Liệt sĩ Trần Đình Khang – tác giả cuốn nhật ký có nhiều đoạn viết về Nguyễn Viết Xuân

Đã 45 năm ngày hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, có những câu chuyện về người anh hùng này bây giờ mới được kể lại qua dòng nhật ký và ký ức của đồng đội từng một thời cùng anh vào sinh ra tử.

Trong nhật ký đồng đội

Một lần đến Bảo tàng Phòng không - Không quân, tôi được Thượng tá Nguyễn Hữu Đạc - Giám đốc Bảo tàng cho xem quyển nhật ký của liệt sĩ Trần Đình Khang, quê ở xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là chiến sĩ đại đội do Nguyễn Viết Xuân làm Chính trị viên phó. Quyển nhật ký nhiều chỗ bị nhòe hoặc bị mục nát ở các góc, nhưng về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn nội dung. Ông Đinh Quang Huy (em rể của Trần Đình Khang) kể: Năm 1982, khi thu dọn đồ đạc để chuyển nhà từ Hà Tĩnh vào vùng kinh tế mới Kon Tum, ông phát hiện ra cuốn nhật ký. Cuối năm 2008, ông Huy đã vượt chặng đường 1.200 cây số ra Hà Nội trao lại kỷ vật này cho Bảo tàng. Trong quyển nhật ký, có rất nhiều đoạn nói về Anh hùng Nguyễn Viết Xuân.

 Nhật ký ngày 21-3-1964 ghi: Về đơn vị chính thức Đại đội 833 do đồng chí Lê Hữu Mai làm Đại đội trưởng, đồng chí Hồ Xuân Tân làm Chính trị viên trưởng, đồng chí Nguyễn Viết Xuân làm Chính trị viên phó.

Ngày 18-11-1964, chứng kiến người Chính trị viên của mình bị bom đạn Mỹ giết hại, nén đau thương, đêm đó anh vẫn ghi vài dòng vào sổ nhật ký của mình: Hồi 11 giờ ngày 18 tháng 11 năm 1964 giặc Mỹ đã cho máy bay đi bắn phá người dân lương thiện, chúng ta bắt đầu chiến đấu với nó. Ta chiến thắng, giặc Mỹ thua. 3 chiếc máy bay phải đền tội rơi cạnh trận địa. Trận thứ 3, hồi 2 giờ 5 phút chiều, viên đạn 20 ly đã nổ, làm cho đồng chí Nguyễn Viết Xuân giập nát đôi chân. Tôi, Tình, Xuân ngồi trong một hầm mà chỉ đồng chí Xuân bị hy sinh. Khi ấy chúng tôi rất thương, quyết trả thù cho đồng chí, nghe những lời Xuân nói: “Nhằm thẳng vào quân thù mà bắn!!!” thúc giục lòng căm thù càng cao.

Ngày 7 tháng 4 năm 1966, Khang viết tiếp: Tối họp chi bộ lần thứ 20, có đồng chí Pháo - cấp bậc thiếu tá ở Tổng cục Chính trị về để phát hiện Anh hùng quân đội, đồng chí về làm việc với chi bộ để đề nghị Đảng và Chính phủ tuyên dương anh hùng cho đồng chí Nguyễn Viết Xuân, anh đã giương cao ngọn cờ của Đảng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho Đảng mình, hy sinh cũng vinh dự. Đã biết bao nhiêu đồng chí đã hy sinh tô thắm cho ngọn cờ của Đảng như anh. Tiếp đến là mấy câu thơ: Nhìn lên ngọn núi Hoàng Sơn/ Nhớ người cách mạng nhớ ai năm nào/ Anh Xuân đã mất đi rồi/ Hồn anh vẫn ở trong lòng chúng tôi...

Sau này, chuẩn bị cho chi bộ kết nạp Đảng, Khang đã bày tỏ những suy nghĩ rất thật của mình trước Đảng: Tháng 2 năm 1964 vào bộ đội, bước đầu còn suy nghĩ ngại khó khăn gian khổ, tư tưởng không an tâm, còn suy tính tiền đồ địa vị, lương bổng... Nhưng sau khi được sự bồi dưỡng giúp đỡ của chi bộ, đảng viên, chiến sĩ, một thời gian tôi đã xác định được nhiệm vụ của mình… Lần đầu tiên giáp mặt với phản lực Mỹ, bản thân lúng túng lo sợ khi đồng chí Xuân bị đứt chân chảy máu ra nhiều quá. Bản thân tôi lúc đó đã sợ hãi, hoang mang...

Có một Nguyễn Viết Xuân như thế

Thiếu tướng Phan Thái, nguyên là Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 396, Trung đoàn 367 nhớ lại những kỷ niệm về Nguyễn Viết Xuân: Sau khi nghe nói trong số chiến sĩ được điều về Tiểu đoàn có người quê ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc, tôi có ý định tìm gặp để hỏi về tình hình quê nhà, vì tôi xa nhà đã lâu. Nghiên cứu hồ sơ lý lịch, tôi thấy Xuân ở Ngũ Kiên, một xã liền kề với xã Tuân Chính quê tôi. Đồng chí Chu Duy Kính-Chính trị viên Đại đội 382, có nhận xét rất tốt về Xuân và ý định đưa Xuân vào diện cảm tình Đảng. Lần đầu gặp tôi, Xuân rất rụt rè và ít nói, hỏi đến đâu nói đến đó. Xuân cho biết: Quê hương vẫn rất kiên cường và đứng vững. Sau vài lần gặp, Xuân mạnh dạn và cởi mở hơn.

Trang nhật ký của Trần Đình Khang viết về Nguyễn Viết Xuân

Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, tôi về làm cán bộ tác huấn Trung đoàn 367 nên ít có điều kiện gặp Xuân, nhưng lại được biết qua các trận chiến đấu trực tiếp với không quân địch ở Cò Nòi, Lũng Lô. Xuân chiến đấu rất dũng cảm và được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa đưới chân đèo Bản Ban. Tôi thấy mừng cho Xuân và thật tự hào vì đã có người đồng hương như thế.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, trên đường hành quân về, tôi gặp Xuân ở trận địa đèo Lũng Lô. Anh đang trực chiến đấu bảo vệ cho đoàn quân chiến thắng hành quân trở về. Trông Xuân qua mấy tháng chiến đấu đã rắn rỏi và trưởng thành lên rất nhiều, không còn rụt rè, bẽn lẽn như hồi trước nữa, Xuân đã trở thành anh bộ đội chững chạc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 396 hành quân về Gia Lâm bảo vệ Hà Nội rồi được điều vào Quảng Bình trong đội hình của Sư đoàn 325 và Nguyễn Viết Xuân được lựa chọn đi học chính trị viên. Còn tôi được cử đi đào tạo hai năm sau đó về làm chủ nhiệm Binh chủng ra đa Phòng không. Biết Nguyễn Viết Xuân mới hy sinh trong trận chiến đấu ngày 18-11-1964 nên tôi xuống ngay Đại đội 833. Gặp đồng chí Lê Hữu Mai, Đại đội trưởng 833 kể lại: Đại đội 833 bị thiệt hại nặng nề, một khẩu đội bị bom vùi lấp, Xuân trong bom đạn mịt mù đã lao xuống các khẩu đội pháo để khôi phục lại sức chiến đấu, khi quay về Sở chỉ huy, Xuân đã bị trọng thương khá nặng. Tuy nhiên, Xuân vẫn ngẩng cao đầu, đứng trên nóc Sở chỉ huy và động viên: “Các đồng chí ngẩng cao đầu lên, nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Lúc đó, anh lại bị một loạt đạn 20 ly bắn gãy chân phải, máu chảy ướt đẫm ống quần. Xuân đã lả đi và ngã xuống trong cánh tay của đồng đội. Nhưng sau lời hô của Nguyễn Viết Xuân, cả đại đội lại tiếp tục bắn trả mãnh liệt những đợt công kích của máy bay địch trong khói đạn mịt mù...

NGUYỄN THÀNH TRUNG