QĐND - Là một trong các trường phổ thông có tiếng ở Đông Dương khi xưa và Hà Nội hiện nay với lịch sử lâu đời hơn 1 thế kỷ, Trường Chu Văn An đã trở thành cái nôi đào tạo biết bao thế hệ trí thức, trong đó có những tên tuổi như: Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng...

Trường Trung học Bảo hộ xưa và Trường THPT Chu Văn An hiện nay. Ảnh tư liệu

 

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và bài viết cung cấp những thông tin có giá trị và rất đáng tham khảo về những ngày đầu thành lập Trường Chu Văn An. Tuy nhiên, để độc giả cũng như công chúng có thông tin đầy đủ hơn về các vấn đề như chương trình học, chế độ học bổng, tổ chức giảng dạy, đội ngũ giáo viên, nội quy... của Trường Chu Văn An trong lịch sử, nhất là những ngày đầu mới được thành lập, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xin bổ sung thêm một số tài liệu lưu trữ về Trường Chu Văn An. Đây là những tài liệu tiếng Pháp thuộc hồ sơ số 3813, phông Résidence de Hadong và hồ sơ số 201, phông Sở Học chính Bắc kỳ, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Trường Chu Văn An khi mới thành lập vào năm 1886 có tên là Trường Thông ngôn Hà Nội (Ecole d’Interprètes de Hanoi). Trường Thông ngôn khai giảng theo Nghị định ngày 24-2-1886 của Tổng trú sứ Trung Bắc lưỡng kỳ (Résident général de l’Annam et du Tonkin), địa điểm phố Giăng Đi-poanh. Thí sinh ghi tên thi tuyển phải có trình độ lớp nhất, và sau khi đỗ phải học 4 năm. Trong 4 năm đó, học sinh theo chương trình tương đương bậc Cao đẳng tiểu học (tức là trung học đệ nhất cấp). Giám đốc đầu tiên là ông Bê-xăng-công. Đến năm 1887, trường dời đến đình làng Yên Phụ, phía bắc Hà Nội.

Năm 1904, Trường Thông ngôn được đổi tên là Trường Thành chung Hà Nội (Ecole Complémentaire de Hanoi). Ngoài Ban Thông ngôn, trường còn mở thêm Ban Hành chính và Ban Sư phạm với thời gian 4 năm. Chương trình căn bản, ba ban giống nhau, ngoài ra, Ban Hành chính học thêm kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính; Ban Thông ngôn học thêm thông dịch Việt-Pháp, Pháp-Việt; Ban Sư phạm học thêm kỹ năng sư phạm và thực tập tại các trường tiểu học Hà Nội. Sau 4 năm, học sinh thi lấy bằng Thành chung và thi riêng các môn Hành chính, Thông dịch, Sư phạm.

Đến năm 1908, Toàn quyền ký ban hành Nghị định số 3526 ngày 9-12-1908 quyết định sáp nhập Trường Thông ngôn Hà Nội, Trường Sư phạm Hà Nội và Trường Trung học Jules Ferry Nam Định thành một trường học mang tên Trường Trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat). Trường được đặt tại Hà Nội và chỉ có duy nhất một hiệu trưởng. Trường Trung học Bảo hộ dạy 2 cấp. Cấp Petit Collège (Tiểu học) học 4 năm (từ lớp tư đến lớp nhất) để thi lấy bằng Tiểu học Pháp-Việt. Cấp Grand Collège (Cao đẳng tiểu học) học 5 năm. Trong 3 năm đầu, học trò học chương trình Cao đẳng tiểu học, đến năm thứ 4 và năm thứ 5 mới chia ra thành 4 ban: Sư phạm, Hành chính, Kỹ thuật và Thương mại. Kết thúc khóa học, học trò thi lấy bằng Thành chung và thi thêm các bài về môn đã chọn.

Trường Trung học Bảo hộ tiếp nhận cả học sinh nội trú và ngoại trú. Những thanh niên Đông Dương có bằng tiểu học Pháp-Việt được ở nội trú miễn phí tại Grand Collège.

Về chế độ học bổng, Nghị định quy định, có 80 suất học bổng nội trú được chia đều trong 5 năm học tại Grand Collège. Các suất học bổng này hằng tháng được trả bằng ngân phiếu để tiết kiệm cho trường. Ngoài ra, còn có 40 suất bán học bổng khác trị giá 4 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng. Những người được hưởng một nửa học bổng này có thể ở nội trú. Trong trường hợp này, họ sẽ phải nộp thêm phí nhà trọ. Nếu học sinh ở ngoại trú, học bổng sẽ được cấp bằng tiền mặt và được xem như tiền hỗ trợ học tập. Những suất học bổng và bán học bổng của chính quyền bảo hộ được cấp sau kỳ thi tuyển mà ở đó chỉ có thí sinh có bằng Pháp-Việt, độ tuổi từ 13 đến 16 (tính đến ngày 1 tháng 9 của năm mà họ dự thi). Một số suất học bổng và bán học bổng có thể do các nước Đông Dương, tỉnh và thành phố cấp. Học sinh hưởng học bổng được ở tại ký túc xá của Grand Collège và Petit Collège.

Tháng 4-1916, Hiệu trưởng Trường Bảo hộ Hà Nội ban hành quy định việc tổ chức giảng dạy, đội ngũ giáo viên và nhân viên cũng như nội quy của trường. Về tổ chức giảng dạy, Trường Bảo hộ được chia thành 2 cấp. Petit Collège (Tiểu học) kéo dài trong 4 năm tương đương với các lớp Dự bị, Sơ đẳng, Nhì và Nhất. Grand Collège (Cao đẳng tiểu học) cũng học trong 4 năm và các môn: Sư phạm, Hành chính, Kỹ thuật và Thương mại được bãi bỏ. Chương trình học của Petit Collège được đưa ra theo chương trình của các trường tiểu học Pháp-Việt với điều kiện phần dạy văn hóa Pháp do giáo viên người Pháp đảm nhiệm. Những học sinh không phải là người Việt được miễn học chữ Hán-Nôm theo yêu cầu. Học sinh nước ngoài cũng có thể được miễn học chữ Quốc ngữ. Họ chỉ tập trung vào môn chuyên ngành.

Học sinh người Việt học tại Trường Tiểu trung học phải có kiến thức về chữ Quốc ngữ và trải qua kỳ thi tuyển.

Đến nay, những tòa kiến trúc cũ của Trường Chu Văn An tuy có sửa sang lại nhưng về căn bản vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Nhiều lớp thày trò đã dạy và học tại đây, nhiều thế hệ đã đi qua, nhiều người đã khuất bóng. Các thế hệ tiếp nối nhau giữ vững truyền thống của một ngôi trường tiêu biểu bên bờ Hồ Tây của thủ đô Hà Nội.

HỒNG NHUNG và HOÀNG HẰNG