Khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ có một tuyến đường mới dài gần 700 ki-lô-mét có tên gọi: Trường Sơn Đông. Tuyến giao thông quan trọng này được khởi đầu từ Quảng Nam, nối liền các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên về thành phố Đà Lạt, sẽ không chỉ có ý nghĩa về kinh tế - xã hội mà còn có tầm chiến lược về quốc phòng - an ninh. Quân đội là lực lượng chủ lực để quản lý, triển khai thi công xây dựng tuyến đường này...

"Tam lộ song hành" tại miền Trung và Tây Nguyên

Để có những thông tin cần thiết về dự án xây dựng tuyến đường, chúng tôi có cuộc làm việc với lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Trường Sơn Đông (còn gọi là Ban quản lý Dự án 46 - Bộ Quốc phòng). Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban quản lý Dự án bộc bạch: "Được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Ban chỉ đạo dự án đặc biệt quan tâm, trực giao nhiệm vụ quản lý một dự án lớn, chúng tôi có quá nhiều việc phải giải quyết. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với Ban quản lý dự án. Cho đến thời điểm này, công việc đang được triển khai một cách tích cực, đồng bộ”.

 

Vẫn theo đại tá Bình, tuyến đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài gần 700 ki-lô-mét, chạy qua 7 tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Điểm đầu tuyến phía Bắc nối với đường Hồ Chí Minh, tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang - Quảng Nam), điểm cuối tuyến “hợp lộ” tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Như vậy, khi dự án được hoàn thành, tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sẽ có ba tuyến đường lớn: Quốc lộ 1A, đường Trường Sơn Đông và đường Hồ Chí Minh. Dọc tuyến “tam lộ song hành” này sẽ giao nhau với nhiều tuyến đường như quốc lộ 14B, quốc lộ 24, quốc lộ 25, quốc lộ 27, quốc lộ 28… và nhiều tỉnh lộ đi vào các khu kinh tế, khu vực đông dân cư.

Cũng cần phải nói thêm, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để bảo đảm cho các mặt trận Quảng Đà, Quân khu 5, Quân khu 6, B3, Quân giải phóng và nhân dân, Khu 5 đã xây dựng tuyến đường Z114, nối liền các chiến khu, các căn cứ quân sự của cách mạng (từ chiến khu Bình Trị Thiên, dọc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tới Lâm Đồng). Đến nay, có đoạn đã được trải nhựa, nhưng về cơ bản không được duy tu, sửa chữa, hư hỏng nhiều, nhiều đoạn không thể đi lại được. Đường Trường Sơn Đông sẽ được xây dựng trên cơ sở đường Z114, nối thông các tuyến đường đã có, chạy song song chia đôi dải đất giữa Quốc lộ 1A phía đông và đường Hồ Chí Minh phía Tây, tạo nên một trục dọc trung tâm. Điều này không chỉ có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng - an ninh mà còn có tầm quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng.

Chính phủ chỉ đạo: Dự án phải đạt mục tiêu, hiệu quả và tiết kiệm

Vào đầu năm 2005, ngay sau khi thông tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, Thường trực Chính phủ đã họp và nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: Đồng ý về nguyên tắc thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông và cho phép đầu tư dự án. Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng đảm nhiệm chức năng của chủ đầu tư, lập ban quản lý dự án có đủ năng lực để quản lý, điều hành, thực hiện dự án theo luật định, đạt mục tiêu, hiệu quả và tiết kiệm. Chính phủ cũng chỉ đạo, Bộ Giao thông-Vận tải bổ sung tuyến đường này vào Quy hoạch phát triển ngành giao thông-Vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Bộ Tài chính trên cơ sở nguồn vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ, cân đối nguồn vốn để xây dựng công trình và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư dự án. Trên tinh thần đó, ngày 10-6-2005, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Quản lý Dự án đường Trường Sơn Đông. Chỉ sau 3 tháng Ban quản lý dự án đi vào hoạt động và tiến hành giải quyết hàng “núi” công việc, ngày 5-9-2005, công trình xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông đã chính thức được khởi công. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc thi công hiện nay mới đồng loạt được triển khai.

Tuyến giao thông Trường Sơn Đông nằm trên vùng cao nguyên rộng lớn, có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đi qua nhiều khu căn cứ cách mạng, vùng kinh tế chậm phát triển, nơi có tới 70% là đồng bào dân tộc thiểu số (như Kà Tu, Kà Dong, Here, Co, Ba Na, Êđê…), đông đồng bào theo tôn giáo, chủ yếu là Thiên Chúa giáo, Tin lành, Phật giáo; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn rất nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sẽ góp phần quan trọng để tạo ra bước đột phá, khơi dậy tiềm năng kinh tế ở vùng đất Tây Nguyên, tạo điều kiện lưu thông hàng hoá giữa các khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một khu vực có tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử cách mạng vẫn chưa có điều kiện phát huy, khai thác. Sau khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối được 398 xã (nằm trong 33 huyện của 7 tỉnh), tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống y tế, giáo dục, văn hoá đến vùng sâu, vùng xa, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo thêm niềm tin cho bà con các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu: Phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2010

Để xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông, các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông - Vận tải đã thực hiện tốt việc tư vấn, khảo sát, thiết kế. Công tác tư vấn giám sát do công ty QCI - một doanh nghiệp của nước bạn Cu-ba từng thực hiện tư vấn giám sát đường Hồ Chí Minh - đảm nhiệm. Cùng với nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư, khôi phục đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng do xây dựng tuyến đường, tại thời điểm này, các doanh nghiệp quân đội thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9… đang triển khai thi công trên nhiều đoạn. Các doanh nghiệp quân đội được xác định là lực lượng nòng cốt để thực hiện việc thi công tuyến đường này. Đây là những công ty có thực lực, nhiều kinh nghiệm trong thi công xây dựng các tuyến đường khó khăn, phức tạp.

Trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân vào chiều 14-9-2006, trung tá Nguyễn Huy Vân, trợ lý chính trị Ban quản lý Dự án đường Trường Sơn Đông - Bộ Quốc phòng - cho biết: Hiện nay, đoạn đầu tuyến (thuộc thị trấn Thạnh Mỹ - Quảng Nam), có hai công ty là 384 và 532 của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang triển khai thi công nhiều hạng mục quan trọng. Đoạn tại xã Sơn Tây, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và xã Hiếu, huyện Kông-Plông, tỉnh Kon Tum do xí nghiệp 491 và 103 (thuộc công ty Vạn Tường - Quân khu 5) đảm trách. Còn công ty 7-5 (Quân khu 7) cũng đang khẩn trương thi công đoạn Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng… Tất cả những người lính trên mặt trận xây dựng kinh tế đang vào cuộc với khí thế và quyết tâm cao.

Dự án xây dựng đường Trường Sơn Đông sẽ được phân thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 2005 đến 2008) phấn đấu xây dựng xong những đoạn chưa có cốt đường để liên thông toàn tuyến. Giai đoạn 2 (từ năm 2008 đến năm 2010) sẽ hoàn chỉnh việc xây dựng và bàn giao. Đường Trường Sơn Đông, về cơ bản, sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, có nền đường rộng 7,5 mét, mặt đường trải đá dăm, láng nhựa. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 3.529 tỉ đồng được huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Đề cập tới việc quản lý dự án, triển khai thi công tuyến đường, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó cục trưởng cục Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Quốc phòng) khẳng định: Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý sử dụng tốt nguồn vốn đầu tư, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về xây dựng cơ bản, đảm bảo đúng quy mô đầu tư, chất lượng, hiệu quả trong thi công xây dựng.

Đường Trường Sơn Đông sẽ đi qua nhiều vùng núi non hiểm trở, xa khu dân cư, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, có nơi vẫn còn nhiều bom, mìn găm lại từ thời chiến tranh… Đó sẽ là thách thức, khó khăn đối với các đơn vị tham gia thi công. Với truyền thống vẻ vang của mình, tin tưởng rằng, các doanh nghiệp xây dựng Quân đội sẽ tiếp tục vẽ thêm một nét son mới trên bản đồ Tổ quốc: Con đường chiến lược Trường Sơn Đông.

LÊ THIẾT HÙNG