 |
Đại úy Bùi Duy Tiến thao giảng trên mô hình sáng kiến.
|
“
Hệ thống mạng điện thân xe PT-76” là một sáng kiến, mô hình huấn luyện được giải B trong Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình huấn luyện năm 2007 của Quân khu 4. Đại úy Bùi Duy Tiến, Đại đội trưởng Đại đội 2, Phân đội 1, Đơn vị H06 xe tăng là tác giả của công trình này.
Từ thực tiễn huấn luyện hệ thống điện cho thành viên của kíp xe, nếu tổ chức huấn luyện trên xe thật gặp nhiều khó khăn: học viên không thể có cái nhìn trực diện, tổng quát, khó hình dung; mỗi lần giới thiệu được ít người, công tác bảo đảm xe, ắc quy, bãi tập rất phức tạp… Do đó, Đại úy Bùi Duy Tiến và Thiếu úy chuyên nghiệp Dương Quang Vĩnh, Trưởng xe 027 nảy ra ý tưởng thiết kế và xây dựng mô hình hệ thống điện để làm giáo cụ trực quan. Đây thực ra là một sơ đồ khối 3 chiều mô phỏng thân xe PT - 76, trên đó có lắp đặt các thiết bị điện từ động cơ, máy phát, các công tắc công tác đến hệ thống đèn chiếu sáng, làm việc theo từng vị trí tương ứng như trên xe thật. Với sáng kiến này, mỗi lần giới thiệu được cho rất nhiều học viên, vào bất cứ lúc nào, tiết kiệm thời gian, xăng dầu bảo đảm... Và điều quan trọng hơn cả là học viên nắm nhanh, chắc nội dung, trong khi kinh phí để làm một mô hình chỉ khoảng 700.000 đồng.
Năm 2006, Đại úy Bùi Duy Tiến đã làm mọi người rất thán phục với sáng kiến chế tạo máy tháo đạn súng tiểu liên AK- 47. Chỉ trong khoảng 10 giây, 3 băng đạn AK đầy ắp đạn đã được máy tháo rời nhanh chóng và an toàn. Bùi Duy Tiến tâm sự: “Sau mỗi ngày huấn luyện, SSCĐ, chứng kiến bộ đội ngồi tỉ mẩn gỡ từng viên đạn ra khỏi băng để cất giữ, bảo quản, tôi thấy rất lãng phí thời gian và mất an toàn. Từ đó, tôi trăn trở “nuôi” ý tưởng chế tạo chiếc máy trên”. Máy tháo đạn của Tiến làm bằng gỗ, quay tay, mỗi lần tháo được 3 băng đạn, tốc độ tháo đạn lý thuyết 600 đến 700 viên/phút; tốc độ tháo đạn thực tế: 200 đến 300 viên/phút; kết cấu rất đơn giản. Chiếc máy đã được nhân rộng, sản xuất hàng loạt cung cấp đủ cho toàn đơn vị. Máy tháo đạn đã được chế tạo thành công, nhưng còn máy lắp đạn? Đó là điều Tiến đang trăn trở. Nếu làm được chiếc máy này sẽ rất có ý nghĩa trong chiến đấu. Bởi yêu cầu khẩn trương, gấp rút trong chiến đấu đòi hỏi không thể để người chiến sĩ mất hàng chục phút ngồi lắp đạn vào băng... Tuy nhiên, Tiến vấp phải một trở ngại kỹ thuật, đó là kỹ thuật xếp đạn theo cùng một chiều, trước khi chuyển vào máy lắp đạn…
Đại đội 2 luôn dẫn đầu đơn vị về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình huấn luyện. Cán bộ đại đội, ai cũng có một vài sáng kiến có giá trị. Kinh nghiệm ở Đại đội 2 cho thấy khi một người đã có ý tưởng, tập thể cần tham gia đóng góp ý kiến, tranh luận, bàn bạc với tinh thần xây dựng, làm cho ý tưởng của cá nhân trở thành ý tưởng của tập thể, nhanh chóng chín muồi và tổ chức triển khai thực hiện. Với tinh thần đó, sáng kiến mô hình huấn luyện ở Đại đội 2 luôn là một công trình tập thể.
TRẦN HOÀI