QĐND - Đã quá trưa mà trời vẫn không một chút nắng. Gió bấc hun hút thổi làm se cả mặt ruộng vừa mới gặt. Trên một khoảnh ruộng của Đội 1, xã Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa), hơn ba chục chàng lính choãi chân ngập trong bùn, hì hục kéo đoạn đường ống nặng ngót 700kg vào tuyến. Họ là những người lính đường ống thuộc Phân kho 14, Kho 661 (Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần).

Thú thực là trước đây, cứ mỗi lần nhắc tới lính xăng dầu, trong tôi lại chỉ hình dung ra những chàng bộ đội miệng bịt khẩu trang, tay cầm vòi bơm ghếch vào miệng xe téc và xả van bơm nhiên liệu... thế là xong. Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy thì lính xăng dầu nói chung là... nhàn.

Bộ đội Phân kho 14 thi công tuyến ống. Ảnh: Phan Anh

Đem suy nghĩ ấy nói với Trung tá Lê Đức Thọ, Chủ nhiệm Phân kho 14, anh hơi sững lại rồi thốt lên: “Ấy ấy, anh suy nghĩ thế thì oan cho anh em chúng tôi quá! Này nhé, tôi kể sơ qua để anh thấy phần nào sự vất vả của lính đường ống chúng tôi nói riêng và lính xăng dầu nói chung... Ở phân kho này, chúng tôi đảm nhiệm cung cấp xăng dầu cho Bộ đội Không quân là chính, ngoài ra còn cung cấp cho một số đơn vị khác. Từ đây đến đơn vị nhận hàng xa cả mấy chục cây số. Dùng xe để chở thì rõ là không hiệu quả, chỉ còn cách cung cấp bằng đường ống. Thế nghĩa là chúng tôi phải quản lý, duy tu, bảo dưỡng, nói gọn lại là trông chừng bằng ấy đoạn đường ống sao cho thật an toàn, vận hành thật suôn sẻ. Anh tính tài sản cả nghìn tỷ đồng nằm ngoài doanh trại, xuyên qua làng mạc, đồi núi... nên chỉ sơ sểnh một chút là nhận kỷ luật như chơi. Đấy mới chỉ là “cái vỏ”, còn “cái ruột” bên trong mới quan trọng, bởi khi vận hành, mình sơ suất mà để thất thoát thì có tội với đơn vị nhận hàng, có tội với nhân dân. Vì thế anh em chúng tôi phải rải người ra toàn tuyến, kiểm tra thường xuyên cả ngày lẫn đêm... Đấy, tôi mới kể sơ qua anh đã thấy tính chất phức tạp của lính đường ống chưa?”.

Quả thật là tìm hiểu kỹ mới thấy cánh lính đường ống hóa ra vất vả thật. Chẳng hạn việc thi công tuyến cũng phải tính toán sao cho đúng lúc bà con đã thu hoạch mùa màng. Thành thử mùa hè thì nóng như đổ lửa, mùa đông thì gió rét cắt da, thế nhưng anh em vẫn phải lặn ngụp ngoài đồng để đào tuyến, kéo ống. Khi đường ống đi xuyên qua ao hồ, vườn tược nhà dân thì có lúc phải mời cả chỉ huy kho vào làm công tác dân vận thì công việc mới êm xuôi.

Thượng tá Lê Hồng Nam, Phó chủ nhiệm kho cùng đi kiểm tra thi công tuyến với chúng tôi góp chuyện: “Khi vận hành đường ống thì cả Ban chỉ huy kho cũng phải có mặt trên tuyến, bởi đó là nhiệm vụ quan trọng, có tình huống phát sinh còn kịp thời xử lý. Nói thật với các anh, mình có tài ba đến mấy cũng không thể trông chừng được toàn bộ tuyến ống đâu. Thế nên phải dựa vào dân là chính. Tuyến của chúng tôi chạy qua 21 xã, qua phần đất của gần 550 hộ dân. Tất cả các hộ dân chúng tôi đều đến đặt vấn đề để họ giúp bảo vệ đường ống. Ban đầu cũng có gia đình chưa thông đâu, họ sợ liên lụy trách nhiệm. Nhưng khi được giải thích thấu đáo cả lý, cả tình mà lấy cái tình là chính thì ai nấy đều thông hiểu. Hơn nữa bộ đội của kho cơ bản là con em của nhân dân địa phương, thế nên không giúp bộ đội thì còn giúp ai. Đấy, cái tình là ở chỗ ấy nữa...”.

Một ngày nói chuyện với bộ đội xăng dầu ở Kho 661 khiến tôi hiểu thêm nhiều điều về "bộ đội đường ống" thời nay. Trước đây trong kháng chiến, Bộ đội Xăng dầu đã chịu biết bao hy sinh, gian khổ để đưa được dòng nhiên liệu vào chiến trường. Ngày nay đất nước đã hòa bình, người lính đường ống lại đứng trước những khó khăn mới. Tuy nhiên, với truyền thống đã có và với sự sáng tạo, chính quy của bộ đội xăng dầu hiện nay thì họ đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

TRẦN TUẤN