QĐND - Tính đến nay, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã có tới 7 người bị truy tố theo Đạo luật gián điệp năm 1917. Họ cùng bị quy vào tội danh tương tự nhau: Tiết lộ thông tin mật cho giới truyền thông…
Ét-uốt Xnâu-đơn (ảnh 1)
Ở phương diện một cá nhân, Ét-uốt Xnâu-đơn là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian gần đây. Thậm chí, Ét-uốt còn là nguồn cơn khiến quan hệ Nga - Mỹ suýt rơi vào khủng hoảng.
Do làm việc cho một nhà thầu của Cơ quan An ninh quốc gia NSA, Ét-uốt Xnâu-đơn nắm được khá nhiều thông tin về chương trình giám sát tối mật của NSA. Xnâu-đơn đã cung cấp cho các tờ báo: Washington Post và The Guardian một loạt các tài liệu chi tiết về việc NSA theo dõi internet và liên lạc điện thoại. “Kẻ phản bội nước Mỹ” đã trốn sang Hồng Công (Trung Quốc). Mỹ lập tức yêu cầu chính quyền Hồng Công dẫn độ Xnâu-đơn về nước.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 7-2013, Xnâu-đơn đã kịp bay sang Nga và nhận được giấy tị nạn do Cơ quan Di trú Liên bang Nga cung cấp. Giấy tị nạn này cho phép anh được sinh sống, làm việc và đi lại trên lãnh thổ Nga trong vòng một năm và có thể được gia hạn từng năm một. Xnâu-đơn có thể sẽ không rời nước Nga và anh đang học tiếng Nga cũng như nghiên cứu văn hóa Nga.
Xnâu-đơn bị Mỹ truy tố với các tội danh gián điệp vì đã tiết lộ những thông tin mật về chương trình do thám toàn cầu của NSA. Nhà Trắng đã bày tỏ sự giận dữ sau khi Nga cho phép Xnâu-đơn tị nạn tạm thời. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chắc Xu-mơ tuyên bố, quyết định của Nga là một “cú đâm sau lưng” đối với nước Mỹ. Trong khi, cựu ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Giôn Mắc-kên thì gọi động thái của Nga là “cái tát vào mặt người Mỹ”.
Thô-mát Đrếch (ảnh 2)
Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, NSA bắt đầu thực hiện một chương trình giám sát bí mật nhằm tránh những vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra trong tương lai. Dự án này mang tên Trailblazer cho phép NSA có thể thu thập những dữ liệu được chia sẻ từ điện thoại di động và hộp thư điện tử. Một ủy viên quản trị cấp cao của NSA, Thô-mát Đrếch cho rằng, chương trình này không hợp pháp và không cần thiết. Ông đã cung cấp những tài liệu mật cho phóng viên Xi-ô-han Go-man của tờ Baltimore Sun năm 2006.
Năm 2010, Thô-mát Đrếch đã bị truy tố với bị cáo buộc tội lưu giữ tài liệu mật với mục đích cung cấp cho tờ Baltimore Sun. Bị đối mặt với án 35 năm tù nhưng cuối cùng Đrếch chỉ bị kết tội “vượt quá thẩm quyền sử dụng máy tính”. Nguyên nhân, Đrếch đã chứng minh được rằng, NSA đã sai lầm trong việc lựa chọn một nhóm các nhà thầu bên ngoài để phát triển một chương trình khai thác dữ liệu vốn đã được Uy-li-am Bin-nây (nhà phân tích của NSA) phát triển với giá rẻ hơn và hiệu quả hơn. Đrếch cũng cho rằng, NSA đã tước bỏ phần bảo vệ sự riêng tư trong chương trình này. Cuối cùng, ông đã đạt được một thỏa thuận với các công tố viên và chỉ bị trừng phạt một cách nhẹ nhàng. Hiện Đrếch đang làm nhân viên bán lẻ trong một cửa hàng Apple ở ngoại ô Ma-ri-len. Ông cũng thỉnh thoảng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để thảo luận những vấn đề an ninh quốc gia.
Xa-mai Lê-bô-uýt (ảnh 3)
Năm 2010, Xa-mai K. Lê-bô-uýt, một nhân viên biên dịch của FBI, bị xử 20 tháng tù giam vì tội tiết lộ thông tin mật cho một blogger.
Theo cáo trạng, Lê-bô-uýt đã cung cấp bản dịch các cuộc trò chuyện của các quan chức tại Đại sứ quán I-xra-en tại Oa-sinh-tơn do FBI ghi trộm cho một blogger tên là Ri-chát Xin-vơ-xtên. Những đối tượng bị ghi lén trong cuốn băng này là những người Mỹ ủng hộ I-xra-en. Động cơ khiến Lê-bô-uýt tiết lộ những tài liệu này vì sợ rằng I-xra-en sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân ở I-ran, một hành động mà ông là cho là thảm họa.
Chính phủ Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành những cuộc nghe trộm đối với các đại sứ quán đặt trên đất Mỹ, song hoạt động thu thập tình báo chống lại các đồng minh, đặc biệt là đồng minh thân cận như I-xra-en thì lại luôn là vấn đề chính trị nhạy cảm. Tuy nhiên, trên thực tế, những hoạt động tình báo của I-xra-en ở Mỹ được triển khai trên phạm vi khá rộng và từ lâu các nhân viên chống tình báo của FBI đã phải để mắt đến hoạt động gián điệp của I-xra-en.
Xtê-phen Jin-Woo Kim (ảnh 4)
Năm 2010, Xtê-phen Jin-Woo Kim, một nhà phân tích thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, đã bị cáo buộc tội là nguồn cung cấp các thông tin tình báo mật gồm các báo cáo về việc CHDCND Triều Tiên có khả năng thử nghiệm thêm vũ khí hạt nhân cho Giêm Rô-xen, một phóng viên của Fox News. Tuy nhiên, Xtê-phen vẫn chưa nhận tội và cuộc xét xử ông đang tiếp diễn.
Liên quan đến vụ Xtê-phen, Phó chủ tịch Fox News, ông Mai-cơn Clê-men bày tỏ thái độ không đồng tình khi Giêm Rô-xen bị coi là tội phạm chỉ vì hoàn thành công việc của mình với tư cách là nhà báo và cho biết sẽ hết sức bảo vệ quyền lợi của Rô-xen. Ông Clê-men cũng lên án hoạt động điều tra của FBI và cho rằng cơ quan này đã xâm phạm đến “nơi mà từ trước tới nay báo chí luôn được tự do”. Trước đó, ngày 13-5-2013, hãng tin AP cũng tố cáo FBI đã nghe lén 20 đường dây điện thoại các phóng viên của mình vào tháng 4 và tháng 5-2012.
Quyền tự do báo chí tại Mỹ luôn được đảm bảo do Bộ Tư pháp Mỹ áp dụng các quy định chặt chẽ nhằm giới hạn việc theo dõi điện thoại và thư từ của giới phóng viên, nhà báo trong nước, nhưng một khi bị nghi ngờ vi phạm pháp luật những quy tắc bảo vệ này sẽ không còn được áp dụng.
Brát-li Man-ning (ảnh 5)
Bị bắt ở I-rắc tháng 5-2010, Binh nhì Man-ning không hề phủ nhận vai trò của mình trong vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ. Man-ning bắt đầu hợp tác với WikiLeaks vào tháng 1-2010 do chứng kiến cảnh binh sĩ Mỹ ăn mừng sau vụ nổ bom ngày 24-12-2009 khiến nhiều người trong một gia đình vô tội người I-rắc thiệt mạng.
Trong suốt quá trình “phạm tội”, Man-ning đã cung cấp tổng cộng 700.000 tài liệu mật cho WikiLeaks về việc binh sĩ Mỹ đã thực hiện những hành vi khủng khiếp, tra tấn tù nhân I-rắc, về các vụ buôn bán trẻ em... Vì thế, không ít người Mỹ đã lên tiếng ủng hộ anh. Thậm chí, Man-ning còn có tên trong danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2012.
Vụ án xét xử Brát-li Man-ning chưa kết thúc nhưng việc anh bị đám cai ngục quân đội đối xử khắc nghiệt, bị giam giữ khá lâu trong phòng biệt giam đã khiến cho các nhà hoạt động nhân quyền lên án chính quyền Ô-ba-ma.
Hành động của Man-ning khiến người ta băn khoăn rằng, đó là việc “rò rỉ dữ liệu bí mật quân sự lớn nhất” để sự trả thù những kẻ đã bắt nạt anh trong quân ngũ hay thực sự là thông báo cho công chúng mảng tối của chính phủ Mỹ?
Giép-phrây Xtơ-ling (ảnh 6)
Ngày 6-1-2011, cựu sĩ quan CIA Giép-phrây Xtơ-ling bị tạm giam. Giép-phrây bị Tòa án Đông Vơ-ghi-ni-a buộc 10 tội liên quan đến phản quốc do đã cung cấp những thông tin được xếp loại bí mật quốc gia cho báo chí sau khi đã bị CIA sa thải. Tuy nhiên, đến nay, Xtơ-ling vẫn không nhận tội.
Giép-phrây Xtơ-ling làm việc cho CIA từ năm 1993 đến 2002 và đã qua một số năm theo dõi khả năng vũ khí của I-ran. Vì thế, ông được xem một số phúc trình mật và làm việc với một người đưa tin. Theo Bộ Tư pháp, Xtơ-ling bắt đầu chia sẻ thông tin về những phúc trình và người cung cấp tin sau khi ông thua một vụ kiện về kỳ thị chủng tộc và bị cấm không được xuất bản hồi ký. Cáo trạng không nêu tên phóng viên, nhưng một vài nguồn tin cho biết đó là nhà báo Giêm Ri-xen của tờ New York Times, người vào năm 2006 đã xuất bản một cuốn sách “Nhà nước chiến tranh: Lịch sử bí ẩn của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và chính quyền Bu-sơ”. Giêm đã phải ra tòa làm chứng về vụ án liên quan đến cuốn sách. Theo kết luận điều tra, những thông tin mà ông có được là nhờ những tiết lộ của cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ Giép-phrây Xtơ-ling.
Giôn Ki-ri-a-ku (ảnh 7)
Cựu điệp viên CIA Giôn Ki-ri-a-ku, người từng làm việc cho CIA 14 năm và là chuyên gia chống khủng bố, đã bị tuyên 30 tháng tù vì tiết lộ danh tính một điệp viên ngầm cho một phóng viên tự do. Theo The New York Times, vụ việc đánh dấu lần đầu tiên một nhân viên CIA phải lĩnh án tù vì lộ thông tin mật cho truyền thông. Vụ án này cũng là một phần của cuộc chiến chống rò rỉ bí mật chưa từng có do chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thực hiện.
Là một người thẳng thắn phản đối thủ đoạn thẩm vấn của CIA, Giôn Ki-ri-a-ku đã lên truyền hình năm 2007 và mô tả chi tiết các phương pháp được sử dụng để thẩm vấn A-bu Giu-bay-đa, một thành viên của Al-Qaeda hiện đang bị giam giữ tại Goa-ta-na-mô.
Trần Vân Trì (tổng hợp)