Xếp lại những trang giáo án, tạm biệt Trường Hàng hải Việt Nam (nay là Trường Đại học Hàng hải), với lá đơn được viết bằng máu, thầy Khảm được điều động về làm thợ máy trên những con tàu không số huyền thoại, tham gia vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đoàn tàu không số khi đó có mật danh là Đoàn 759, nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân.

Cuối năm 1966, trong chuyến đi thứ 3 của mình, thợ máy Lê Xuân Khảm trong đội hình tàu số 69, làm nhiệm vụ đưa vũ khí vào Khu 9 (Cà Mau). Tàu 69 khi đó cải dạng là tàu nghiên cứu khoa học biển của nước ngoài, trên tàu được “trang bị các loại máy móc, thiết bị rất hiện đại” nhưng thực tế chỉ có một máy chính và một số dụng cụ hàng hải thô sơ để qua mắt địch. Vượt qua mấy nghìn hải lý trong sóng gió, tàu 69 đã cập bến an toàn. Giao hàng xong, tàu quay ra gần đến Côn Đảo thì địch phát hiện và tấn công. Trận đánh không cân sức giữa tàu chiến hiện đại của Mỹ với tàu không số thô sơ, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh chứ nhất quyết không để tàu rơi vào tay địch.

leftcenterrightdel
Ông Lê Xuân Khảm cùng vợ sống tại Hải Phòng. 

Ông Khảm nhớ lại: “Sau mấy ngày đêm quần nhau với địch, người bị thương thay thế vị trí người hy sinh, đêm 1-1-1967, tàu 69 rút vào được cửa sông Vàm Lũng (Cà Mau), thoát khỏi vòng vây của địch. Anh em trên tàu hy sinh và mất tích gần hết, con tàu bị hư hỏng nặng, không đủ sức quay về khiến lòng tôi quặn thắt...”.

Trải qua trận chiến đấu với nhiều mất mát, những vết thương trên cơ thể dần lành lại, ông Lê Xuân Khảm cùng đồng đội còn lại của tàu 69 gia nhập đơn vị Quân giải phóng, tham gia chiến đấu trên chiến trường U Minh. Điều kiện chiến tranh khốc liệt, thông tin liên lạc đứt đoạn, nên ông Khảm cũng “bặt vô âm tín” với đơn vị cũ và gia đình từ đó. Ai cũng tin rằng ông và đồng đội đã hy sinh cùng con tàu 69. Đơn vị làm lễ truy điệu và gửi tư trang về gia đình. Người cha già run run lần giở chiếc ba lô của con trai, nước mắt ông lặng lẽ rơi xuống chiếc áo bộ đội bạc màu vì nghĩ rằng con trai ông không còn nữa.

Nhưng thật bất ngờ, chiều thu năm 1976, ông Khảm đột ngột trở về. “Mẹ tôi cứ sờ nắn những vết thương chằng chịt trên cơ thể tôi mà khóc. Mẹ tôi khóc vì xúc động, vì hạnh phúc trước sự trở về thần kỳ của tôi; càng tự hào hơn khi biết tôi là Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng. Mẹ tôi đã về với tiên tổ từ lâu nhưng tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt của mẹ ngày ấy...”, ông Khảm bồi hồi nhớ lại.

Gần 20 năm công tác trong Quân đội, lăn lộn khắp các chiến trường với bao lần vào sinh, ra tử, Thiếu tá Lê Xuân Khảm trở về với Trường Đại học Hàng hải thân yêu cho tới ngày ông được nghỉ hưu. Hiện ông đang sinh sống an vui cùng gia đình tại thành phố Hải Phòng.

Bài và ảnh: CHU ANH

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.