Các phóng viên phỏng vấn các đại biểu dự Hội thảo

QĐND Online - Cách đây 40 năm, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 táo bạo, bất ngờ, tạo bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời gian lùi xa 40 năm càng giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về sự kiện trọng đại này. Thực hiện kết luận của Ban bí thư Trung ương Đảng, hôm nay, ngày 10-1-2008, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân MậuThân 1968”...

Tới dự hội thảo có Thượng tướng Phan Trung Kiên - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trưởng ban tổ chức hội thảo; đồng chí Hồ Xuân Mãn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đồng trưởng ban tổ chức hội thảo. Đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và có bài phát biểu tham luận. Tới dự hội thảo còn có hơn 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong cả nước; các đại biểu là các vị lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu, những người đã tham gia lãnh đạo, chỉ huy và trực tiếp chiến đấu trong cuộc Tổng tiên công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ban tổ chức đã nhận được gần 100 tham luận khoa học tham gia hội thảo. Phóng viên báo Quân đội nhân dân lược ghi một số tham luận tham gia cuộc hội thảo…

Thượng tướng Phan Trung Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Một biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, mặt trận Trị Thiên - Huế giành thắng lợi to lớn. Quân và dân ta đã giải phóng và chiếm giữ thành phố Huế 26 ngày đêm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, góp phần tạo ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc hội thảo hôm nay tiến hành trên mảnh đất lịch sử cố đô Huế - di sản văn hoá Thế giới, chiến trường oanh liệt năm xưa là một việc làm cần thiết có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn. Cùng với độ lùi thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, chúng ta cùng nhau lý giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử trọng đại này, nhằm đúc kết những bài học quí báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hôm nay và mai sau.

Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến công và những bài học từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Tôi muốn nhấn mạnh những bài học về lãnh đạo, chỉ huy của cơ quan cao nhất ở một hướng chiến trường trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trong cùng thời gian với cuộc tiến công trên toàn miền Nam. Năm 1986, đồng chí Trần Văn Quang, nguyên Bí thư khu uỷ, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế đã phát biểu trong một hội nghị do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức với một tinh thần thẳng thắn. Qua bài phát biểu này, chúng ta có thể rút ra được những bài học rất có giá trị về sự chỉ đạo chiến lược, chiến dịch đối với một cuộc Tổng tiến công có ý nghĩa lịch sử độc đáo. Trong cuộc Tổng tiến công đó, lần đầu tiên lực lượng vũ trang và nhân dân ta tiến công và nổi dậy với khí thế “xung thiên”, với qui mô lớn chưa từng có ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt là thành thị…Đảng ta đã khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là một thắng lợi rất lớn của quân dân miền Nam và của cả nước. Thơ chúc Tết của Bác Hồ năm 1969 có câu mở đầu: “Năm qua thắng lợi vẻ vang”. Như vậy, dù ta có tổn thất, một số yêu cầu đề ra không đạt, nhưng không thể đánh giá thấp thắng lợi. Cục diện chiến tranh ở Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ đã bị lung lay, buộc chúng phải điều chỉnh chiến lược, phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng những bài học rút ra thì phải trao đổi, bàn bạc sâu hơn nữa cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, để bổ sung, làm phong phú hơn kho tàng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng của một nước nhỏ chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Những bài học đó còn có ý nghĩa thực tiễn cho chúng ta hiện nay, đó là: trong chủ trương chiến lược, yêu cầu cơ bản, đầu tiên là phải đánh giá đúng tình hình thực tiễn…

Lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ sử dụng chiến xa và pháo hạng nặng bắn vào thành cổ.

Đại tướng Lê Đức Anh, Nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Bất ngờ từ thế trận lòng dân

Cho đến nay, hơn một phần ba thế kỷ, người ta vẫn chưa hiểu bằng cách gì mà ta triển khai trên diện rộng toàn miền Nam, đồng loạt nổ súng tiến công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà vẫn giữ được tuyệt đối bí mật. Tôi nhớ, gần sát thời điểm Tổng tiến công, mỗi tỉnh chỉ một người biết rõ “giờ G, ngày N” - thời điểm nổ súng tiến công địch. Đặc biệt, quần chúng đã tham gia tích cực vào chuẩn bị cho đợt tổng tiên công và sau khi nổ súng đã tham gia đông đảo bằng nhiều hình thức trên nhiều lĩnh vực. Nhân dân trinh sát, nắm tình hình, dẫn đường, che giấu cán bộ và tích cực tham gia chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, nuôi dưỡng thương binh rồi đưa về căn cứ an toàn. Nhiều người, có trường hợp cả gia đình bị địch bắt, khủng bố, tù đày…vẫn một lòng hướng về cách mạng, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Do xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân- thế trận lòng dân nên chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị, giữ được bí mật cho đến giờ nổ súng và chúng ta mới có thể tiến công địch theo “kiểu Mậu Thân 1968”. Điều này khiến cho giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn kinh hoàng vì khi cuộc tiến công “Tết Mậu Thân” vừa xảy ra, nhiều nhà chính trị Mỹ đã ý thức được ngay rằng: cuộc tấn công “Tết Mậu Thân” chứng tỏ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát gì được đất nước này”, chứng tỏ nhân dân Việt Nam ủng hộ “kẻ thù” của Mỹ”.

Đồng chí Hồ Xuân Mãn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế: Phát huy truyền thống " tiến công, nổi dậy anh dũng kiên cường", xây dựng quê hương giàu đẹp

Chiến công xuất sắc của quân và dân Thừa Thiên Huế đã được Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ tư (tháng 10-1968) chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về chiến tranh du kích và được Bộ chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam tuyên dương 8 chữ vàng: "Tiến công nổi dậy anh dũng kiên cường". Hơn 20 năm đi lên trong sự nghiệp đổi mới, Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến "có tính toàn diện, lịch sử trên các lĩnh vực. Quá trình phát triển đã nhất quán các quan điểm: tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược trọng yếu.Chuyển biến rõ rệt nhất là kinh tế. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,6%, tiếp tục đạt mức cao nhất trong mười năm qua và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 trong toàn quốc. Thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng, xếp thứ 20/64 tỉnh, thành của cả nước. Chỉ số xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh so với cả nước (công bố ngày 14-9-2007) có sự bứt phá vượt bậc từ vị trí 12 năm 2005 lên vị trí thứ 4. Chỉ số mức độ cạnh tranh (PCI) tăng từ vị trí thứ 38 lên vị trí thứ 15 trên toàn quốc.

40 năm qua kể từ mùa Xuân 1968, thành phố Huế bị đạn bom Mỹ tàn phá năm xưa nay đã trở thành đô thị loại I cấp quốc gia, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam; sân bay quân sự Phú Bài, nơi đế quốc Mỹ dùng tập để vận chuyển, tập kết lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh đàn áp phong trào cách mạng, nay trở thành cảng hàng không quốc tế đưa đón khách muôn phương về tham quan Cố Đô di sản văn hóa nhân loại.

Cầu Trường Tiền hôm nay, cùng thành phố bình yên bên dòng Hương

Mang trong mình hào khí "tiến công nổi dậy anh dũng kiên cường", từ một tỉnh bị đế quốc chiếm đóng, sau 40 năm, Thừa Thiên Huế đã chuyển mình trở thành một tỉnh có vị thế trong khu vực miền Trung Tây Nguyên và đang vươn lên mạnh mẽ cùng cả nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

NGUYÊN MINH – TIẾN DŨNG thực hiện