QĐND - Từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, cách mạng Trung Quốc thành công, nhà nước Trung Hoa ra đời (1-10-1949). Để thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển và đánh bại âm mưu của thực dân Pháp, tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch tiến công biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới với Trung Quốc và các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, sau khi phân tích, nắm tình hình, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định phương châm đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính. Trận then chốt mở màn chiến dịch là cứ điểm Đông Khê. Thất thủ Đông Khê, địch sẽ phải ứng cứu và ta bố trí trận địa sẵn đón địch. Sáng 16-9-1950, bộ đội ta nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê; đến 10 giờ ngày 18-9-1950 ta đã làm chủ Đông Khê. Đúng như dự kiến, Đông Khê thất thủ, ngày 1-10-1950, quân Pháp điều động Binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Thất Khê lên ứng cứu Đông Khê và ngày 3-10-1950, rút Binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng về nhằm hợp quân với Binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá. Từ ngày 3 đến 7-10, bộ đội ta lần lượt tiêu diệt Binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá, Binh đoàn Sác-tông ở điểm cao 477 và một số điểm cao khác như 590, 649, 765... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 14-10-1950, chiến dịch kết thúc thắng lợi.

Niềm vui của bộ đội ta tham gia Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 thắng lợi. Ảnh tư liệu

Bị thất bại, địch hoang mang rút khỏi các cứ điểm Thất Khê, Lộc Bình, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu. Đường số 4 và một vùng biên giới Việt-Trung được giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch, mở ra một bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu bước phát triển vượt bậc nghệ thuật quân sự Việt Nam, điển hình là nghệ thuật lựa chọn chính xác khu vực tác chiến chủ yếu và điểm đột phá mở màn chiến dịch.

Trong chiến dịch này, ta chọn Đường số 4 dài 320km, riêng đoạn Cao Bằng - Thất Khê dài 70km được chọn làm khu vực tác chiến chủ yếu. Đó là đoạn đường cách xa Lạng Sơn (trung tâm chỉ huy biên thùy của địch) khoảng100km, là khu vực địch sơ hở. Các vị trí Cao Bằng - Đông Khê - Thất Khê cách xa nhau từ 25km đến 45km, lại là đầu mút của đường số 4, nên khả năng tự vệ của địch ở từng vị trí kém, khả năng ứng cứu và tăng viện tiếp tế từ dưới lên càng khó khăn, tốn kém và nguy hiểm kể cả bằng đường bộ, đường không. Địa hình núi non, hiểm trở thuận tiện cho ta cơ động tác chiến, mà chủ yếu là đi bộ và sử dụng vũ khí mang vác.

Chọn Đường số 4 phù hợp với mục đích chiến dịch là giải phóng Đường số 4, khai thông biên giới Việt-Trung. Khu vực này gần hậu phương kháng chiến của ta, thuận tiện chỉ đạo và huy động lực lượng cùng phương tiện phục vụ tiền tuyến, cũng như toàn bộ công tác bảo đảm chiến dịch. Cao Bằng và Đông Khê nối liền với Trung Quốc bằng 4 trục đường, trong đó Trùng Khánh và Thủy Khẩu đang được dùng cho việc chuẩn bị vật chất cho chiến dịch.

Trong khu vực tác chiến chủ yếu (Cao Bằng-Đông Khê-Thất Khê), Bộ chỉ huy chiến dịch chọn Đông Khê làm điểm đột phá mở màn chiến dịch, bởi vì Đông Khê là mắt xích quan trọng nối Cao Bằng với Thất Khê. Tiến công Đông Khê, toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trên Đường số 4 bị chia cắt và Cao Bằng bị cô lập, địch sẽ phải tăng cường đưa quân ứng cứu Đông Khê hoặc rút quân từ Cao Bằng về để giữ Đông Khê. Mặt khác, địch ở Đông Khê yếu hơn so với các vị trí khác, chỉ có 2 đại đội lê dương, 2 trung đội ngụy, một trung đội pháo 105mm, công sự kiên cố. Trong khi đó, địch bố trí ở liên khu biên giới Đông Bắc 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh, gần 30 khẩu pháo lớn, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 8 máy bay, có lực lượng dự bị cơ động chiến lược chi viện. Về ta, chọn Đông Khê phù hợp với nguyên tắc bảo đảm chắc thắng trận đầu trong tác chiến chiến dịch, phù hợp với cách đánh điểm diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính, thuận tiện triển khai binh hỏa lực, phù hợp với khả năng chiến đấu của bộ đội.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950 còn do chọn phương châm tác chiến đúng; tập trung ưu thế lực lượng đến mức cần thiết để bảo đảm đánh chắc thắng trận then chốt mở màn chiến dịch. Ta bố trí thế trận hiểm, chuyển hóa thế trận kịp thời, bao vây chặt, chia cắt tốt, chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo, tiến công mạnh, lần lượt tiêu diệt từng mục tiêu. Trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, ta luôn giữ vững và phát huy quyền chủ động; chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất, tiến hành công tác chính trị sắc bén, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu anh dũng, chiến đấu liên tục cho bộ đội.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950 tạo nên sự thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta sang một giai đoạn mới - giai đoạn ta hoàn toàn nắm quyền chủ động tiến công chiến lược. Thực tế chiến dịch để lại những kinh nghiệm quý về nghệ thuật lựa chọn khu vực tác chiến và điểm đột phá mở màn chiến dịch, là cơ sở khoa học để ta vận dụng sáng tạo vào các chiến dịch tiếp theo, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ