Chiến sĩ thi đua Nguyễn Trung Mai báo cáo kinh nghiệm tại Đại hội Thi đua Quyết thắng Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần năm 2012.

QĐND - Dịp cuối năm 2011, tôi đến Đoàn An điều dưỡng 296 (Đoàn 296) thuộc Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần tìm hiểu kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của đơn vị. Một chiều chủ nhật, những hạt mưa li ti hòa cùng hơi nước từ biển hất lên tạo thành thứ dung dịch nhờ nhợ, áp chặt cái rét thấu xương vào da thịt.

Giữa vắng lặng mang sắc vẻ cô liêu, bỗng xuất hiện ở hành lang dãy nhà Đội 3 một người đàn ông mặc đồ thợ điện, vai trái đeo túi đồ nghề, vai phải vác chiếc thang gấp, đầu ngó nghiêng… Tò mò, tôi lại gần, hỏi chuyện và được biết đó là Trung úy QNCN Nguyễn Trung Mai. Biết tôi thắc mắc về chuyện vì đã hết giờ hành chính mà Mai vẫn xách đồ nghề đi làm, anh giải thích: “Theo quy định thì cứ 7 ngày, em phải kiểm tra kỹ thuật một lần. Mai mới đến kỳ kiểm tra, nhưng em được thủ trưởng cho về quê thăm gia đình, nên…”.

Nhìn hành lang dài hun hút, những ổ nóng máy điều hòa nhiệt độ bám tăm tắp ở các tường nhà và hình ảnh người thợ điện mới gặp đã thấy có ấn tượng đang lúi húi làm việc giữa chiều đông giá lạnh, khiến tôi háo hức tìm hiểu về anh…

Đại tá Nguyễn Viết Dưỡng, Chính trị viên Đoàn 296 kể cho tôi nghe về “Hạt giống đỏ trên quê hương thành phố đỏ ấy” (lời của anh Dưỡng) như sau: Trung úy QNCN Nguyễn Trung Mai, sinh năm 1975, quê ở TP Vinh (Nghệ An), tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật điện, nay vừa 11 tuổi quân làm nhân viên điện nước Đoàn 296. Sáu năm tuổi Đảng, bốn năm liên tục (2009-2012) Nguyễn Trung Mai là chiến sĩ thi đua… Mai bộc lộ phẩm chất đáng quý ngay từ những ngày đầu về nhận công tác tại đơn vị. “Em lấy binh làm nghiệp, muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội. Em coi đơn vị là ngôi nhà thứ hai, chăm lo giữ gìn tài sản của đơn vị như đối với tài sản của gia đình mình!”. Mai nói thế và đã làm đúng như thế.

Đơn vị chuyên phục vụ khách du lịch. Mùa nghỉ mát, hàng trăm thiết bị điện, nước hoạt động suốt ngày đêm, chịu tác động trực tiếp của thời tiết khí hậu biển, đối tượng sử dụng đa dạng nên máy móc rất nhanh xuống cấp. Nguyễn Trung Mai trăn trở tìm cách khắc phục. Anh đề xuất với chỉ huy, may áo bạt mặc suốt mùa đông cho các dàn nóng điều hòa để hạn chế sự ô-xi hóa các cánh tản nhiệt. Mỗi tuần một lần sấy khô, chạy kỹ thuật các ti vi, bộ mạch điện tử máy điều hòa. Mai còn đề nghị thủ trưởng cho hướng dẫn mọi người trong đơn vị về phương pháp sử dụng các trang thiết bị đúng kỹ thuật, triệt để tiết kiệm điện, nước.

Với khách đến nghỉ, Mai chú ý nắm đặc điểm của những đối tượng cá biệt, nhất là cụ già, em bé từ nông thôn đến, để giúp đỡ họ sử dụng thiết bị được thuận lợi. Có ngày anh chạy lên tầng 4 nhà nghỉ không dưới 5 lần, chỉ vì một ông khách tự xưng là “nhà thơ” và không bao giờ nhớ việc tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng.

Mai vận động anh em trong tổ điện nước tập trung những vật liệu kỹ thuật phế thải, những chi tiết thiết bị “hư nhưng chưa hỏng” vào một chỗ để tự sửa chữa. Hàng trăm lượt rơ le điện, bình nóng lạnh, bóng đèn com-pắc, mạch điện tử máy điều hòa… bị trục trặc kỹ thuật đã được anh và các cộng sự khắc phục tại chỗ, vừa nhanh, vừa bền. Nhờ vậy, tuổi thọ của các thiết bị điện nước trong đơn vị đều được kéo dài thêm so với định mức tiêu chuẩn từ một năm rưỡi đến hai năm, giảm điện năng tiêu thụ từ 10 đến 12%; tiết kiệm và tránh lãng phí cho đơn vị hàng chục triệu đồng/năm.

Bài và ảnh: CA VÂN