QĐND - Bình Định-Quảng Ngãi-Quảng Nam-Đà Nẵng, đoàn đua đi qua một chặng dài của “Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Những tiếng reo hò. Những bàn tay người già, trẻ nhỏ vẫy theo. Nôn nao nhớ những trang lịch sử miền đất ông cha đổ mồ hôi và máu xương khai phá, miền đất “trung dũng kiên cường” nơi bộ đội và nhân dân ta vượt trùng trùng gian khó quyết liệt chiến đấu và chiến thắng.
1858-1975, 117 năm từ ngày tàu chiến Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, dải đất miền Trung này không một ngày hòa bình. Phải đến ngày 29-3-1975, quân chủ lực, quân địa phương tiến công từ bốn hướng Quảng Nam-Đà Nẵng mới được giải phóng. Những ngày ấy với riêng tôi, biết bao kỷ niệm về chiến trận, về lòng dân.
Quảng trường 2-9, 39 năm trước là một bãi rác lớn. Và cả thành phố này ngày ấy cũng không khác nào một bãi rác khổng lồ sau cuộc càn quét vơ vét cuối cùng, và cuộc tháo chạy hoảng loạn của 10 vạn quân địch. Gần bên quảng trường là Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn. Khi tôi theo bước bộ đội ta tiến vào cả ba dãy nhà hai tầng, cả khuôn viên rộng lớn của trại địch cũng ngập ngụa rác. Quần áo các sắc lính, đồ ăn, cờ xí, huân chương, giấy tờ vương vãi. Trong số ấy có cả những vật dụng như con dấu của tên trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1 của địch. Mới mấy hôm trước, tên tướng này còn ở Huế lớn tiếng kêu gào “tử thủ” nhưng trước sức tấn công vũ bão của đại quân ta, hắn đã sớm "cao chạy xa bay".
Gần về đích, những guồng bánh xe tăng tốc tấn công. Vâng, trong môn đua xe đạp, thuật ngữ tấn công được dùng như một chiến thuật, một quyết tâm bứt vượt ở những chặng then chốt và nước rút. Nhìn những tốp VĐV gò mình guồng chân lao xe vun vút, tôi lại nhớ một mệnh lệnh tấn công lịch sử 39 năm về trước. Đó là mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới tất cả chiến trường ngày 7-4-1975.
Theo mệnh lệnh ấy, sau khi gửi bài “Tác chiến thất của Ngô Quang Trưởng” về tòa soạn, tôi được ban biên tập báo lệnh cho rời khỏi Đà Nẵng đi cùng Quân đoàn 2 tiến về phía Nam. Nhưng phía trước, cầu Câu Lâu trên Quốc lộ 1A bị đánh sập, cả đoàn xe phải rẽ theo đường nhỏ vòng qua ngả Điện Bàn, Duy Xuyên. Có đi theo đường này tôi mới được thấy, thế nào là “khu dồn” mà địch lập nên ép dồn dân ta. Một vùng trắng không bóng hình làng xóm, chỉ thấy những vòng dây thép gai vây bọc. Mới ít ngày sau giải phóng, người dân dựng tạm nơi trú ngụ của mình bằng những miếng tôn, vỏ bao cát, mảnh ni-lông, tàu lá dừa.
Có nhớ hình ảnh ấy năm xưa, mới thấy cuộc xây dựng hòa bình đưa lại cho nhân dân những đổi thay lớn biết chừng nào. Suốt dọc chiều dài hàng chục cây số của con đường tránh tôi qua năm xưa giờ là hai dãy phố, là những cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, khang trang không khác gì những khu phố thị ở mọi nơi trên đất nước ta. Và đây, Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi dựng lên bên đường ở Thanh Quýt, Điện Bàn. Trước đó, qua Đức Phổ-Quảng Ngãi, chúng tôi đã được thấy bệnh xá mang tên người Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đoàn xe đang đi qua con đường lịch sử với những địa danh lừng lẫy chiến công trong hai cuộc kháng chiến, những tỉnh, huyện anh hùng Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đức Phổ, Mộ Đức, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Duy Xuyên, Điện Bàn… cái tên huyện Tam Kỳ Nam đã được đổi thành Núi Thành ghi dấu trận đầu tiên thắng quân Mỹ. Còn Tam Kỳ Bắc bây giờ đã là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ tỉnh Quảng Nam.
Lịch sử và hiện tại, ký ức và thời sự đan quyện. Đây Trà Lý, đây Thu Bồn, đây sông Hàn. Bây giờ tôi không biết được đã có thêm bao nhiêu chiếc cầu bắc qua những con sông thân thuộc ấy. Ngay Đà Nẵng này đây, cứ một vài năm gặp lại, tôi được thấy thành phố to rộng thêm ra, quy mô, nền nếp. Cả vùng ven biển, nơi những kho tàng, căn cứ quân sự, sân bay, trại lính, khu gia binh, làng chài nghèo, những trảng cát mênh mông bây giờ là san sát những khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, sân gôn, dãy dãy phố xá, đường ngang đường dọc, đại lộ và những cao ốc.
Căn cứ quân sự lớn nhất miền Trung của địch đã thành thành phố hòa bình, hiện đại với nhiều cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiếp cận đẳng cấp quốc tế. Đà Nẵng đang vươn lên mỗi ngày theo mệnh lệnh tấn công đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
MẠNH HÙNG