QĐND Online - Đặt bẫy, dụ địch là kế lập sẵn thế trận ở nơi địch tất phải tới mà ta thì có thế lợi, rồi tìm cách dụ địch sa vào bẫy đúng lúc ta dự kiến để tiêu diệt chúng. Loại mưu kế này được sử dụng trong chiến dịch hoặc chiến lược có thể tạo ra các trận then chốt hoặc then chốt quyết định.

 

Thời cổ đại, Ha-ni-ban, vị thống soái lừng danh xứ Các-ta-giơ đã lùi một bước, lừa quân La Mã tiến sâu vào trận địa của mình rồi khép chặt vòng vây tiêu diệt chúng trong trận Can năm 216 (trước Công nguyên). Hàn Tín-một tướng tài của Nhà Hán (Trung Quốc), trong trận Bối Thủy (năm 204 trước Công nguyên) đã giăng bẫy trên bờ sông, lừa quân Triệu sa vào đó để tiêu diệt.

 

Xem trong lịch sử quân sự Việt Nam cả xưa lẫn nay, có thể dẫn ra nhiều ví dụ về việc vận dụng mưu kế này. Năm 938, để tiêu diệt quân Nam Hán vào xâm lược nước ta bằng đường thủy, tướng Ngô Quyền đã lợi dụng địa hình và điều kiện thủy văn một cách thông minh để lập sẵn thế trận ở đoạn hiểm yếu trên sông Bạch Đằng, nơi quân địch tất phải đi qua, với bãi cọc ngầm xuất hiện đột ngột khi nước triều xuống có hiệu lực như một cánh quân vây bọc phía sau. Ngô Quyền lại nắm vững bản lĩnh non nớt của tên tướng trẻ Hoằng Thao để dùng thuật dụ binh khích tướng, vừa nhử vừa hãm, đưa đoàn thuyền địch vào trận địa cọc đúng lúc thủy triều xuống. Vì vậy, với một lực lượng ít hơn địch, chỉ bằng một trận then chốt, Ngô Quyền đã đập tan kế hoạch xâm lược của triều đình Nam Hán.

 

Bộ đội ta đưa pháo 75mm chiếm lĩnh trận địa đánh chiếm Đông Khê. Ảnh tư liệu.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Hưng Đạo đã vận dụng phương sách này trên quy mô chiến lược. Nắm vững sở trường tác chiến của quân Nguyên là dùng kỵ binh có sức cơ động nhanh để vây bọc và đột phá trận địa đối phương, nhưng sở trường ấy chỉ phát huy được trên địa hình rộng và tương đối bằng phẳng, Trần Hưng Đạo đã dùng cách vừa đánh chặn địch, vừa cơ động từng bước, khiến quân địch luôn “vồ” hụt quân ta nhiều lần nên ngày càng cay cú, dấn sâu vào vùng đồng bằng sông Hồng, nơi có nhiều sông ngòi, ruộng nước, đầm lầy. Ở đấy, sở trường của địch bị hạn chế rất nhiều, ngược lại, phương thức tác chiến chiến tranh nhân dân của ta được phát huy mạnh mẽ. Khi quân địch đã lâm vào thế phòng ngự bị động, mệt mỏi, suy yếu, ông mới tung chủ lực còn nguyên vẹn ra giáng những đòn then chốt, quyết định.

 

Lê Lợi-Nguyễn Trãi cũng sử dụng phương sách này rất thành công trong chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang (1427). Khi quyết định tập trung sức mạnh tiêu diệt đạo quân viện 10 vạn tên của Liễu Thăng trên hướng Lạng Sơn, bộ thống soái nghĩa quân Lam Sơn đã cho lập trận địa mai phục ở Chi Lăng, nơi có địa hình hiểm trở trên đường địch tất phải đi qua, đồng thời hạ thành Xương Giang trên đường từ Đông Quan lên Pha Lũy để cắt đứt liên lạc giữa quân cứu viện của địch với quân đồn trú ở Đông Quan. Khi địch vượt qua biên giới, ta chặn địch từng bước và khích được tính hung hăng của Liễu Thăng khiến hắn đích thân dẫn một vạn quân tiền đạo sa vào trận địa phục sẵn của ta và phải bỏ xác lại đấy. Quân địch còn lại cố tiến xuống Xương Giang thì thành đã mất, chúng phải hạ trại trên cánh đồng với tâm trạng hoang mang, mệt mỏi. Đây là thời cơ để ta đánh đòn then chốt quyết định, tiêu diệt gọn đạo quân viện của Liễu Thăng, đưa cuộc kháng chiến chống Minh đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phương sách đặt bẫy, dụ địch được vận dụng rộng rãi dưới hình thức đánh điểm, diệt viện. Ví dụ điển hình là Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. Giữa Cao Bằng và Đông Khê, ta đã chọn rất chính xác Đông Khê làm điểm đột phá đầu tiên, vì nó là một vị trí rất quan trọng trên tuyến Lạng Sơn-Cao Bằng. Mất Đông Khê, địch sẽ buộc phải đưa quân ứng cứu lên giành lại để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân ở Cao Bằng rút lui, ta sẽ có cơ hội thuận tiện tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự. Chiến dịch đã diễn ra đúng với ý đồ tác chiến của ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra: “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng.

 

Đặt bẫy, dụ địch là một trong những nét tinh hoa quân sự của ông cha ta trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước.

 

Đại tá, Ths MAI DANH THƯ

Lược thuật từ sách “Nghệ thuật tác chiến – Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn” của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo.