 |
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng-Tư lệnh Quân khu 4, người tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại chiến trường Trị Thiên.
|
Đến cuối năm 1967, đơn vị chúng tôi đã vượt sông Bến Hải vào chiến trường Trị Thiên, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khi đó, tôi là tiểu đội trưởng, tinh thần xung phong chiến đấu, ra mặt trận của bộ đội rất cao. Mặt trận Đường 9-Khe Sanh ác liệt, ta tổ chức vây ép Khe Sanh, phối hợp với đồng bằng và thành phố… Chúng tôi đã đánh nhiều trận, đã vượt qua rất nhiều cửa mở, mà cửa mở nào cũng có cán bộ, chiến sĩ ta ngã xuống. Nhiều đêm, hơn bảy mươi tay súng vào cứ điểm, trở về còn ba, bốn người… Có trận, chúng tôi bị “phơi áo” trước hỏa điểm của địch, nhưng vẫn không nao núng, tìm mọi cách tiến lên. Tôi còn nhớ rõ các chiến sĩ trong tiểu đội như Hoàng Văn Tu, Nguyễn Văn Những v.v.. đã vĩnh viễn nằm lại trên hàng rào dây thép gai. Anh Sự, cán bộ đại đội, anh Hồng, chính trị viên luôn theo sát bộ đội, chỉ huy từng trận đánh giành thắng lợi, nhưng rồi, các anh cũng đã nằm lại… Chúng tôi chiến đấu ở một hướng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đêm đêm lắng nghe tin tức qua radio, qua bản tin chiến sự của đài Tiếng nói Việt Nam, hướng về đồng bằng và thành phố, lòng như có lửa đốt…
Cuộc chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Xuân Mậu Thân đã làm tôi trưởng thành lên rất nhiều. Đến bây giờ, đã có nhiều đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của các nhà nghiên cứu quân sự, chính trị trong và ngoài nước, riêng tôi cho rằng, Mậu Thân 1968 đã giáng cho Mỹ một đòn quân sự-chính trị đích đáng; nhiều thành phố, đô thị ta đã chiếm giữ được trong một thời gian; phong trào nhân dân nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng rộng khắp v.v.. đã dẫn đến buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải ngồi vào bàn đàm phán hội nghị Pa-ri về vấn đề hòa bình ở Việt Nam… Thông qua cuộc tiến công này, ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, chỉ huy quân đội và nghệ thuật chiến dịch, cũng như vấn đề huy động sức người, sức của cho chiến tranh giải phóng. Mậu Thân 1968 là cuộc tổng duyệt lớn để tiến đến mùa Xuân toàn thắng 1975.
Ấn tượng còn mãi trong tôi đến bây giờ, ký ức không bao giờ quên về mùa Xuân Mậu Thân 1968 là trong ác liệt, khói lửa chiến tranh ngút trời, tinh thần chiến đấu, lòng quả cảm, đức hy sinh của bộ đội và nhân dân luôn ngời sáng. Đó chính là nhân tố đã làm nên một mùa Xuân lịch sử…