QĐND Online - Nắng phương Nam lan tỏa, tôi và cháu Nguyễn Phúc Huy bước vào cư xá Nguyễn Trung Trực, đường 3/2, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh thăm Đại tá Nguyễn Văn Thi, nguyên Tư lệnh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Cục trưởng Hậu Cần miền.
 |
Vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Thi, nguyên Tư lệnh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định
|
Tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Minh Phú, cựu phóng viên chiến trường, ở Sư đoàn 330, đơn vị ông Đồng Văn Cống phụ trách. Ông Năm Thi bệnh từ mấy năm nay, không đi lại được. Độ còn khỏe, cứ chiều mồng 1 tháng 9, là ông trịnh trọng treo lá cờ mới nhất lên, rồi ngắm, không ai giành được việc đó với ông hết. Nhớ năm 1974, ông là một trong số người đầu tiên trao trả tù binh ở Quảng Trị, tình hình đang căng thẳng. Được tin người của Ủy ban Thống Nhất báo, vợ sốt nặng 410C, do nhiễm chất độc da cam, không giữ được cái thai. Ông Năm Thi liền tức tốc cùng lái xe, nhịn ăn, đi ngày đêm về Hà Nội. Gặp vợ, ông nghẹn lời: - “Anh không có tiền, dọc đường mua đồ ăn cho thằng Giao nó ăn. Anh nhịn, về với em là được. Sợ em chết, em bỏ anh! …”. Ở hai hôm, ông lại quay vào Quảng Trị, mang theo 1/2kg hồng sâm Triều Tiên, ông Nguyễn Thọ Chân thăm vợ ông. Bà nói ổng mang vào cho anh em trong đó. Bà nhận thấy trong ông con người cách mạng sôi động, sự lãng mạn, phong phú, trung kiên với Đảng, với nhân dân và sự tận tụy cống hiến hết tâm lực mình. Mãi mãi trong đời, bà thấy hạnh phúc, thầm kính trọng ông.
Một trong những trận đánh thể hiện khả năng tổ chức, tài năng, tác phong chỉ huy, tinh thần dám chịu trách nhiệm của ông là trận Bình Quới Tây.
Bình Quới Tây là một xã ven đô Sài Gòn – Gia Định, nằm gọn trong một vòng cung gần tròn của sông Sài Gòn bao quanh. Địch lập “chiến khu quốc gia” ở đây, để bảo vệ an toàn Sài Gòn, để dễ phát huy ảnh hưởng vào khu vực này và các vùng ven đô Sài Gòn – Gia Định. Phá “chiến khu quốc gia” của đương kim Thủ tướng Nam kì tự trị là một việc lớn. Ông Năm Thi báo cáo kế hoạch với Bí thư Tỉnh ủy. Một Ban phụ trách phá chiến khu được lập ra gồm ba người: Nguyễn Văn Thi, Lương Đường Minh, Trần Minh Phú, do đồng chí Nguyễn Văn Tiết lãnh đạo. Ông Năm Thi kể:
- “Qua được cửa ải đầu tiên rất quan trọng là đưa Hoàng Của vào Bộ Tham mưu địch, việc ta cài người được triển khai rộng, nhưng không có vẻ gì vội vàng làm cho địch nghi ngờ. Đầu tiên tôi chọn bốn đồng chí: Bảy Thanh, Xuân, Ty và Mười Tài đều là những cán bộ trẻ năng nổ, xông xáo và gan dạ. Tới “chiến khu quốc gia”, bốn anh em được Hoàng Của “gà” văn phòng của Lê Văn Hoạch cấp cho họ “giấy thông hành công lệnh” có chữ kí của Lê Văn Hoạch và đại diện Phòng nhì Pháp. Loại giấy thông hành này rất mạnh, đi khắp Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định mà không một sắc lính nào dám đụng đến.
Đợt đưa người lần thứ hai (5/1947), tôi chọn 64 anh em du kích, vì họ đã quen chiến đấu, giặc đến họ đánh, giặc rút họ trở về với công việc bình thường, thật khó mò ra tung tích họ.
Đợt thứ ba, tôi chọn thêm một số chiến sĩ Đại đội 1, để làm nòng cốt, đặc biệt có 5 xạ thủ súng máy loại cừ. Các đợt tiếp theo, chỉ mười mấy hai chục người. Đợt cuối, có những tay súng trường và đồng chí Tám Lãnh - Đội trưởng đội biệt động, rất mưu trí dũng cảm.
Cả mấy đợt cài người, quân số bên ta được hơn 130 người gồm: du kích, tín đồ, bộ đội, biệt động với hơn 20 đảng viên, cán bộ chỉ huy là 4 anh em đi đợt đầu tiên.
Hoàng Của xin chỉ thị, bố trí doanh trại thế nào cho hợp lí? Việc bố trí đội hình là một bước bày khai thế trận, cần phải tính toán kĩ. Tôi bảo Hoàng Của về trước. Tôi sẽ tới tận nơi xem xét địa hình Bình Quới Tây.
Hoàng Của lúc này là tham mưu trưởng “chiến khu quốc gia”. Tôi đóng vai tùy tùng của tham mưu trưởng, đi đến đâu cũng thấy Hoàng Của được trọng vọng. Trước khi ra về, tôi quyết định đặt đội hình ta đối mặt với đối phương, hai doanh trại cách nhau 100 mét.
Cuối tháng 11 năm 1947, tôi cho gọi Ba Thành phụ trách giao liên quân sự, bảo: - Gấp rút tổ chức một đường liên lạc bằng thuyền từ Lái Thiêu đến bến đò Bình Quới. Khi liên lạc giao thông đường thủy đã thông suốt, thì ngày 3-12-1947, có cán bộ Tỉnh ủy Thủ Dầu Một báo cáo với anh Hai Trí – Chính ủy Khu là: “Tình hình nguy hiểm, có nguy cơ hơn một trăm anh em Chi đội 1 đưa vào, có thể bị tàn sát”. Hoảng lên, anh Hai Trí điện cho tôi: - “Trong ba ngày phải bỏ đi, giải quyết cho xong đối tượng X, không được chậm trễ.”
Tôi bấm đốt ngón tay:
-Xin anh Hai 7 ngày. Bảy ngày tôi xin hoàn tất.
Thế ta đã ở trên lưng cọp. Bộ tham mưu của Lê Văn Hoạch vẫn chưa võ trang một cây súng nào cho “lực lượng Thủ Dầu Một”. Ta định khi chúng vũ trang cho “đại đội Thủ Dầu Một”, thì mới trù liệu cách giải quyết. Lực lượng đối phương gấp đôi ta? Suy nghĩ mấy đêm đến bạc đầu, sáng 6-12-1947, tôi lấy danh nghĩa mở tiệc mừng làm ăn phát tài, triệu tập một cuộc họp tại khách sạn ở trung tâm Chợ Lớn, gồm: Hoàng Của, Bảy Thanh, Xuân, Ty, Mười Tài, Tám Lãnh và hai xạ thủ tiểu liên.
Một kế hoạch biến lực lượng ta từ yếu trở thành mạnh được vạch ra và được hết sức tán đồng. Phổ biến xong mệnh lệnh, ông Năm Thi nhìn anh em một lượt, cười: -“ Làm được không nè?” Hoàng Của cười: - “Nhất định phải được. Ta đã vào hang cọp và đã cưỡi trên lưng nó rồi.” Các anh em đồng thanh: - Trăm người như một, anh em chúng ta có hơn một trăm trái tim và hơn một trăm cái miệng, vậy mà đã mấy tháng rồi, bí mật vẫn được giữ vững, mặc dầu kẻ địch ra sức dò xét, đánh hơi, thử thách.
Kết thúc cuộc họp, ông Năm Thi nói:
- “Các anh thấy đó. Ta đang ở thế chủ động, mạnh đoàn kết, mạnh ý chí. Vũ khí có kém, thì ta tạo lực bằng cách tạo thời cơ thật thích hợp, khiến chúng mất cảnh giác, bộc lộ sơ hở và ta sẽ chộp ngay sơ hở đó mà quật ngã chúng. Các anh cần phải chú ý là, ta có 3 cụm chiến đấu cần giải quyết. Một là ban tham mưu – cơ quan đầu não điều hành căn cứ, phải đánh giập đầu rắn, nếu để chúng lọt lưới, thế trận chúng ta sẽ bị đảo lộn ngay. Hai là tháp canh Cầu Sắt – khi ta ra tay, mà nó đứng sừng sững đó, quân tiếp viện sẽ cơ động ứng cứu dễ dàng. Ba là đại đội Tây Ninh - người và vũ khí nguồn sinh lực của đối phương. Nói cách khác là, ba quả đấm thép phải giáng cùng một lượt, vào đúng ngày N, giờ G, phải bị ta hạ gục. Không được phép chuệch choạc. Không được phép sơ sểnh. Ta đã chọn giờ G, vừa hạn chế tác dụng của quân cứu viện, vừa để ta rút khỏi chiến trường về căn cứ được an toàn. Nên nhớ, ta làm ăn lụp chụp, nổ súng kéo dài, quân địch toàn thành phố và vùng lân cận sẽ báo động đỏ ngay.”
Hoàng Của về, đề nghị với Lê Văn Hoạch tổ chức ăn mừng kỉ niệm ngày hòa nhập giữa hai lực lượng ở “chiến khu quốc gia” vào ngày 9, ngày 10 và được chấp thuận.
Sau khi phân công cho Lương Đường Minh, đưa một trung đội xuống ém ở bờ tả ngạn sông Sài Gòn, bắt liên lạc với chốt gác bến đò Bình Quới, ông Năm Thi giao cho Trần Minh Phú dẫn một lực lượng cùng 2 xe bò để sẵn sàng đón chở anh em thương binh, vũ khí đạn dược về căn cứ ta. Đồng thời lệnh cho Ba Thành từ đêm mồng 9 tháng 12 hãy sẵn sàng với chiếc ghe ba tấn.
Ngày N. đã định. Ông Năm lại xuống tận nơi lần nữa, để kiểm tra thế trận, nhắc lại mệnh lệnh và kế hoạch tác chiến.
Thấy ông Năm Thi bất ngờ xuất hiện trước giờ nổ súng, anh em hết sức phấn khởi. Những ánh mắt ngời sáng chan chứa niềm tin, ngầm hứa hẹn đảm bảo thành công. Ông Năm muốn ở lại trong giờ phút nghiêm trọng này. Nhưng, Ba Của, Bảy Thanh yêu cầu ông Năm Thi hãy tin ở anh em. Thế là ông đành phải lên xe, ra về. Đến cầu Bình Lợi thì đúng giờ G., liền nghe súng nổ mấy tiếng, mấy phút sau nổ mấy loạt rồi im bặt. “Ăn rồi!” Ông Năm nghĩ bụng.
Lúc này, ở “chiến khu quốc gia”, đúng 14 giờ ngày 10 - 12 - 1947, một trận đá bóng giữa “đội Tây Ninh” và “đội Thủ Dầu Một” đang diễn ra tại sân chào cờ, nằm giữa doanh trại hai bên. Sau lưng “đội Tây Ninh” là doanh trại của họ ở phía tây. Sau lưng “đội Thủ Dầu Một’ là doanh trại đối diện. Cổ động viên bên nào thì ở phía bên ấy.
Qua hiệp một, sau giờ giải lao, hai bên đổi sân. Sau lưng “đội Thủ Dầu Một” và cổ động viên của ta, lại là doanh trại của “đội Tây Ninh”.
Lúc này, ngay tại sở chỉ huy, tham mưu trưởng Hoàng Của đang mở tiệc chiêu đãi 5 tên trong ban tham mưu Bình Quới Tây, có sự tham gia của cán sự tham mưu Bảy Thanh.
Hoàng Của liếc nhìn đồng hồ tay, biết hiệp hai bóng đá đã bắt đầu. Chờ đúng 15 giờ 15 phút, anh đưa mắt cho Bảy Thanh và bất thình lình hai người vụt đứng lên. Khẩu Vickers trong tay Hoàng Của vẩy vào hai sĩ quan tham mưu quan trọng nhất. Còn Bảy Thanh với khẩu Colt 12 đã bắn chết ba tên sĩ quan còn lại.
Súng nổ tại ban tham mưu là hiệu lệnh tấn công trên toàn mặt trận. Các cầu thủ bên ta vội ngưng chân bóng, quay lại cùng các “cổ động viên” đằng mình, chạy về phía sau lưng, vào các giá súng của đội Tây Ninh. Xạ thủ súng máy chụp lấy các khẩu súng máy, một tổ chiếm khẩu cối 60, súng trường, lựu đạn, … Xuân và Ty cầm tiểu liên bắn chặn, không cho tên lính bên Tây Ninh nào dám nhào về lấy súng.
Ta dàn trận, nã đạn vào những tên ngoan cố, bức hàng và bắn đuổi một số khác chạy ào vào sình lầy. Phá cổng nhà giam, mấy chục người được trả tự do. Vợ con binh sĩ trong khu gia binh và số lính bị bắt, trước khi thả ngay tại chỗ, được giải thích rõ về âm mưu của địch, chính sách khoan hồng của cách mạng.
Tháp canh Cầu Sắt, trước giờ G., Tám Lãnh đã cùng một tổ có mặt, đẩy xe đến chở nước như thường ngày, nhân tiện đưa rượu thịt để cùng số lính trong tháp canh tổ chức ăn mừng. Đang khi chén tôi, chén anh, nghe hiệu lệnh, Tám Lãnh cùng đồng đội hạ gục các đối thủ, chiếm ngay ổ súng máy, bịt chặt con đường độc đạo từ Sài Gòn vào, sẵn sàng đánh quân tiếp viện.
Ở phía sông Sài Gòn, đơn vị đặc biệt của Lương Đường Minh giấu mình trong mấy lùm dừa nước, chờ đợi. Chiếc ghe ba tấn của Ba Thành cũng đợi sẵn. Chốt gác của ta ở bến đò Bình Quới kêu xét và giữ lại một số ghe lớn, từ trưa. Khi nghe súng nổ, rồi hàng trăm quân ta cùng chiến lợi phẩm từ trong “chiến khu” Bình Quới lao ra. Một cán bộ ta, bắc tay làm loa: “Thưa đồng bào, xin lỗi các má, các chị, chúng tôi bộ đội và đạo hữu vâng lệnh trên đã tiêu diệt hoàn toàn chiến khu ma Bình Quới. Bây giờ, xin nhờ các má, các chị đưa chúng tôi qua sông”. Các má, các chị đổi giận làm vui, hoan hô nhiệt liệt.
Khoảng 3, 4 giờ khuya hôm đó, bờ sông bên Thủ Đức, trung đội của Lương Đường Minh và bộ phận của Trần Minh Phú, đón anh em trên hai chiếc xe bò, về đến căn cứ ở Thuận An Hòa, không mất một người và được anh Nguyễn Văn Tiết hoan nghệnh nhiệt liệt.
Anh Chín Phú nói: “Tài tổ chức và chỉ huy của anh Năm Thi thật đặc biệt. Anh Năm thật dám làm, dám chịu …”
Sáng 11 tháng 10 năm 1947, báo chí Sài Gòn chạy tít lớn: “Trong mấy phút, chiến khu quốc gia đã bị xóa sổ trên đất Sài Gòn – Gia Định”.
Nguyễn Minh Thu