Những con tàu Không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguồn: Internet

QĐND - Gần đây, công tác tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển đã và đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trong nước cùng bạn bè quốc tế. Sở dĩ vấn đề này hấp dẫn mọi người, vì đây là con đường độc đáo, sáng tạo thể hiện tài thao lược của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương. Trong 14 năm (1961-1975), các lực lượng tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm nên những chiến công như những huyền thoại, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến tranh đã lùi xa hơn 36 năm, nhưng đến nay, nhiều nhà nghiên cứu của thế giới vẫn đang đi tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao với những con tàu nhỏ bé, trang bị thô sơ như vậy mà “Tàu không số” vẫn vượt qua được sự kiểm soát gắt gao của Mỹ-ngụy để vận chuyển một lượng lớn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam? Đây là sự thật hay huyền thoại?

Ngày 22-9-2011, Hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng tổ chức với chủ đề “Đường Hồ Chí Minh trên biển-con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam” đã khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một biểu tượng sáng ngời về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân rất độc đáo, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương. Đây là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, hiện thân của lòng quả cảm, trí thông minh, ý chí sắt đá, tình cảm thiêng liêng đối với miền Nam ruột thịt; là một kỳ tích độc đáo và mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội nhân dân và dân tộc Việt Nam anh hùng. Độc đáo và như huyền thoại, vì đây là con đường và phương pháp vận chuyển độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh thế giới. Nó làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, quy mô, sự dũng cảm và tính sáng tạo vô song của con đường, những con tàu và những con người tham gia tuyến đường này. Những con tàu “không số” cùng với cán bộ, chiến sĩ tham gia đều tuyệt đối giữ bí mật, kể cả với người thân, khi cần thiết phải hủy tàu và hy sinh cùng với con tàu để giữ bí mật con đường. Chính vì vậy, các phương tiện thông tin đại chúng đã dùng từ “huyền thoại” như: Cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển”; có tờ báo còn rút tít “Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường huyền thoại”; bộ phim tài liệu nhiều tập khởi chiếu trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 3-10-2011 cũng có tên là “Huyền thoại tàu không số”...

Theo tôi, cách sử dụng từ “huyền thoại” khi nói về đường Hồ Chí Minh trên biển hay về Đoàn tàu "không số" như các ví dụ trên là chưa phù hợp. Theo Từ điển tiếng Việt do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia biên soạn, xuất bản năm 2005, từ “huyền thoại” có nghĩa là: Câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng hư cấu nên. Theo đó, nếu chúng ta dùng từ “Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển” hay “Huyền thoại tàu không số” là không đúng với bản chất của con đường Hồ Chí Minh trên biển và những con tàu “không số”. Nếu tuyên truyền như vậy, thì ngay cả người Việt Nam cũng chưa thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của Đường Hồ Chí Minh trên biển, thế thì người nước ngoài phải tra từ điển tiếng Việt để dịch nghĩa.

Để giúp người đọc, người xem hiểu đúng về giá trị của Đường Hồ Chí Minh trên biển và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thiết nghĩ nên dùng từ “huyền thoại” cho phù hợp, có thể là: “...huyền thoại có thật”; “Tàu không số huyền thoại” hoặc “Những chiến công như huyền thoại”... vì thông điệp mà báo chí đưa ra phải là thông điệp dễ hiểu, đến được với đông đảo quần chúng nhất. Đây cũng là một yêu cầu trong công tác tuyên truyền về Đường Hồ Chí Minh trên biển mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đặt ra.

PHAN VĂN DIỄN