QĐND Online - Vận dụng mưu kế là quá trình tư duy sáng tạo và tổ chức điều hành căng thẳng của người chỉ huy và cơ quan chỉ huy trong chiến đấu. Trên cơ sở nắm vững nhiệm vụ, mục tiêu tác chiến, hiểu rõ tình hình địch, tình hình ta và môi trường tác chiến, người chỉ huy phải đặt ra và giải đáp những câu hỏi: Tập trung tiêu diệt địch ở đâu, lúc nào là có lợi nhất? Và như vậy, phải lừa địch bằng cách gì, cắt, vây, kìm địch ở đâu? Địch sẽ phản ứng thế nào, ta tiếp tục đánh địch ở đâu, bằng lực lượng nào… Mưu hay, kế giỏi là phải lừa được địch và điều khiển được địch. Cho nên, mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch.

Trong lịch sử quân sự Việt Nam, nghi binh, lừa địch là một mưu kế chính đã được ông cha ta vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo.

Nghi binh, lừa địch là dùng mọi biện pháp để địch không biết đâu là ý định thật của ta, đi đến phán đoán lầm, hành động sai, bộc lộ sơ hở, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đánh địch ở nơi và vào lúc đã chọn.

Đây là biện pháp được các nhà quân sự từ xưa đến nay hết sức quan tâm và vận dụng rộng rãi. Clau-dơ-vít viết: “Kẻ dùng mưu chước nhằm làm cho người mình muốn lừa phạm phải những sai lầm trong suy nghĩ, những sai lầm này cuối cùng sẽ tập trung vào một kết quả độc nhất là đột nhiên làm biến đổi trước mắt họ bản chất của sự vật” (1). Sách “Binh thư yếu lược” có mục “Dùng cách lừa dối” cũng nhấn mạnh: “Điều cốt yếu để đánh được địch, không phải chỉ dùng sức mạnh để chống, còn phải dùng thuật để lừa… lừa bằng vụng, lừa bằng khôn, cũng lừa bằng sự lẫn lộn hư thực…” (2).

Sư đoàn 316 phối hợp với xe tăng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975. Ảnh tư liệu.

Tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng biện pháp nghi binh, lừa địch trong tác chiến. Người viết: “…mình phải lừa quân thù không chú ý phòng bị chỗ ấy mà lại phòng bị chỗ khác, nghĩa là náo phía đông, đánh phía tây” (3), “…làm cho chúng mắt mù, tai điếc, hoặc truyền đến cho chúng những tin tức sai lầm để lừa gạt chúng” (4).

Nghi binh lừa địch có nhiều cách như tung tin giả, tạo ra các mục tiêu giả, hiện tượng giả, tiến hành các hoạt động giả nhằm đánh lạc hướng chú ý của đối phương vào nơi này, hướng này, để rồi bất ngờ hành động thật ở nơi khác, hướng khác. Ngày nay, với việc sử dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, việc tạo giả, tung tin giả, gây nhiễu để thực hiện nghi binh càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Vì vậy, muốn nghi binh lừa địch có hiệu quả, phải thực hiện tốt các biện pháp trinh sát để nắm đúng, hiểu đúng địch, đồng thời phải tăng cường việc ngụy trang, giữ bí mật về lực lượng, ý định tác chiến của mình. Trước hết, phải không để bị địch lừa rồi mới lừa được địch.

Lịch sử quân sự Việt Nam đã có nhiều bài học thành công về nghi binh lừa địch. Trong chiến dịch Biên Giới - Thu Đông 1950, ta tổ chức nghi binh rầm rộ ở Lào Cai và tiến công Bắc Hà trên hướng Tây Bắc, thu hút sự chú ý của quân Pháp vào hướng đó, để rồi bất ngờ mở chiến dịch trên hướng Đông Bắc, giành thắng lợi giòn giã.

Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, để bảo đảm cho trận mở màn đánh chiếm căn cứ Tân Cảnh, ta đã tiến hành một loạt biện pháp nghi binh, tạo thế: Đánh cắt đoạn quốc lộ 14 từ Pleicu đi Kon Tum và từ Kon Tum đi Tân Cảnh, đồng thời mở hai đoạn đường quân sự làm gấp ở tây bắc thị xã Kon Tum và phía tây sông Pô Kô, làm cho địch tin chắc ta sẽ đánh Kon Tum nên tung Lữ dù 3 là lực lượng dự bị chiến lược ra tây bắc Kon Tum nhằm phá sự chuẩn bị tiến công của ta. Lực lượng ta được chuẩn bị sẵn đã tiêu diệt một bộ phận quân dù, số còn lại bị ta giam chân ở đó. Thế là ta có điều kiện bất ngờ tập trung đánh chiếm Tân Cảnh mà địch không có cách gì cứu viện được.

Trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, ta cũng dùng các biện pháp điều quân, cắt được giao thông, tác chiến nghi binh để hút địch về hướng Kon Tum, Pleicu và vây hãm địch ở đó, bảo đảm cho trận mở màn đánh chiếm Buôn Mê Thuột diễn ra bất ngờ, giành thắng lợi nhanh gọn.

Đại tá, Ths MAI DANH THƯ (Lược thuật từ sách Nghệ thuật tác chiến – Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo)

(1): Các Phôn Clau-dơ-vít, Bàn về chiến tranh, phần một, tr274

(2): Binh thư yếu lược, tr183

(3), (4): Hồ Chí Minh, Những bài viết và nói về quân sự, t1, tr138-139,140