QĐND - Sau hai năm (1973-1974) tạo thế và tạo lực, so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam có những chuyển biến căn bản có lợi cho ta, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã thống nhất kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, trong đó năm 1975 tạo tiền đề để năm 1976 tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Đến khi ta giành thắng lợi ở Phước Long (6-1-1975), Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Ngoài kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Xe tăng Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu

 

Tận dụng thời cơ, sau những hoạt động nghi binh, rạng sáng ngày 10-3-1975, ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Bị đánh bất ngờ, địch lúng túng đối phó và thiệt hại nặng, thì trưa ngày 11-3, ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột. Phát huy thắng lợi, ta chủ động tạo thời cơ, gây cho địch khó khăn, buộc chúng phạm những sai lầm mới. Trên cơ sở đó, ta nhanh chóng tận dụng thời cơ thuận lợi đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 23 bộ binh và Liên đoàn biệt động 21 của Quân đội Sài Gòn, đẩy địch vào những sai lầm nghiêm trọng hơn, khiến chúng không còn cách nào khác là phải rút bỏ Tây Nguyên vào ngày 15-3-1975. Tình huống mới, thời cơ mới lại xuất hiện, từ ngày 16 đến 24-3-1975, ta nhanh chóng tập trung lực lượng mở cuộc truy kích tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trên đường số 7, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, trực tiếp là tạo thời cơ thuận lợi cho ta thực hành tiến công địch ở Trị Thiên-Huế.

Khi quân địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, thời cơ giải phóng Trị-Thiên-Huế và các tỉnh miền Trung xuất hiện, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Quân đoàn 2 và Quân khu Trị-Thiên thực hiện chia cắt chiến lược, cô lập Huế với Đà Nẵng, không cho địch co cụm về Đà Nẵng cố thủ. Trên cơ sở phương án tác chiến, từ ngày 5 đến 20-3, ta nhanh chóng phát triển tiến công tiêu diệt hàng loạt vị trí địch, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, nắm chắc thời cơ thuận lợi, từ ngày 21 đến 26-3-1975, ta dốc toàn lực phát triển thế tiến công, tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến và các đơn vị bộ binh, binh chủng của địch, giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên. Tận dụng thời cơ mới, từ ngày 26 đến 28-3, ta tập trung đánh chiếm các vị trí địch ở vòng ngoài và triển khai lực lượng áp sát bao vây cô lập, tiến tới thực hiện đánh trận then chốt quyết định giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng (29-3-1975). Thắng lợi ở Đà Nẵng đã tạo ra thời cơ chiến lược mới cho quân và dân ta nhanh chóng tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng, sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chớp thời cơ “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, ta tập trung lực lượng, tranh thủ thời gian cao độ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (tháng 5-1975). Thực hiện quyết tâm đó, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc (từ ngày 9 đến 20-4-1975), ta đã đập tan khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản của địch, mở toang cánh cửa phía đông tiến vào Sài Gòn. Từ ngày 26 đến 28-4-1975, ta nổ súng tiến công mạnh và đồng loạt trên 5 hướng (tây bắc, bắc, đông nam, đông, tây-tây nam), đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, bao vây cô lập Sài Gòn. Đến ngày 29-4-1975, ta thực hành tổng tiến công tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài và vùng ven. Phát triển thời cơ thuận lợi, ngày 30-4-1975, trên các hướng, quân ta thực hành tổng công kích vào nội thành, kết hợp với nổi dậy của nhân dân, giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, hành động táo bạo, linh hoạt và sáng tạo. Chớp thời cơ thuận lợi, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược giải phóng miền Nam, mở đầu ở Buôn Ma Thuột và kết thúc ở Sài Gòn, bao gồm một tổng thể quá trình tạo thời cơ, tận dụng và nắm vững thời cơ trong các chiến dịch, các đợt hoạt động tác chiến phối hợp với nổi dậy của nhân dân dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Trong đó nổi bật là nghệ thuật nắm vững thời cơ phát triển thần tốc theo phương án của thời cơ chiến lược kế tiếp nhau bằng 3 đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược ở Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng và Sài Gòn, thời cơ đòn tiến công chiến lược trước tạo thuận lợi cho đòn tiến công chiến lược sau, đòn tiến công chiến lược sau tận dụng hiệu quả thời cơ của đòn tiến công chiến lược trước, giành thắng lợi dồn dập đi đến thắng lợi cuối cùng. Đây là bước phát triển đỉnh cao của nghệ thuật nắm vững thời cơ cách mạng, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP