Cán bộ Công ty 74 hướng dẫn dân làng Mới lấy mủ cao su.

QĐND Online - Đến làng Mới thuộc xã Ia Dưk, huyện Đức Cơ, Gia Lai những ngày đầu tháng 5 năm 2010, chúng tôi mới cảm nhận hết sự đổi thay mau lẹ của vùng đất ngày nào còn hoang sơ giữa núi rừng và bom đạn sau cuộc chiến.  Nhà cửa được xây dựng khang trang, sạch đẹp, “điện, đường, trường, trạm” đầy đủ, đời sống của bà con đồng bào vùng biên giới nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Chuyện cũ ở làng Mới

Gặp già làng Ksor Bah cõng đứa bé trên lưng, miệng cười tươi nên trông ông rất đẹp. Ngôi nhà ông xây cách đây đã 5 năm, nhưng rất to và thuộc loại “nhất nhì” của làng Mới. Già làng Ksor Bah cho biết: “Trước kia nơi đây chỉ có đồi hoang, lưa thưa trong nắng và gió vài bụi cây mắc mèo, cây sim và dứa dại…khí hậu khắc nghiệt vậy, cây còn sống leo lắt không lên nổi,  làm sao con người nghĩ đến chuyện lập làng để “an cư lập nghiệp”.

Năm 1994, sau khi Công ty 74 (Tổng Công ty 15) tổ chức đắp đập ngăn con suối chảy qua làng Tukngo để lấy nguồn nước vừa phục vụ sinh hoạt cho bà con, lại vừa lấy nước tưới lúa, cà phê…Bộ đội Hùng (Đại tá Trần Quang Hùng – Hiện là Giám đốc Công ty 74), lúc đầu đến từng nhà một vận động bà con người Jrai ở làng Ghe, làng Tuk ngo và làng Tưkla chuyển về vị trí làng Mới bây giờ để lập làng, thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, cây công nghiệp nhất là cây cà phê, điều, cao su…và vào làm công nhân cho công ty. Lúc đầu không ai chịu nghe bộ đội, vì từ xưa tới nay người Jrai không ai tự ý bỏ làng của ông bà, cha mẹ lập cho con cháu sinh sống để ra đi nơi ở khác. Làm vậy là bị Yang trời phạt, già, trẻ gái trai đều bị bệnh rồi chết, trâu bò, heo gà không sống được, cây lúa cây bắp không ra trái…

Biết  được “tâm tư” và đời sống tâm linh của người Jơrai, bộ đội Hùng cùng cán bộ, chiến sĩ Công ty 74 ngày đêm bám trụ với dân làng, một mặt kiên trì vận động thuyết phục đồng bào tự nguyện ra lập làng mới để phát triển sản xuất; mặt khác triển khai cho xe vào san ủi đất, làm đường giao thông, phân lô đất chia ra cho từng ngôi nhà bằng nhau. Hỗ trợ cho một hộ gia đình 700 ngàn đồng, 3.000 viên ngói lợp nhà, một cái giếng. Đồng thời, khuyến khích cho những ai ra lập làng mới đều được vào làm công nhân cao su của công ty, ngoài nhận lương hàng tháng, còn được hỗ trợ lương thực, thực phẩm…Ưu tiên, nhưng lúc đầu bà con chưa nghe, mình cùng “đội quân” của bộ đội Hùng hết đi đến nhà này, đến nhà khác. Đến nhà không gặp thì lội rừng ra đến tận nương rẫy để vận động, thuyết phục bà con “đồng tình” ra làng mới. Thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài…Nhiều người nghe mình và bộ đội Hùng nói tới chuyện lập làng…là phản đối ngay: Không được đau, dân không đi đâu hết, đói khổ cũng bám làng mà sống, bỏ làng đi, nhà mồ không có người chăm, con “ma làng” không ai cho ăn, nó đói, bắt hết trẻ em “ăn thịt”…già làng mình bị con ma nó ám rồi, phải bắt heo cúng Yang thôi.

Có lúc mình cũng nản chí, định bỏ cuộc, nhưng bộ đội Hùng vẫn cứ đến và động viên. Thấy được cái lợi của bà con, mình tiếp tục cuộc vận động với tư tưởng “mưa dầm thấm lâu”, thế là làng Mới có được 20 hộ “tình nguyện” ra ở từ 3 làng Ghe,Tuk ngo và làng Tưkla, sau đó lên được 31 hộ. Thấy bà con ra ở làng Mới có nhà được cấp, trẻ em đủ tuổi đến trường, vào làm công nhân được cấp áo quần, lương thực…cuộc sống khá lên mà chẳng thấy “Yang phạt” gì cả, thế là các hộ “cứng đầu” còn lại của ba làng trên đã về nhập làng Mới…Công lao đó, của người “lập làng” trên vùng biên giới này chính là bộ đội Hùng đó…Kể xong, già làng Ksor Bah cười lên sảng khoái, nét mặt lộ rõ niềm vui, toại nguyện…

Cán bộ Công ty 74 hỗ trợ gạo cho bà con.

Cuộc sống mới từ làng Mới

Cùng già làng Bah đến thăm ngôi nhà Rông văn hoá do Công ty 74 xây tặng, dưới sân trẻ nhỏ đang nô đùa, mặt mày đứa nào cũng lấm lem bùn đất, nhưng lộ rõ sự vô tư, vui vẻ. Ông Kpui Han, trưởng ban hoà giải của làng cho chúng tôi biết: “Trước khi về làng mới, đời sống của bà con nơi đây cực khổ lắm, quanh năm làm lụng vất vả, nhưng cơm cũng không đủ ăn, trẻ con thất học…Nhiều gia đình như Rơ Manh Oanh, Rơ Manh Dú và Rơ Manh Blăk…cả ngày bỏ con ở nhà nheo nhóc, đi chặt cây đốt than, đào giếng, đãi vàng …nhưng cũng không vượt qua được nghèo khổ”, đói rách cứ bám lấy thân phận họ, tội nhất là mấy đứa nhỏ. Từ ngày nghe bộ đội Hùng về ở làng Mới và vào làm công nhân cao su cho Công ty 74, đời sống của bà con đã thay đổi từng ngày, đến nay gần như nhà nào cũng có xe máy để đi làm, có ti vi để xem; hơn 37% số hộ có xe công nông, máy xay xát lúa, bắp.

Mới đây Công ty 74 còn xây dựng thêm cho làng Mới hai phòng học, dành cho học sinh lớp 1 và lớp 2, còn lớp 3 trở lên thì ra trường lớn ở trung tâm xã để học. Trẻ em ở đây đi học đều được Nhà nước hỗ trợ sách vở, lại không thu học phí…ngày đêm nghe chúng đọc bài, hát nhạc mà sướng cái bụng. Một phần đời mình sống trong chế độ Mỹ ngụy, đói khát, mù chữ, khổ cực và đi đâu cũng bị kìm kẹp bởi súng đạn, nay thì quá sung sướng. Đồng bào Jơ rai mình chỉ một lòng theo cách mạng, vì mình biết chỉ có Bác Hồ và Đảng mới đem hạt gạo, về no cái bụng, đem cái chữ về sáng cái đầu…Dân làng Mới chỉ nghe lời của Bộ đội Hùng và già làng Bah thôi, không ai theo đạo Tin Lành Đêga và cũng không có ai đi theo bọn xấu nữa...

Với sự hỗ trợ của cán bộ chiến sĩ Công ty 74 và những kết quả làm được trong thời gian vừa qua, làng Mới được UBND tỉnh công nhận là làng văn hoá xuất sắc nhất cấp tỉnh từ năm 2005 đến nay.

Nghe người dân làng Mới nói nhiều về “thành tích của người lập làng”, chúng tôi tìm về “bản doanh” của người khai địa, đi xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt, đang mùa thu hoạch, những đường nhựa trắng tươi đang nhỏ nhọt cho đầy những bát mủ, hứa hẹn một mùa bội thu cho những người lao động ở vùng biên giới đang khởi sắc.

Gặp chúng tôi, Đại tá Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty 74 cho biết: “Bắt đầu từ năm 1994, chúng tôi triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 tiến hành rà soát địa hình, tình hình phân bố dân cư trên địa bàn của huyện biên giới Đức Cơ để thành lập những làng mới theo mô hình làng biên giới. Làng mới giúp cho bà con phát triển sản xuất thuận lợi, ổn định cuộc sống và góp phần củng cố quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới”. Chuyện “Bộ đội Cụ Hồ” lập làng cho dân làm ăn sinh sống, nay đã là chuyện bình thường của bộ đội trên đất Tây Nguyên. Thấy đồng bào dân tộc thiểu số ở đây no ấm hạnh phúc, trẻ em đủ tuổi cắp sách tung tăng đến trường là “cái bụng” mình cũng vui sướng lắm rồi. Nói xong anh cười to, nụ cười của một người sống hết mình vì đồng bào và đồng đội.

Mời chúng tôi chén trà xanh còn hương ấm, anh Hùng cho biết thêm: “Đến nay, Công ty cao su 74 đã trồng và khai thác trên 5.940 ha cao su, 144,68 ha cà phê, giải quyết việc làm cho trên 3.300 người, trong đó có hơn 1.375 người lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm của Công ty đảm bảo chất lượng, làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, nên đã được tổ chức TUV NORD (Tổ chức chuyên đánh giá về hợp chuẩn của Cộng hoà Liên bang Đức) cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 vào tháng 2 năm 2008. Thu nhập bình quân của người lao động trên 4 triệu đồng. Riêng ở làng Mới, chỉ tính từ năm 2007 đến nay, Công ty 74, đầu tư cho bà con trên 500 triệu đồng để làm đường giao thông, kéo điện vào nhà cho bà con và đào tạo “tay nghề” cho người lao động”.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền biên giới phía Tây Nam của của Tổ quốc ổn định và ngày càng giàu đẹp. Niềm vui của bà con cũng chính là niềm vui của những người lính “Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế, quốc phòng.

Bài, ảnh: Lê Quang Hồi