Gần gũi, đối thoại để tháo gỡ vướng mắc
Câu chuyện về Binh nhì Ngô Tiến Đức, Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, quê ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) những ngày đầu về đơn vị tâm lý bất ổn, thường xuyên ra hành lang nhà ngồi khóc, chểnh mảng công việc... là một ví dụ điển hình. Cán bộ đơn vị tìm hiểu và được biết nguyên nhân do Đức chưa muốn đi bộ đội, lại là con một trong gia đình. Tuy nhiên, bố mẹ muốn Đức được rèn luyện trong môi trường quân đội nên Đức miễn cưỡng phải nhập ngũ vào đầu năm 2021. Trước tình trạng đó, Chính trị viên Đại đội 1 đã điện thoại về gia đình để tìm hiểu thêm về cuộc sống hằng ngày, tính nết, quan hệ bạn bè của Đức, từ đó phối hợp với gia đình làm công tác giáo dục, động viên. Vào ngày nghỉ cuối tuần, đại đội tạo điều kiện để Đức cũng như nhiều đồng đội gọi điện thoại về gia đình. Nhờ sự quan tâm của chỉ huy đơn vị, sự động viên từ gia đình, tâm lý Đức dần ổn định, giải tỏa được suy nghĩ tiêu cực, mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, huấn luyện, nhiều lần được biểu dương trên bảng tin đại đội. Kết quả này không những làm Đức phấn khởi, thêm động lực phấn đấu mà chỉ huy đơn vị cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quản lý bộ đội.
 |
Cán bộ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 trò chuyện cùng chiến sĩ. |
Với đặc thù quân số đông, chiến sĩ tuổi còn trẻ, lần đầu xa nhà, tâm lý chưa vững nên việc quan tâm đến tư tưởng, tình cảm của quân nhân luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp ở trung đoàn chú trọng. Đơn vị duy trì sinh hoạt ngày chính trị, văn hóa tinh thần vào thứ năm tuần đầu tháng, có tháng sinh hoạt cấp đại đội, tiểu đoàn, có tháng sinh hoạt cấp trung đoàn nhằm đối thoại dân chủ với bộ đội. Ở các buổi sinh hoạt, chỉ huy từng cấp trực tiếp đối thoại với sĩ quan trẻ, chiến sĩ, giải đáp từng vấn đề bộ đội quan tâm, khúc mắc. Những vấn đề trong thẩm quyền mỗi cấp thì giải đáp, xử lý ngay, với kiến nghị ngoài quyền hạn sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất theo lịch hẹn. Trung úy Đào Đăng Duy, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 cho rằng: “Công tác tư tưởng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bộ đội nên đại đội thường xuyên sâu sát, nắm chắc tình hình, động viên, khích lệ bộ đội vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập, huấn luyện. Những vấn đề giải đáp trong buổi sinh hoạt chưa rõ thì chỉ huy có thể gặp gỡ riêng để trao đổi với chiến sĩ”.
Thiết thực quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần
Nhằm góp phần quản lý bộ đội hiệu quả, Trung đoàn 50 còn đẩy mạnh các hoạt động thi đua như: “Giờ học kiểu mẫu”, “Trung đoàn không có quân nhân vi phạm kỷ luật”. Mặt khác, đơn vị tổ chức những sân chơi bổ ích như: “Chúng tôi là chiến sĩ”, “Tâm sự đồng đội”, “Sinh nhật đồng đội”... giúp gắn kết thêm tình đồng chí, đồng đội, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của mỗi quân nhân. Cùng với đó, đơn vị thực hiện tốt việc công khai tài chính, các tiêu chuẩn, chế độ bộ đội được hưởng... Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế quân nhân, thẻ bảo hiểm y tế thân nhân quân nhân, trợ cấp khó khăn đột xuất... cũng được đơn vị thực hiện kịp thời, chu đáo. Mặt khác, trung đoàn vừa khánh thành 5 nhà chòi, vườn hoa để bộ đội có thêm không gian giải trí, thư giãn sau giờ huấn luyện, đồng thời đây cũng là nơi tiếp đón gia đình chiến sĩ khi lên đơn vị. Từ những việc làm này, chiến sĩ càng yên tâm tư tưởng, yêu mến, gắn bó với đơn vị.
Theo Trung tá Vũ Văn Việt, Chính ủy Trung đoàn 50, một trong những thành công của đơn vị trong công tác quản lý bộ đội thời gian qua là đã phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và tổ 3 người giúp chiến sĩ tự tin giãi bày suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, hiểu thêm về nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Với chiến sĩ mới, trung đoàn thường xuyên giữ mối liên hệ và phối hợp, trao đổi thông tin với gia đình, địa phương, kịp thời thông báo kết quả huấn luyện, học tập để gia đình yên tâm, động viên con em phấn đấu, rèn luyện. Bên cạnh đó, đơn vị coi trọng việc xây dựng con người văn hóa, cảnh quan văn hóa để cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn, cùng chung tay xây dựng đơn vị, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI