QĐND Online- Ngày 15-4-1948, trên địa bàn Láng Le-Bàu Cò (thuộc Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn cũ), nay thuộc Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã diễn ra một trận chiến đấu chống lại quân Pháp. Đây được coi là một trong những trận chiến thắng mở đầu chống càn quét lớn của quân và dân ta. Báo QĐND Online xin giới thiệu lại vài nét về trận đánh qua ký ức của Đại tá, CCB Đặng Văn Thượng, nguyên Chính ủy Tỉnh đội Tây Ninh, nguyên Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh….
Ngay thế kỷ 19, đây là địa bàn hoạt động của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định và các lực lượng kháng chiến khác. Những năm 1931-1945, Trung Huyện là địa bàn hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ, ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Công an Nam Bộ, Quân khu 7. Đặc biệt, khu vực cạnh sông Chợ Đệm, thuộc ấp 4, xã Tân Kiên chính là nơi được Xứ ủy Nam Kỳ họp quyết định cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25-8-1945.
Trung Huyện có vai trò quan trọng nên trên chiến trường này, giặc Pháp nhiều lần tổ chức càn, vây giáp nhằm hình thành thế bao vây, tấn công dồn quân ta vào giữa cánh đồng Láng Le-Bàu Cò hòng tiêu diệt.
Để thực hiện ý đồ đó, lần đầu tiên, trên chiên trường Chợ Lớn-Trung Huyện, Pháp tổ chức hợp đồng binh chủng, sử dụng trên 3000 tên lính Âu Phi và lính ngụy tham chiến. Máy bay trinh sát, phi cơ chiến đấu (4 chiếc và 12 tàu chiến từ hai hướng: qua Lương Hòa vào kênh Lý Văn Mạnh và Bến Lức vào. Xe bọc thép, pháo 75 ly, súng cối…qua đường tỉnh lộ hướng Tân Tạo để khép chặt cuộc vây càn.
Trong trận chiến đấu chống càn lớn này, chúng ta cũng hy sinh 105 chiến sĩ và nhân dân, hơn 50 người khác bị thương nhưng đây là một trận chiến thắng có ý nghĩa rất lớn. |
|
Lúc này, lực lượng ta gồm các Ban công tác thành, dân quân, du kích xã và huyện Trung Huyện, cơ quan Ủy ban Kháng chiến Chợ Lớn…thường từ đây chỉ đạo, tuyên truyền, cổ động nhân dân thành phố đấu tranh chính trị, ủng hộ kháng chiến và tổ chức lực lượng đánh phá các đồn bốt, kho tàng, gây bất ổn cho cơ quan đầu não địch.
Thực tế, lực lượng của ta lúc đó đông hơn nguồn tin địch nắm được. Đêm 14-4-1948, Chi đội 15 có 4 đại đội bộ binh, một đại đội công binh, trung đội trinh sát và cơ quan chỉ huy tiền phương; Chi đội 12 có 2 đại đội, Chi đội 145 có 2 đại đội và Chi đội 14 sau khi tấn công vào khu kho lương thực, cầu Bến Lức đã trở về đứng chân ở các xã lân cận.
Sáng 15-4, khi nhân dân đang đón tiếp, giúp bộ đội ăn sáng thì phát hiện xe lội nước, xe chở quân lính từ tỉnh lộ 10 và các kinh xáng (có tàu chiến) tiến vào. Khoảng 7 giờ sáng, một chiếc đầm già lượn trinh sát vùng Láng Le-Bàu Cò và khu Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt, Gò Xoài, Lý Văn Mạnh. Kế đến, xe lội nước gầm rú và tiếng pháo, súng cối bắn vào khu dân cư và trận địa của ta. Cả bốn bề đặc kín qân địch.
Tuy đã chiến đấu trong thành phố suốt đêm 14-4, chưa kịp giải quyết thương binh, chưa kịp bổ sung đạn dược, sức khỏe có ảnh hưởng nhưng được nằm trong sự che chở của nhân dân, được nhân dân theo sát, động viên cùng chiến đấu bằng gậy gộc. giáo mác nên khí thế được giữ vững. Ta chặn đánh quyết liệt, gây thương vong và hạn chế sức tấn công của quân địch trên từng cánh quân.
Phía địch, mặc dù có kế hoạch chủ động tấn công, tổ chức hiệp đồng binh chủng nhưng tinh thần chiến đấu không mạnh, tàu chiến không vượt qua được hai cản ở Thầy Mười và Chành lúa. Xe lội nước bị đưng bàng, sậy cuốn và bị trúng mìn 4 xe, pháo binh bắn có hạn nên không chi viện hiệu quả cho bộ binh. Trong khi đó, phần lớn quân lính Âu Phi, lê dương không quen đánh trận trong điều kiện sình lầy, bưng chấp, nhiều kinh rạch , càng về chiều nắng nhọc, bị thương vong nhiều, quân số giảm, tinh thần xuống rõ ràng, đợi xin chi viện nên sức tiến công rời rạc.
Ngược lại, quân và dân ta chiến đấu chặt chẽ, kiên cường bảo vệ nhau nên tạo được thế có lợi. Vừa chiến đấu bảo vệ thương binh, bảo vệ nhân dân, ta vừa tổ chức lại lực lượng. Sau đó, trinh sát và du kích bò ra đốt vài chục đống rơm, chòi ruộng của dân gây áp lực tinh thần với địch đồng thời nổ súng tiến công quyết liệt vào hướng chính của quân địch.
Bị đánh trả quá quyết liệt nên hướng chính của địch bị tan võ, các cánh quân khác hoang mang rút chạy. Kết quả của trận Láng Le-Bàu Cò, ta tiêu diệt trên 300 lính Âu Phi, bắt sống 10 tên Lê dương và 20 tên lính ngụy; bắn hạ một chiếc đầm già, bắn cháy 6 xe lội nước, thu 200 khẩu súng….
Trong trận chiến đấu chống càn lớn này, chúng ta cũng hy sinh 105 chiến sĩ và nhân dân, hơn 50 người khác bị thương nhưng đấy là một trận chiến thắng có ý nghĩa rất lớn. Một chiến thắng lịch sử mở đầu chống càn quét lớn và kinh nghiệm chuyển thừ thế bị động sang chủ động để động viên sức mạnh tổng hợp của quân và dân giành chiến thắng…
CCB Đặng Văn Thượng
(nguyên Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh 1976-1986)