QĐND Online – “Không nỡ xa bạn bè, những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử nơi mảnh đất mà “núi được pha bằng máu” và  đất thì “năm, sáu lớp xương người”, nên sau giải phóng chúng tôi đã quay lại mảnh đất này để ngày ngày được chăm sóc, trò chuyện với linh hồn của những người đồng chí đã ra đi vì sự nghiệp giải phóng nước nhà”, đó là lý do mà những người cựu tù binh năm nào dành tình cảm cho mảnh đất Côn Đảo một thời đau thương.

Mỗi tảng đá là một trời đau khổ

Vừa đi vừa khe khẽ hát khúc hát “Côn Lôn trường hận”, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé tên Dương Thị Vinh (tức Sáu Vinh) đang đi thăm những người đồng đội, người chị em đã nằm lại mãi mãi nơi nghĩa trang Hàng Dương. Mỗi lần thăm là mỗi lần nhớ, nhớ những tháng ngày khi mỗi mảng tường, tấc đất nơi đây đều tanh nồng mùi máu, chị em cùng đồng cam cộng khổ, đấu tranh cho sự sống cũng như bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cộng sản.

Dù những năm tháng chiến tranh đã lùi xa, bà Sáu Vinh có thể quên nhiều thứ nhưng 14 năm bị đày đọa ở các nhà tù (trong đó có 6 năm ở nhà tù Côn Đảo) thì có lẽ bà sẽ mang theo suốt cuộc đời mình. Từ mảnh đất Phổ Cường, Quảng Ngãi, bà tham gia hoạt động trong một tổ chức bí mật ở đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Do bị chỉ điểm, bà đã bị giặc bắt. 8 năm ở các nhà lao đất Sài Gòn không làm lung lay nổi ý chí của người phụ nữ kiên cường, năm 1969, địch đã đầy bà ra “chuồng cọp” Côn Đảo.

Bác Sáu Vinh ngày ngày đi “thăm hỏi” những chị em của mình

 

Những vết thương da thịt ngày nào đến nay vẫn hành hạ bà bởi những năm tháng tuổi trẻ bà đã nếm trải không biết bao nhiêu những đòn tra tấn khủng khiếp. Cuộc sống bị đầy đọa hơn cả địa ngục, bà còn nhớ cảnh 5 người chen chúc trong căn phòng gọi là “chuồng cọp” chỉ vài mét vuông ngột ngạt, chật chội thiếu không khí, người tù phải luân phiên nhau người ngồi, người nằm và họ không được tắm hàng tháng trời. Những đòn tra tấn dã man mà không ai có thể tưởng tượng ra được, chúng lợi dụng đặc điểm sinh lý của phụ nữ để tra tấn, mùi của máu, chất thải làm không khí trở nên ngột ngạt, hôi thối, tanh nồng. Chúng dùng roi điện đâm vào vùng kín khiến họ mãi mãi không thể làm mẹ được; kẹp xương ngón tay và chân đến khi họ mất hết cảm giác…

Hệ thống chuồng cọp làm hình thức tra tấn trở nên tinh vi hơn. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp. Mùa hè chúng dồn người tù lại để cái nóng, ngột ngạt trở nên cùng cực; mùa đông chúng dãn bớt người tù ra để cái lạnh càng trở nên thấu xương, người tù bị nhốt cách phòng để không liên lạc được với nhau.

Bà Sáu Vinh vẫn nhớ như in những bữa cơm gạo lức hẩm lẫn trấu, cát, sạn, mảnh sành với cá khô vừa đen vừa đắng dùng làm phân bón nhưng chị em không ai chịu khuất phục. Bằng tinh thần đoàn kết, các chị cùng hát bài ca “Côn Lôn trường hận” trong những đêm không ngủ, từ khám này vang vọng tới khám kia nhằm cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của các anh chị em. Những ngày đấu tranh, đả đảo chế độ thực dân để rồi sau đó bị những cơn mưa của cây gậy bọc thép chọc xuống da thịt, oằn mình bởi thùng vôi bột đổ xuống, chà sát vào vết thương nhưng không dập tắt nổi tiếng hát của các anh em trong lao tù, với niềm tin mãnh liệt vào một ngày chiến thắng.

Dù trong gian nguy và khó khăn, những người chiến sĩ cách mạng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, vẫn một lòng sắt đá với niềm tin một ngày thắng lợi nên dù cho “mỗi tảng đá là một trời đau khổ” thì họ vẫn phải sống và chiến đấu và nếu phải chết thì sẽ chết một cái chết của người anh hùng như khí tiết của người anh hùng Võ Thị Sáu trước kẻ thù, “Đã chọn con đường chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc thì em cũng sẽ biết chọn cho mình một cái chết xứng đáng…”

Sự đoạ đày không thể cướp đi “sinh mạng chính trị”

Chàng trai Nguyễn Xuân Viên (tức Hai Viên) quê ở Quế Sơn, Quảng Nam tham gia cách mạng khi mới 19 tuổi. Sau 3 năm tham gia chiến đấu cùng đồng đội, trong một trận đánh ác liệt trên chiến trường năm 1968, ông đã bị địch bắt. Trải qua những trại giam ở lao xá Hội An (Quảng Nam), khám Chí Hoà (Sài Gòn), Tân Hiệp cũng không khuất phục được tinh thần người lính trẻ quả cảm, địch đã đầy ông ra nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” với hi vọng sự đày đoạ, cướp dần cướp mòn về thể xác có thể cướp đi “sinh mạng chính trị” của người chiến sĩ cộng sản.

Cuộc sống gắn bó với đồng đội trong lao tù đã là một phần máu thịt của bác Hai Viên

 

Nằm gai nếm mật suốt 8 năm trong những chuồng cọp, không có cực hình nào là ông chưa phải trải qua, từ những đòn tra tấn dã man về thể xác đến những đòn tra tấn tinh thần. Những ngày nắng thì bị mang phơi nắng, hắt nước và vôi bột vào người cho đổ máu mũi, máu miệng. Ngày mưa thì bị ngâm trong những khu biệt lập “chuồng bò”, ở đó người tù bị ngâm trong phân bò nhiều ngày. Có những tháng ngày sống trong hầm tối không biết ánh sáng là gì, không nước uống, không thức ăn và chân tay bị cùm kẹp…

Khi sự hành hạ về thể xác đã lên đến cùng cực, chúng lại dùng những đòn tra tấn về tinh thần. Ông kể: nhiều đêm, một số anh em chiến sĩ trong xà lim bị dựng dậy đưa đi, sau đó không thấy trở về, gây tâm lý hoang mang cho những người tù còn lại. Hành hạ người tù đủ mọi cách chỉ với mục đích duy nhất là hạ gục ý chí người chiến sĩ cách mạng. Có một số người đã nhụt chí nhưng khi bước qua cửa ải cuối cùng, cửa ải mà người tù gọi là “chào cờ” (người tù phải bước qua lá cờ Tổ quốc và hình ảnh Bác Hồ) thì lòng kiêu hãnh của người cộng sản lại vùng lên và anh em thà chết chứ không thể bán rẻ lương tâm, nguyện một lòng chết vì lý tưởng cách mạng, vì dân tộc. Chính trong mỗi thử thách là một lần ý chí người cách mạng được tôi luyện.

Kẻ thù dùng trăm phương nghìn kế để đày ải, giết hại những người chiến sĩ kiên trung nhưng không khuất phục nổi tinh thần cách mạng quật cường của họ. Những chuồng cọp khét tiếng, những buồng giam biệt lập, những tháng năm đầy ải khổ sai nơi hòn đảo đầy nắng và gió có thể cướp đi sinh mạng của nhiều lớp chiến sĩ nhưng chắc chắn không thể nào cướp đi “sinh mạng chính trị” của những người chiến sĩ cách mạng.

Vươn lên từ mảnh đất “địa ngục trần gian”

Mỗi trại giam, bức vách, tảng đá đều đầy ắp những thông tin về quá khứ, chứa đựng những trang lịch sử hào hùng trong hơn một thế kỷ đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Những chứng tích còn đây về cầu tầu lịch sử 914 (914 người tù đã ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu), cây cầu Ma Thiên Lãnh (356 người tù ngã xuống khi mới xây được 2 mố cầu), nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của lớp lớp chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc trong suốt 113 năm và còn đó rất nhiều những nấm mồ không tên và không tuổi của hàng trăm, hàng vạn những tấm gương về tinh thần sống, chiến đấu và chết đầy quả cảm.

Còn đó nhiều chứng tích đau thương nhưng không gợi sự bi lụy mà khiến con người càng thêm yêu quê hương, đất nước mình

 

Một mảnh đất từng được coi là “cối xay thịt người”, “địa ngục trần gian” rùng rợn là vậy, lại là lựa chọn dừng chân để người lính trở về khi quê hương giành độc lập. Người cựu tù Nguyễn Thị Ni, quê ở Tiền Giang cho biết: Côn Đảo chính là ngôi nhà của tôi bởi mảnh đất này có biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội mình ngã xuống ở đây. Ký ức sẽ là nguồn sức mạnh để chúng tôi vượt qua đau đớn bệnh tật, hơn nữa đất nước giải phóng thì đâu cũng là nhà.

Bác Ni, bác Sáu Vinh, bác Hai Viên vẫn luôn ước mong mình sẽ mãi mãi gắn bó với mảnh đất này, để khi các thế hệ trẻ sau này tới thăm không chỉ thấy những chứng tích tàn ác dã man của địch mà còn được gặp những chứng nhân lịch sử. Thấy rằng, sức sống, sự đấu tranh vì công lý của con người cùng tình yêu quê hương đất nước là nguồn sức mạnh lớn lao để biến mảnh đất “địa ngục trần gian” trở thành “thiên đường”, là điểm đến, niềm tự hào dân tộc với nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh quyến rũ.

Bài và ảnh: Thu Hà