QĐND - Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo những năm 1939-1945, nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để từng bước xây dựng và phát triển lực lượng, giữ vững và mở rộng các căn cứ địa cách mạng, khu giải phóng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo tài tình và tổ chức khởi nghĩa rộng khắp, kịp thời của Đảng ta.

Quần chúng nhân dân khởi nghĩa, giành chính quyền ở thành phố Sài Gòn ngày 25-8-1945. Ảnh tư liệu

Nghệ thuật tổ chức từ khởi nghĩa từng phần, rộng khắp đến tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước là sự sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các tổ chức Việt Minh, từ nông thôn đồng bằng, thành thị đến miền núi, khi có thời cơ, Đảng lãnh đạo nhân dân đồng loạt nổi dậy. Có những địa phương chưa nhận được Lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng dựa theo Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, các tổ chức đảng tại nơi đó căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, kịp thời và chủ động lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra ở các tỉnh, thành của cả nước rất đa dạng, phong phú với những hình thái: có địa phương khởi nghĩa từ nông thôn tràn về thành thị, có nơi lại từ thành thị về nông thôn, có nơi cả nông thôn và thành thị cùng khởi nghĩa. Có nơi quần chúng phát huy sức mạnh đấu tranh chính trị để giành chính quyền, có nơi kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị của quần chúng với đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang. Việc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở các thành phố Hà Nội (19-8), Huế (23-8), Sài Gòn (25-8) đã đập tan sức kháng cự của quân Nhật và bọn tay sai. Ngày 30-8, đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào thành phố Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Như vậy, chỉ trong vòng hai tuần, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi trên phạm vi cả nước.

Một trong những thành công trong nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là thường xuyên giữ vững và phát huy ưu thế chính trị, tinh thần, tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc và tôn giáo, nòng cốt là lực lượng công nhân, nông dân đoàn kết thành một khối vững chắc vì mục tiêu cao nhất và cấp bách nhất của cách mạng là giải phóng dân tộc. Trong Tổng khởi nghĩa, sức mạnh của toàn dân được tổ chức thành những đạo quân chính trị và vũ trang tham gia và đồng loạt nổi dậy ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, cả nông thôn đồng bằng, thành thị và miền núi, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, áp đảo, khiến kẻ thù hoang mang không thể chống đỡ nổi. “Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng, vì nó là sự nghiệp của toàn dân đoàn kết, kiên quyết chiến đấu để tự giải phóng, do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo”(*).

Thành công lớn nhất, đặc sắc nhất của nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa là chọn thời cơ. Đến tháng 8-1945, tình thế trực tiếp của cách mạng Việt Nam đã xuất hiện. Đó là phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương hoang mang, chia rẽ, tinh thần chiến đấu rệu rã. Chính quyền tay sai và bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ, dao động, trong khi đó, cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân ta lên đến đỉnh cao, những người lừng khừng, do dự đã ngả về phía cách mạng. Đảng Cộng sản Đông Dương-tổ chức tiên phong, hạt nhân lãnh đạo cách mạng nước ta đã được chuẩn bị đầy đủ và quyết tâm rất cao. Căn cứ vào thực tiễn lúc đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chính xác thời cơ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, đó là lúc quân Đồng minh chưa vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật, không thể chậm trễ. Theo dõi sát tình hình cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” để lấy danh nghĩa là người chủ của nước Việt Nam độc lập đón tiếp quân Đồng minh.

Thành công nổi bật trong chỉ đạo thực hành khởi nghĩa là toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang cách mạng đã quán triệt sâu sắc ba nguyên tắc cơ bản được Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng nêu ra, đó là tập trung, thống nhất và kịp thời. Cụ thể, tập trung lực lượng vào những mục tiêu chính; thống nhất các mặt chính trị, quân sự, hành động và chỉ huy; kịp thời tổ chức hành động đồng loạt, không bỏ lỡ cơ hội. Nhờ vận dụng đúng ba nguyên tắc trong chỉ đạo thực hành khởi nghĩa, tiến hành đúng thời cơ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi trên phạm vi cả nước và nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên độc lập và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam. 

(*) Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tập 1, tr.374. 

Đại tá, TS Dương Đình Lập