QĐND - Người lính xưa với hình ảnh và những giá trị bền vững khó phai mờ. Người lính trẻ hôm nay đang vận động, phát triển phù hợp với một thế giới mới đã khác xưa rất nhiều.

Thời chiến tranh, vì sự sống còn của dân tộc trước họa ngoại xâm, người lính với những phẩm chất can đảm, hy sinh... trở nên đẹp phi thường. Thời bình, điều kiện xã hội, hoàn cảnh cuộc sống tương đối an lành, người lính không còn buộc phải bộc lộ tính cách, phẩm chất trong nghiệt ngã khốc liệt đạn bom; nhiệm vụ cơ bản là huấn luyện, SSCĐ; tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; giúp dân xóa đói, giảm nghèo… Người lính thời nay không bộc lộ vẻ đẹp lung linh, hùng tráng như thời giặc giã, nhưng lại có cách bộc lộ phẩm chất bình dị, mới mẻ, hiện đại.

Thế giới mới hiện nay trong xu thế vừa đấu tranh, vừa hợp tác. Vì vậy, người sĩ quan trẻ, người lính trẻ cần có cái nhìn toàn cầu và ứng xử như một công dân toàn cầu. Họ phải mang tư duy của chiến tranh hiện đại; không chỉ chứng tỏ sức mạnh SSCĐ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích kinh tế dân tộc, mà còn cần đạt tới đẳng cấp cao hơn về trình độ tác chiến, về chiến thuật, kỹ thuật, văn hóa, ngoại ngữ...

Đại diện đoàn công tác của Hải quân Việt Nam thăm Tàu 381 của Hải quân In-đô-nê-xi-a trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của tàu Hải quân Việt Nam tới In-đô-nê-xi-a (tháng 11-2014). Ảnh: Ngọc Hưng

  Nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi, biển, đảo, thềm lục địa hiện nay đòi hỏi người lính trẻ phải có những phẩm chất mới, như: Hết sức kiềm chế, tỉnh táo, hành động đúng theo chủ trương, đối sách, không để mắc mưu đối phương. Họ phải có bản lĩnh chiến đấu tốt, có văn hóa cao, có trình độ tác chiến ứng phó với chiến tranh hủy diệt hàng loạt; có kỹ thuật, chiến thuật giỏi, sử dụng thành thạo vũ khí hiện đại trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao... Tôi chợt nhớ hình ảnh đẹp của những người lính trẻ mặc sắc phục màu xanh nước biển chững chạc, tự tin trong cuộc giao lưu sĩ quan trẻ Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Phi-líp-pin trên khu vực quần đảo Trường Sa. Họ trò chuyện, trao đổi với nhau bằng tiếng Anh, nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện, xích lại gần nhau, không chỉ vì hai nước mà còn vì đoàn kết trong khối ASEAN. Cuộc giao đấu bóng chuyền tưng bừng, hữu nghị trên sân cát san hô, bên bóng cây phong ba, bão táp, không chỉ là cuộc chơi của các chàng lính trẻ khác sắc tộc, màu da, mà còn là tâm thế của Quân đội ta ứng xử với lân bang trong chiến lược biển, đảo.  

Người lính hiện đại không chỉ làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mà còn hướng tới nghĩa vụ giữ gìn hòa bình, duy trì an ninh ở những nơi xung đột vũ trang trên thế giới theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Người lính chúng ta đã rèn luyện, nâng cao trình độ tác chiến hiện đại, giỏi chiến thuật, kỹ thuật và ngoại ngữ để hội nhập với quân đội nước ngoài, vì mục tiêu gìn giữ hòa bình. Thật vui và tự hào khi các sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam giao lưu với sĩ quan trẻ Quân đội Cộng hòa Ấn Độ, thăm Học viện Kỹ thuật công binh tại thành phố Pune; cùng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ, kỹ năng phòng, chống khủng bố, khắc phục hậu quả thiên tai, nghiên cứu, sử dụng và làm chủ các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Tự hào khi người lính QĐND Việt Nam tham gia “Cuộc diễn tập công binh và quân y cứu trợ thảm họa” gồm các nước ASEAN và Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a... tại Bru-nây năm 2014. Thể lực, trình độ tác chiến, chuyên môn kỹ thuật và ngoại ngữ đủ để người lính Việt Nam hiện đại tự tin, hội nhập toàn cầu trong lĩnh vực quân sự và khoa học quân sự.

Thế giới hiện đại không thể làm ngơ khi các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến ở nhiều nơi trên thế giới, khiến nhiều dân lành thương vong, đổ máu. Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam ra mắt cuối tháng 5-2014 tại Hà Nội, không chỉ khẳng định người lính trẻ Việt Nam có tâm thế, kỹ năng quân sự vươn ra ngoài biên giới, mà còn thể hiện trách nhiệm ngăn chặn những hành động gây chết chóc, đổ máu cho dân thường. Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn là hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên đội mũ nồi xanh được cử đi Nam Xu-đăng làm sĩ quan liên lạc cho Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đó cũng là nét vẽ làm cho hình ảnh người lính trẻ QĐND Việt Nam đẹp hơn ở tầm quốc tế.

Tôi hết sức cảm phục những người lính trẻ công binh bất chấp hiểm nguy, gian khó thực hiện phương án đào đường hầm ngắn nhất, giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (Lâm Đồng) tháng 12-2014. Họ vốn là lực lượng tinh nhuệ được huấn luyện tinh thông để thực hiện các nhiệm vụ thi công đường hầm phục vụ quốc phòng và tham gia ứng cứu sập đổ công trình, thảm họa thiên tai... Lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng ngày đêm kiên cường bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc, biên giới quốc gia... hầu hết cũng là những người lính trẻ. Dù thời chiến hay thời bình, những người lính trẻ vẫn luôn có mặt ở nơi gian khó, hiểm nguy, nóng bỏng nhất!

 Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH