Bài 1: Cần đổi mới nội dung, hình thức, tăng tính hấp dẫn
Đánh giá kết quả thực hiện chương trình “Học kỳ trong Quân đội” giai đoạn 2012-2015, nhiều ý kiến cho rằng: Điểm nổi bật là chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo học sinh, phụ huynh. Tuyệt đại đa số các em sau khi tham gia "Học kỳ trong Quân đội" đều có sự tiến bộ trong rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, nền nếp; kỹ năng sống... Tuy nhiên, chương trình cần phải tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức để thu hút sự quan tâm, tham gia của học sinh và các bậc phụ huynh.
Mục tiêu là rèn kỹ năng sống, tạo tính tự lập
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội khẳng định: "Thực hiện Hướng dẫn liên tịch số 723, chương trình "Học kỳ trong Quân đội" đã đạt nhiều kết quả được dư luận xã hội đánh giá cao. Thông qua chương trình giúp các em có điều kiện rèn luyện kỹ năng sống, tạo tính tự lập, từng bước hình thành thói quen tốt, từ bỏ các thói quen xấu, biết yêu thương, kính trọng tình cảm ông bà, cha mẹ, thầy cô và bạn bè; có ý thức tự lập, đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời cũng giúp các em hiểu rõ hơn giá trị, tính chất đặc thù của hoạt động quân sự và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ bước đầu đạt được".
Hướng dẫn băng bó vết thương tại lớp “Học kỳ trong Quân đội” năm 2015 ở Trung đoàn 652, Cục Hậu cần, Quân khu 2.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, qua tìm hiểu của chúng tôi, không ít người cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của chương trình, như: Công tác phối hợp tổ chức của các tỉnh, thành, huyện đoàn, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn với các đơn vị quân đội có nơi chưa chặt chẽ trong xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch. Do vậy, quá trình thực hiện có nội dung chưa phù hợp, một số nơi lúng túng, bị động trong công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện. Nội dung, thời gian tổ chức cho mỗi lớp có đơn vị thực hiện chưa đúng chương trình khung. Điều phối viên, cán bộ quản lý điều hành huấn luyện, phương pháp, tác phong, kinh nghiệm trong tổ chức còn hạn chế, do vậy chất lượng, hiệu quả tổ chức một số lớp học chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra.
Để khắc phục những hạn chế trên, Trung tá Võ Văn Minh, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 5 chia sẻ: "Cần tập trung nâng cao kinh nghiệm, năng lực điều hành của các điều phối viên; khả năng phối hợp tổ chức thực hiện của các tỉnh, thành đoàn, các cơ quan đơn vị Trung ương Đoàn và đơn vị quân đội. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, môi trường văn hóa của các đơn vị quân đội tham gia chương trình phải được quan tâm đầu tư hơn nữa".
Góp thêm ý kiến nâng cao chất lượng chương trình, đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ cho rằng: "Cốt lõi phải đổi mới nội dung, hình thức tổ chức để tăng tính hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia".
Nghiên cứu thí điểm mô hình "Một ngày trong quân ngũ"
Về nội dung chương trình “Học kỳ trong Quân đội”, Thượng tá Đinh Quốc Hùng cho biết: “Các tỉnh, thành đoàn, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn cần chủ động phối hợp với các đơn vị quân đội xây dựng nội dung, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện và phương pháp tổ chức của từng đơn vị, sát với tính chất đặc thù của từng vùng, miền”.
Giờ học điều lệnh của lớp “Học kỳ trong Quân đội” năm 2015 tại Trung đoàn 652, Cục Hậu cần, Quân khu 2.
Theo đó, chương trình cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Công tác giáo dục quốc phòng và rèn luyện kỹ năng. Đối với công tác giáo dục quốc phòng, các đơn vị tập trung xây dựng nội dung giới thiệu giúp các em nâng cao nhận thức về truyền thống quân đội, đơn vị, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua các thời kỳ. Cùng với đó, giới thiệu cho các em tiếp cận với các thủ tục nhập ngũ, biên chế đơn vị, ra mắt tiểu đội, các chế độ trong ngày, trong tuần; kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị; huấn luyện thể lực, điều lệnh đội ngũ; một số kỹ thuật cơ bản của bộ binh và các hoạt động trò chơi quân sự...
Về rèn luyện kỹ năng, tập trung trang bị cho các em những kỹ năng xã hội, kỹ năng sinh hoạt tập thể, làm việc nhóm, khả năng tiếp cận và giao tiếp ứng xử, chia sẻ qua các chuyên đề về: “Cuộc sống muôn màu”, “Ước mơ thành công trong cuộc đời”, “Tài năng chiến sĩ”, “Bánh xe thời gian”, “Vòng tròn yêu thương”, “Tự tin chính mình”, “Vượt qua sợ hãi”... Các hoạt động bổ trợ góp phần rèn luyện khả năng tư duy, biểu cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng; biết quan sát, nhận biết, phán đoán và ứng phó với các tình huống trong cuộc sống; biết chia sẻ, mạnh dạn hơn trong nhận ra những sai lầm, khuyết điểm của mình, kiên quyết từ bỏ những thói hư, tật xấu.
Tuy nhiên, em Đặng Bảo Trâm, lớp 11CA, Trường THPT chuyên Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc cho rằng: “Nội dung dồn lại trong 7 ngày hơi nhiều, nên giãn ra khoảng 9 đến 10 ngày. Cá nhân em thích những hoạt động đồng đội, được tiếp xúc giao lưu với nhiều bạn mới và những hoạt động giúp em thể hiện khả năng bản thân. Em nghĩ, nên đổi mới các hoạt động và thay đổi kịch bản thường xuyên sẽ tạo được điểm mới, cuốn hút hơn”.
Để nâng cao chất lượng các buổi chuyên đề, theo đồng chí Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì các đơn vị cần mời những giảng viên có kinh nghiệm chuyên môn để nói chuyện về tình yêu thương gia đình, tình bạn bè tại các lớp. Ngoài ra, trước yêu cầu của phụ huynh học sinh dưới 9 tuổi, mong muốn các cháu tham gia chương trình nhưng thời gian chỉ một ngày. Đây là thực tế đặt ra cho các đơn vị, cần nghiên cứu, đưa hình thức “Một ngày trong quân ngũ” vào chương trình, để các em nhỏ được trải nghiệm, tạo sân chơi mới bổ ích, lý thú, ý nghĩa hơn cho các em.
Đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển Thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian tới, trung tâm sẽ bổ sung thêm các nội dung mới, các nội dung huấn luyện nâng cao, để các em học viên đã tham gia khóa cơ bản các năm trước có thể tiếp tục tham gia các khóa nâng cao tại các đơn vị quân đội, nhằm đa dạng hóa mô hình, tăng sức hấp dẫn cho học sinh”.
Bài và ảnh: THÀNH SÁNG – HÀ KHOA
---------------------------------
Bài 2: Xã hội hóa nhưng không thương mại hóa