QĐND Online - Hơn 35 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1. Năm nay, trước ngày Chiến thắng 30-4, chúng tôi có may mắn được gặp ông. Như một thước phim quay chậm, tất cả kỷ niệm lại hiện về trong ký ức ông: Đó là niềm hân hoan, vỡ òa chiến thắng; đó là những giọt nước mắt nhớ thương bao đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, trong đó có cả những người ngã xuống khi giờ toàn thắng đã cận kề, chỉ còn tính bằng giờ, bằng phút…
Phút giây làm nên lịch sử
 |
Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại thời điểm bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
|
Trong căn nhà riêng tại phố Nguyễn Hoàng Tôn (Hà Nội), với dáng người chắc đậm, đôi mắt quắc thước, cương nghị, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, người con của huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), bồi hồi tâm sự với chúng tôi:
- Ngày đó, lòng căm thù giặc và khát vọng giải phóng quê hương, đất nước, đã thôi thúc cả thế hệ thanh niên làng tôi lên đường nhập ngũ.
Tháng 8 năm 1967, anh thanh niên Phạm Xuân Thệ vào bộ đội. Trải qua hàng chục trận đánh lớn nhỏ, ba lần tính mạng ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng vết thương chưa lành, ông lại tiếp tục cầm súng ra trận.
Ông bảo, trận đánh đầu tiên của ông diễn ra vào tháng 5 năm 1968, tại phía Tây Khe Sanh. Song một trong những trận đánh để lại trong ông kỷ niệm sâu sắc nhất là trận giải phóng quận lỵ Thượng Đức, ở phía tây Đà Nẵng. Ông nhớ lại: Khoảng tháng 6-1974, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, được lệnh vào giải phóng Thượng Đức. Đây là nơi được địch bố trí lực lượng mạnh, chẳng thế mà ngày ấy bọn ngụy có câu: “Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì mới để mất Thượng Đức”.
Ngày 31-7, ông trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9, phối hợp cùng đơn vị bạn đánh vào căn cứ này.
“Đây là cuộc chiến rất quyết liệt, quân ta tổn thất không nhỏ”- rưng rưng nước mắt, ông kể tiếp-“Nhiều đồng đội của chúng tôi đã bị chôn vùi bởi đạn pháo; một số chiến sỹ đánh bộc phá xông lên bị thương, mắc kẹt trên hàng rào thép gai địch. Song với quyết tâm đã xác định từ đầu: “Nếu không giành lại được Thượng Đức thì không trở về”, nên đến khoảng 9 giờ sáng 7-8, "Cánh cửa thép" Thượng Đức của bọn ngụy bị chọc thủng”.
Cầm trên tay những tấm ảnh do các phóng viên nước ngoài chụp cảnh quân ta bắt nội các của Dương Văn Minh đầu hàng trưa ngày 30-4-1975, ông bồi hồi nhớ lại thời khắc huy hoàng của cả dân tộc, cách đây đã hơn 35 năm:
- Khi chúng tôi tiến vào cổng Dinh Độc lập, không ai nghĩ rằng nội các của Dương Văn Minh đang có mặt trong đó. Khi tôi vừa bước lên cầu thang, một người tự xưng là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh mời chúng tôi vào phòng làm việc. Sau khi nghe Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu, Dương Văn Minh tiến lại gần chúng tôi và nói: “Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao". Chúng tôi liền phản bác ngay: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả". Sau đó chúng tôi yêu cầu Dương Văn Minh phải tới đài phát Thanh để tuyên bố đầu hàng.
- Vậy lúc đó cảm xúc của Trung tướng như thế nào? Chúng tôi tò mò.
Ông bộc bạch:
- Lúc dẫn Dương Văn Minh từ Đài phát thanh trở lại Dinh Độc lập, tôi thoáng băn khoăn bởi không biết mình làm như thế đã ổn chưa? Tuy nhiên, tất cả những tình huống đều diễn ra quá nhanh đòi hỏi mình phải xử lý quyết đoán. Tôi đã luôn tự quán triệt rằng đã là người lính, khi đánh là phải quyết thắng, khi bắt được chỉ huy cao nhất thì phải bắt chúng kêu gọi thuộc hạ phải đầu hàng để tránh đổ máu. Vì vậy điều đầu tiên tôi nghĩ đến là bắt chúng đầu hàng công khai trên Đài Phát thanh nhằm kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh.
 |
Đồng chí Phạm Xuân Thệ (người ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội dẫn Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng. Ảnh chụp lại |
Đau đáu nỗi niềm...
Sau chiến tranh, ông Thệ về công tác tại Sư đoàn 304. Tháng 12-1989, ông được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Đến năm 2002 ông làm Tư lệnh Quân khu 1, được phong quân hàm Trung tướng năm 2003. Năm 2008 ông về nghỉ hưu.
Giờ đây, trong căn nhà ấm cúng, luôn líu lo tiếng nói cười của những đứa cháu nội, ngoại, cùng với sự chăm chút của người vợ hiền là bà Nguyễn Thị Dung, những tưởng cuộc sống với ông giờ chỉ là những niềm vui. Ấy vậy mà trong trái tim người anh hùng vẫn đau đáu một nỗi niềm, bởi theo cách nói của ông-“mình chưa hoàn thành trách nhiệm với bạn bè, đồng đội đang nằm lại nơi chiến trường”.
Kể đến đây giọng ông như trầm lắng lại, đôi mắt rưng rưng nhìn vào khoảng xa xăm…
Ông bộc bạch: Đời tôi luôn tâm niệm một câu nói của nguyên soái Giu-cốp (Liên Xô cũ) “Ở chiến trường, người chỉ huy thêm một sợi tóc bạc thì ở hậu phương bớt đi một vành khăn tang”. Thế nhưng trong chiến tranh, đồng đội, bạn bè chúng tôi hi sinh nhiều quá, có đồng chí ngã xuống khi thời điểm toàn thắng chỉ còn tính bằng giờ, bằng phút. Đau lòng hơn nữa là còn nhiều đồng đội của tôi còn nằm lại nơi chiến trường, chưa tìm được hài cốt.
Năm 2009, kỷ niệm 35 năm chiến thắng Thượng Đức, Trung tướng Phạm Xuân Thệ trở lại thăm chiến trường xưa. Trước bia mộ đồng đội, ông đã bộc bạch những nỗi niềm mình đang đau đáu: “Hôm nay tôi về đây không chỉ để thăm lại chiến trường mà để tạ tội với các anh, vì trong chiến đấu chúng tôi chỉ huy chưa tốt, để anh em đồng đội hi sinh còn nằm rải rác ở các trận đánh, chưa về được nghĩa trang”…
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN