thầy đối với bước trưởng thành của chúng tôi hôm nay".
NGUYỄN TIẾN ĐẠT