Từ chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”

Trao đổi với chúng tôi về chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5, cho biết: "Ngay từ bước đầu triển khai, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu đã yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, các cơ quan, đơn vị cử cán bộ tích cực, chủ động bám sát cơ sở; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình đời sống của từng hộ dân trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân từng hộ đói, hộ nghèo; nhu cầu, khả năng, nguyện vọng tham gia các mô hình; xây dựng nội dung, cách thức giúp đỡ nhân dân thoát đói nghèo một cách vững chắc".

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 142, Sư đoàn 315 giúp nhân dân xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, (Quảng Nam) nạo vét kênh mương (Ảnh: VĂN TUÂN).

Quá trình triển khai thực hiện chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 5 đã vận dụng nhiều cách làm hiệu quả, có tính khả thi cao. Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa giúp hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh trồng 12.000 cây chuối, hơn 10.000 cây mít nghệ cao sản. Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 737 hỗ trợ giống, hướng dẫn bà con huyện Ea Súp (Đắc Lắc) nuôi bò giống và thỏ. Bộ CHQS tỉnh Phú Yên giúp nhân dân xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu củng cố hệ thống truyền thanh công cộng, đầu tư xây dựng phòng khám bệnh, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cục Kỹ thuật quân khu đầu tư 5,9 tỷ đồng xây dựng con đường nhựa dài hơn 3km tạo điều kiện cho bà con mở rộng giao thương, buôn bán. Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam vận động các nguồn lực xây nhà tình nghĩa tặng gia đình nghèo. Mô hình “Hũ gạo vì người nghèo” tiết kiệm từ bữa ăn hằng ngày của Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông đã thu được gần 70 tấn gạo, kịp thời hỗ trợ bà con nơi đóng quân khi gặp thiên tai, hoạn nạn...

Để tìm hiểu sâu về các mô hình thực hiện chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, chúng tôi đến trang trại của gia đình anh A Lăng Ghim ở thôn Pa Lan, xã La Êê, huyện Nam Giang (Quảng Nam). Ngay từ sáng sớm, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Trung, trợ lý kỹ thuật nông lâm, Đoàn KT-QP 207 đã cùng một số trí thức trẻ tình nguyện tiến hành hướng dẫn anh A Lăng Ghim kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh; cách chăm sóc cây cam, cây chanh... Nhìn những cành cam, cành chanh trĩu quả, anh A Lăng Ghim vui lắm. Trước đây, gia đình anh chỉ biết nay rẫy này, mai nương khác, an phận với cuộc sống du canh du cư, làm lụng quanh năm mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Vậy mà giờ đây, ngay trên khu vườn ngày trước chỉ toàn cỏ dại, đã có gần 100 cây cam, cây chanh sắp cho vụ mùa bội thu... 

Từ việc thực hiện chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu 5 đã huy động hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ xóa hơn 500 hộ đói nghèo trên địa bàn. 36/36 đầu mối trực thuộc quân khu giúp 3.278 hộ (986 hộ đói, 2.292 hộ nghèo), trong đó có 763 hộ hoàn vốn và làm ăn có lãi, 1.842 hộ thoát nghèo bền vững, giúp nhiều xã giảm được tỷ lệ và hoàn thành tiêu chí giảm nghèo.

 Cán bộ Đội sản xuất Nông lâm 3 (Đoàn KT-QP 737) hướng dẫn người dân xã Ia RVê, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) chăm nuôi bò giống (Ảnh: VIỆT HÙNG).

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 còn thực hiện tốt Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; giúp đỡ các địa phương vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa củng cố hệ thống chính trị cơ sở, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Với phương châm “khoán gọn địa bàn, gắn rõ trách nhiệm trong việc giúp dân”, những năm qua, bộ CHQS các  tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông... đã triển khai toàn diện, hướng trọng tâm đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng... có nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ được thực hiện bằng cách chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các hộ đói nghèo tái định cư, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; kết hợp vừa tuyên truyền vừa “cầm tay chỉ việc”, “4 bám, 4 cùng” với đồng bào. Còn ở địa bàn trung tâm huyện (thị xã, thành phố), ven biển, các đơn vị giúp dân về vốn (của đơn vị hoặc giới thiệu ngân hàng vay vốn tín chấp) để buôn bán nhỏ, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phương tiện cho ngư dân bám biển, vươn khơi, nâng cao năng lực đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản... Bằng cách làm sáng tạo, trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân; xây dựng 2.343 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công, hộ nghèo... Theo Đại tá Trần Kim Quyền, Trưởng phòng Dân vận (Cục Chính trị, Quân khu 5), bài học kinh nghiệm của quân khu là nhân rộng những mô hình điểm và mở rộng địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn. Các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền khảo sát, nắm bắt nhu cầu cấp thiết của địa phương và xác định nội dung, biện pháp tổ chức hỗ trợ. Để từng bước giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa thay đổi nhận thức, tập tục canh tác, các đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ đến từng thôn, buôn nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, trên cơ sở đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền có biện pháp tháo gỡ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ nguyên nhân của sự đói nghèo, lạc hậu; tự giác từ bỏ dần các hủ tục mê tín dị đoan, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Điều đáng ghi nhận là các mô hình, điển hình do Quân khu 5 khởi xướng có sức lan tỏa sâu rộng, được cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng, không để tình trạng “bộ đội đến thì phong trào lên, bộ đội đi thì phong trào xuống”. Có thể kể đến các mô hình: “Nuôi bò nhóm hộ, tặng vật nuôi” của Đoàn KT-QP 207 được hội phụ nữ các huyện Nam Giang và Tây Giang (Quảng Nam) nhân rộng; mô hình “hũ gạo vì người nghèo”, “trao sinh kế” được các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận... vận dụng hiệu quả, tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia với tính xã hội hóa cao.

TÙNG LÂM