Những cánh rừng kể trên đang bị đe dọa từng ngày khiến cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 phải ngày đêm ra sức bảo vệ rừng, quyết tâm giữ cho “lá phổi xanh” nơi vùng tứ giác Long Xuyên xanh mãi…

Bám chốt, luồn rừng

Buổi sáng, khi mặt trời còn nằm khuất dưới những vạt rừng phía xa, sương mù dày đặc báo hiệu một ngày nắng nóng khốc liệt, chúng tôi ngồi tắc ráng (phương tiện giao thông đường thủy, người miền Tây Nam Bộ gọi là vỏ lãi) chạy dọc theo dòng kênh T3 đoạn qua xã Vĩnh Phú (huyện Giang Thành), sau đó rẽ vào một nhánh kênh nhỏ để đi sâu vào chốt bảo vệ rừng số 6 của Trung đoàn 30, Sư đoàn 4.

Trên tắc ráng chở theo nhiều loại “tiếp phẩm” gồm: Nước uống, gạo, đường, nước mắm, dầu gội, bột giặt… đủ cho tiểu đội trong chốt sử dụng một tuần. Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Đức, phụ trách chốt phân trần: “Tình hình lúc này rất khó khăn, chúng tôi phải tận dụng cả nước bị nhiễm phèn nặng cho sinh hoạt hằng ngày. Bộ phận hậu cần của chốt cũng vất vả, mỗi lần đi chợ bổ sung lương thực đều vượt qua hàng chục cây số đường đất”.

Tại chốt số 6, thấy vắng người, hỏi ra mới biết các chiến sĩ đã tổ chức luồn rừng tuần tra, chỉ còn lại một chiến sĩ trực thông tin liên lạc, một chiến sĩ khác thì đang quan sát trên tháp canh rừng. Hai chiến sĩ “giữ nhà” này cũng luân phiên nhau, mỗi người làm nhiệm vụ 2 giờ; còn tổ tuần tra thì mang theo lương thực, luồn rừng từ sáng sớm đến cuối buổi chiều mới trở về, sau khi "chạm mặt" với tổ tuần tra của chốt khác.

Thượng tá Phan Văn Hậu, Chính ủy Trung đoàn 30 nói: “Chúng tôi gọi đây là tuần tra… giáp tay. Diện tích rừng do đơn vị quản lý rộng hơn 720ha, tất cả có 6 chốt trực được trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, bảo đảm khả năng hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra, đơn vị còn có lực lượng phòng, chống cháy rừng cơ động, sẵn sàng tăng cường cho các chốt khi có tình huống. Vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau), đơn vị duy trì trực 24/24 giờ; lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn cũng phải bám sát các chốt trực”.

Còn tại Trung đoàn 2 (Sư đoàn 4), đơn vị được giao quản lý gần 930ha rừng trên địa bàn huyện Hòn Đất, chúng tôi bám theo tổ tuần tra khởi hành lúc 14 giờ, luồn rừng đến hơn 19 giờ mới vào được chốt giữ rừng số 3 của đơn vị.

Rừng đêm mù mịt, muỗi bu nhột cả da người, dưới ánh điện được thắp sáng bằng bình ắc quy, gương mặt các chiến sĩ đều vui tươi, trìu mến. Cũng như bên chốt số 6 của Trung đoàn 30, các chiến sĩ chốt số 3 thuộc Trung đoàn 2 sống chung với cảnh “2 không” là không có nước ngọt và không có điện. Giới thiệu tên tuổi, quê quán của từng cán bộ, chiến sĩ trong chốt, Đại úy Thạch Thia, phụ trách chốt số 3 tâm sự: “Từ đầu tháng 3 đến nay, chúng tôi cảm nhận rõ rừng ngày càng khô hơn và lo lắng cho màu xanh của lá. Nhận thức tốt trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ trong chốt đều nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 30, Sư đoàn 4 kịp thời dập tắt đám cháy do đốt đồng, không để cháy lan vào rừng. 


Để người dân chung tay bảo vệ rừng

Ngoài việc chủ động, tích cực triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; phối hợp với lực lượng có liên quan trên địa bàn bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao, các đơn vị thuộc Sư đoàn 4 còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng.

Trung tá Huỳnh Văn Việt, Chính ủy Trung đoàn 2 cho biết: Một trong những nguyên nhân gây cháy rừng là nạn xâm nhập trái phép. Vì vậy, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân nơi vùng đệm của rừng nâng cao ý thức trong bảo vệ, phòng, chống cháy rừng. Thực tế những năm gần đây cho thấy người dân hợp tác rất tốt với đơn vị. Tình trạng vào rừng đốt ong lấy mật, hái nấm, chặt phá cây rừng giảm hẳn; việc đốt đồng, dọn cỏ sau thu hoạch lúa, họ cũng đều thông báo trước với đơn vị.

Trong chuyến công tác về xã Vĩnh Phú, nơi có phần lớn diện tích rừng của Trung đoàn 30, chúng tôi được ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: “Người dân địa phương rất cảm thông với nỗi khó khăn của những người lính giữ rừng. Về phía Hội Nông dân, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền thông qua Ban Chấp hành và các hội viên, để người dân nâng cao cảnh giác, thấy được tác hại của việc vào rừng săn bắt trái phép”. Ông Danh Ngọc (ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú) bộc bạch: “Bà con ở đây đều yêu mến bộ đội. Tuy suốt ngày lo bám chốt, giữ rừng vậy chứ nếu trong ấp có ai bị đau ốm thì kêu là bộ đội tới ngay. Mới hồi đầu năm 2016, cháu tôi bị bệnh nặng, bộ đội cho vỏ lãi đưa ra tận Bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu kịp thời”.

Chiến sĩ Trung đoàn 2 (Sư đoàn 4) dọn dẹp dây leo khô héo dưới chân rừng. 


Thượng tá Huỳnh Giang Nam, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 30 thông tin: Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, trung đoàn còn tích cực giúp người dân tăng gia, phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe… Có thể khẳng định việc xâm nhập vào rừng trái phép của người dân sống trên địa bàn đã không còn. Điều đáng quý là khi phát hiện có đối tượng sinh sống ở nơi khác vào rừng săn bắt, khai thác tài nguyên trái phép, người dân địa phương còn chủ động ngăn cản hoặc cấp báo với đơn vị.

Hiện nay, do nền nhiệt tăng cao, mực nước ở các dòng kênh trong những khu rừng do các đơn vị thuộc Sư đoàn 4 quản lý giảm từ 0,7-1,2m so với cùng thời điểm của năm 2015; dưới chân rừng thì hoàn toàn khô kiệt khiến một số khu vực đang ở cấp dự báo cháy cao đến nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình ấy, Sư đoàn 4 đã tăng cường lực lượng và phương tiện cho các chốt, trạm giữ rừng; chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ và bơm nước từ các dòng kênh chính vào kênh cấp phối trong rừng để giữ ẩm. Đại tá Trần Ngọc Diệp, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 cho biết: Sư đoàn đã cho kiểm tra rà soát, bổ sung xây dựng hoàn chỉnh các kế hoạch phòng, chống cháy rừng; điều chỉnh kế hoạch hiệp đồng trong sử dụng lực lượng, phương tiện, trang bị khi có tình huống cháy xảy ra với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả.

Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU